Đó là "Vườn cộng đồng" nằm ở trong khuôn viên số 152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM, mới được khánh thành chiều 15.4.
Người khởi xướng ý tưởng và kêu gọi được tài trợ cho dự án này là Nguyễn Nhật Ninh Khánh, 29 tuổi, kiến trúc sư tại TP.HCM, đang làm việc trong lĩnh vực tư vấn phát triển bền vững. Khánh là cựu sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và tốt nghiệp thạc sĩ thiết kế đô thị tại Bỉ với học bổng V-Lir do chính phủ Bỉ tài trợ toàn phần.
Cách giáo dục thú vị về an ninh lương thực
Nằm ở trung tâm TP.HCM, đối diện với không gian đầy cây xanh tại Dinh Độc Lập, vườn cộng đồng ở 152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa khiến nhiều người thích thú khi được thiết kế xinh xắn. Nơi đây có những cây ăn trái đang ra lá non như lựu, khế, mãng cầu (na), ổi; nhiều loại rau gia vị như bạc hà, tía tô, ngò gai…
Khu vực giàn leo cũng đang xanh mướt những dây bầu, bí, có dây đang cho hoa và trái con. Trong vườn còn có hệ thống aquaponic, vừa nuôi cá vừa lấy nước tưới rau tự động. Kệ để ngồi quanh vườn là vật liệu tái chế từ các vỏ hộp sữa...
Trong chiều nay, đông đảo học sinh, sinh viên cũng như phụ huynh cùng tới thăm vườn. Nhiều người tự tay gieo hạt với sự hướng dẫn của các tình nguyện viên.
Kiến trúc sư Ninh Khánh cho biết vườn cộng đồng luôn mở cửa đón chào tất cả cư dân của thành phố, học sinh, sinh viên, trẻ em và phụ huynh đi cùng, để mọi người cùng tự tay gieo hạt, tưới nước, thu hoạch rau mang về làm thực phẩm và cùng trồng thêm những cây rau mới.
Những người thực hiện dự án mong muốn khi ai đó đến đây cùng nhau hái rau mang về, sẽ tự tay ươm trồng thêm nhiều cây rau mới để người đến sau có thể tiếp tục thu hoạch.
Khi được hỏi vì sao vườn cộng đồng đa số trồng cây thực phẩm, kiến trúc sư Ninh Khánh lý giải: "Vườn trồng cây lương thực, thực phẩm trong đô thị, không có nghĩa là có thể thay thế hết sản phẩm mua ở chợ. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nâng cao nhận thức về tự cung tự cấp, an ninh lương thực đô thị và tình yêu đối với môi trường cho trẻ em, học sinh, sinh viên và tất cả mọi người. Khu vườn sẽ giúp giáo dục một thế hệ mới quan tâm hơn đến các vấn đề về môi trường địa phương cũng như toàn cầu và thực hành kinh tế tuần hoàn trong đời sống hàng ngày".
Hành trình của "những chấm xanh"
Việc xây dựng vườn cộng đồng trong thành phố nằm trong dự án The Green Dots (Những chấm xanh) do Ninh Khánh sáng lập. Cô bắt đầu xin tài trợ cho The Green Dots lần đầu từ cuối năm 2020.
Năm 2021, cô nhận tài trợ 14.000 USD của Bộ Ngoại giao Mỹ qua chương trình YSEALI Seeds For The Future cho dự án.
Chương trình xây dựng vườn cộng đồng trong TP.HCM này của Ninh Khánh nhận được tài trợ 25.000 USD (gần 600 triệu đồng) từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Tên chương trình là Alumni Engagement Innovation Fund, dành cho những người từng được Mỹ tài trợ trước đây.
Với vườn cộng đồng trong không gian tại Nam Thi House (152 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), Ninh Khánh cho biết đây sẽ là nơi mà bất cứ ai có thể trải nghiệm, trau dồi kiến thức về việc làm vườn trong đô thị, thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn đơn giản như gom nước mưa cho hệ thống tưới tiêu, làm phân bón từ thực phẩm thừa…
Thời gian tới, vườn cộng đồng cũng sẽ có những hoạt động như hội thảo về làm vườn và bền vững, chiếu phim tài liệu, trưng bày, trò chuyện và các sự kiện khác, từ đây mọi người trong thành phố sẽ được kết nối nhiều hơn cùng nhau.
Bình luận (0)