Các bé chơi dưới vòi phun nước trong trường mầm non rộng gần 10.000 m2 |
thúy hằng |
Trường mầm non Thành phố với tuổi đời hơn 40 năm, đây là trường công lập trực thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, tiền thân là Nhà trẻ 300 do quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tài trợ xây dựng và bàn giao cho Ủy ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em TP.HCM.
Với diện tích gần 10.000 m2, trường gồm các phòng lớp được thiết kế nhiều cửa kính để đón ánh sáng tự nhiên và không khí trong lành. Trường có 17 lớp học và đầy đủ các phòng chức năng (phòng hoạt động nghệ thuật, phòng giáo dục thể chất, phòng STEAM), có hội trường, các phòng làm việc của Ban giám hiệu, nhà bếp, văn phòng, phòng y tế, sân trường, hồ bơi…
Trẻ nhỏ khám phá vườn trường |
Các bé Trường mầm non Thành phố hái hoa đậu biếc trong vườn trường |
Đặc biệt vườn trường có rất nhiều cây ăn trái, các loại hoa, rau để trẻ được tự tay chăm sóc và khám phá quá trình lớn lên của các loại cây.
Năm học 2022-2023, trường mầm non Thành phố có 549 bé, từ 13 tháng tới 5 tuổi. Số lượng giáo viên là 41, cùng 10 bảo mẫu. Trường có 12 lớp mẫu giáo (trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi), 5 nhóm nhà trẻ (trẻ từ 13 tháng tuổi tới 36 tháng tuổi).
Quan niệm “Nụ cười của trẻ là niềm hạnh phúc của cô”, những hoạt động giúp trẻ được học thông qua chơi, được thực hành, trải nghiệm giúp trẻ hình thành, phát triển các kỹ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ như trẻ dạn dĩ khi tiếp xúc với nước khi được chơi dưới vòi phun nước, trước khi được học bơi với huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Phòng STEAM rộng hơn 120 m2 với đầy đủ dụng cụ, đồ dùng hiện đại, tại đây trẻ được học lập trình robot, được học làm bánh, pha chế đồ uống theo công thức...
Những không gian xanh lý tưởng trong trường |
Trẻ được khám phá nhiều điều |
Cô và các bé cùng tìm hiểu về con cá thật |
thúy hằng |
Trẻ học lập trình robot |
Tại các lớp trẻ, giáo viên luôn bám sát các tiêu chí "trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" vận dụng sâu trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ hoạt động như: Khám phá về hoa đậu biếc (hoạt động lớp 4-5 tuổi); phát triển vận động tinh (xé giấy); hoạt động nhóm 24 - 36 tháng tuổi…
Những bữa ăn cho trẻ tại trường mầm non Thành phố luôn được chú trọng về dinh dưỡng, sự an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt luôn công khai thực đơn, món ăn hàng ngày. Trường trang bị một tủ trưng bày món ăn mỗi ngày (bữa sáng - trưa - chiều) nhằm công khai với cha mẹ học sinh và cộng đồng về chất lượng bữa ăn của trẻ.
Tủ trưng bày món ăn mỗi ngày |
thúy hằng |
Cô và trò cùng sáng tạo
Trong tháng 10.2022, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2021-2025, đại diện tỉnh, thành từ Quảng Nam trở vào và Ban phụ nữ quân đội tham quan môi trường giáo dục và dự 8 hoạt động giáo dục cho trẻ theo hướng thực hành trải nghiệm, học thông qua chơi theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm tại Trường mầm non Thành phố.
Sau khi được dự giờ các hoạt động tại vườn trường, phòng STEAM, cô Ngọc - hiệu trưởng một trường mầm non tại H.Mang Yang, Gia Lai cho biết đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các giáo viên trong việc tổ chức các hoạt động cho trẻ, làm sao để trẻ chủ động, học hỏi được nhiều điều thú vị trong cuộc sống.
Trẻ học về sự đổi màu của nước |
Hay tự tay làm bánh trong phòng STEAM |
Hồ bơi rộng, và huấn luyện viên bơi chuyên nghiệp dạy bơi cho các bé |
thúy hằng |
Với rất nhiều cây xanh, trường luôn có không khí trong lành |
Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, đến từ một trường mầm non tại tỉnh Đắk Nông, cũng cho hay cô ấn tượng với sự sáng tạo của các giáo viên. “Trong một hoạt động cho trẻ 4 tuổi học về sự đổi màu của nước, các cô đã tận dụng nguyên liệu sẵn có đó chính là những bông hoa đậu biếc trong vườn trường. Hoạt động này giúp trẻ khám phá về sự kỳ diệu của hoa đậu biếc khi pha với nước lạnh hay nước ấm, đồng thời trẻ được tự tay pha nước, chế biến được món đồ uống tốt cho sức khỏe từ hoa đậu biếc”, cô Nguyễn Thị Huệ nói.
Cô Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng Trường mầm non Thành phố, cho biết nhà trường triển khai hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 1 (2016-2020) và sẽ triển khai sâu hơn chuyên đề giai đoạn 2 (2021-2025), trên cơ sở bảo đảm các điều kiện thực tiễn của trường, lớp, nhu cầu của trẻ và năng lực của giáo viên, sự đồng hành của ban giám hiệu. Đồng thời, nhà trường luôn phối hợp với cha mẹ trẻ, cộng đồng, nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Bình luận (0)