Nhật ký đi tiêm vắc xin ghi lại chi tiết các bước của một cô gái để được tiêm vắc xin Covid-19 an toàn. Đầy đủ các công đoạn cô đã trải qua, từ đăng ký tới khi được thông báo qua tin nhắn thời gian, địa điểm tiêm cho tới lúc được y bác sĩ khám sàng lọc, tiêm, ngồi đợi 30 phút, bác sĩ dặn dò cùng quá trình nghỉ ngơi, chăm sóc
sức khỏe tại nhà sau đó.
Bộ tranh với nét vẽ dễ thương, lời thoại giản dị, đôi chỗ vui vẻ, hài hước khiến nhiều người trẻ thích thú.
Người thực hiện bộ tranh là
Nguyễn Vũ Xuân Lan, cựu
giảng viên thế hệ 8X của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, đang là họa sĩ minh họa tự do. Xuân Lan cho hay cô nảy ra ý tưởng vẽ bộ tranh Nhật ký đi tiêm vắc xin này sau khi đi tiêm vắc xin Covid-19 hôm 30.7. Trước đó, nhắc tới việc tiêm vắc xin, cô cũng từng e ngại vì lo lắng sốc phản vệ cũng như sợ cảnh chen chúc chờ tiêm trong bệnh viện.
Các bước của việc tiêm vắc xin an toàn được thể hiện dễ thương
|
Bộ tranh được UNICEF chia sẻ và nhận được nhiều tương tác
|
“Tuy nhiên, buổi tiêm vắc xin
Covid-19 của tôi lại suôn sẻ và dễ chịu bất ngờ, ra về tôi cảm thấy yên tâm và vui, nên tôi muốn chia sẻ trải nghiệm lần đầu tiên trong đời chích vắc xin Covid-19 này để mọi người hiểu rõ hơn về quy trình, đỡ hoang mang hơn. Đồng thời, tôi cũng mong muốn bộ tranh phần nào
cổ vũ mọi người đi tiêm vắc xin để cùng đẩy lùi dịch bệnh, giúp xã hội có thể sớm ổn định trở lại”. Xuân Lan cho hay, sau khi bộ tranh hoàn thành, UNICEF Viet Nam - Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc đã xin phép được đăng tải lại bộ tranh trên các kênh của họ.
Nữ họa sĩ minh họa tự do cho hay cô vẽ bộ tranh Nhật ký đi tiêm vắc xin trong 3 ngày, từ lúc vừa đi tiêm về. “Đang vẽ dở thì tôi phải dừng vì bắt đầu sốt, nghỉ mất một ngày. Khi hạ sốt và tỉnh táo trở lại thì tôi vẽ tiếp”, Xuân Lan kể.
Ban đầu, cô chỉ muốn đánh dấu lại việc này như một kỷ niệm để đời. Nhưng khi đọc bình luận của mọi người trên mạng xã hội về bộ tranh, cô nhận ra nhiều điều ý nghĩa tích cực hơn. “Bộ tranh giúp cho khá nhiều bạn nhìn nhận tích cực hơn về việc tiêm vắc xin
Covid-19, giải đáp được cho mọi người một vài câu hỏi thường gặp, nên tôi cảm thấy mình cũng đang đóng góp một phần nhỏ xíu vào việc chống dịch”, Xuân Lan vui vẻ chia sẻ.
Người Pháp tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam: 'Thấy an tâm trước khi trở về nước'
|
Sống lạc quan trong ngày giãn cách
Xuân Lan cho hay, tại Hà Nội, nơi cô đang sống, việc chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt. Việc ra ngoài đường khá khó khăn nếu không có giấy tờ và lý do hợp lý. Đi chợ cũng cần phải dùng phiếu đi chợ, nhưng cũng có khi chợ có thể đóng cửa.
“Mọi thành viên trong gia đình chúng tôi vẫn làm việc, tuy nhiên trong mùa dịch này cũng có lúc xảy ra những trường hợp bất thường thì cũng khó giải quyết, ví dụ như chó mèo ốm chẳng hạn. Là họa sĩ minh họa tự do, tôi ít bị ảnh hưởng hơn so với nhiều người vì vốn tôi có thể làm việc tại nhà. Công việc không thay đổi quá nhiều, chỉ bị chậm lại chút do khách hàng cũng bị kẹt ở chỗ phong tỏa, hoặc khách hàng... hết tiền chẳng hạn (cười). Nên cách thích nghi của cá nhân tôi là tiết kiệm hết sức có thể, và cẩn thận để tránh ốm đau, hỏng hóc đồ đạc”, nữ 8X hài hước kể.
Trong ngày giãn cách, Xuân Lan chọn vẽ và nói chuyện với bạn bè
|
Cô cho rằng, trong ngày giãn cách xã hội để phòng chống dịch, mọi người có những cảm xúc cá nhân, người lạc quan, người âu lo. Để đối mặt với lo âu trong lúc này, mỗi người sẽ có một cách: chăm sóc cây, đọc sách, xem phim, tập yoga, nấu ăn, sáng tác... Với nữ họa sĩ 8X, cô chọn cách vẽ và nói chuyện với bạn bè.
“Vẽ để giãi bày tình trạng và cảm xúc của mình, và nói chuyện để cập nhật tình trạng của mọi người xung quanh, để thấy rằng dù không gặp mặt được nhưng chúng ta có nhau, thấy mình không quá cô đơn, và còn có thể cho nhau thông tin hữu ích khi cần. Hy vọng ai cũng sẽ tìm được sự giúp đỡ và nguồn an ủi tinh thần trong những ngày khó khăn này”, người thực hiện bộ tranh Nhật ký đi tiêm vắc xin được lan tỏa mạnh mẽ chia sẻ.
Một số tranh dễ thương khác của tác giả Nhật ký đi tiêm vắc xin
|
Bình luận (0)