Học sinh trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 trong một ngày tới trường. 7 giờ 30 trường sẽ vào học |
DẠ THẢO |
Trong khi các phụ huynh, học sinh đang tiếp tục tranh luận có nên lùi giờ vào học của học sinh, nhiều người đề xuất nên vào học lúc 7 giờ 30 vì chiều cao, trí tuệ của trẻ thì ở ngay TP.HCM, một trường học hơn 100 năm tuổi áp dụng giờ giấc này từ rất nhiều năm nay.
Đó là trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM, được thành lập vào năm 1920. Nhà trường áp dụng giờ giấc vào học, ra về dựa trên nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh.
Xem nhanh 20h ngày 22.10: Giá xăng Việt Nam ‘thấp nhất thế giới’ | Than khổ vì con đi học sớm |
Tan sớm nhưng nếu rước trễ cũng có người trông
Mỗi ngày, học sinh vào lớp lúc 7 giờ 30 và giáo viên có mặt trước đó 10 phút. Trường tan học từ 15 giờ 35 tới 16 giờ 25, tùy vào khối lớp. Nếu phụ huynh chưa thể đến đón con đúng giờ tan trường thì học sinh có thể ngồi chơi ở sân trước cổng trường, có nhân viên bảo vệ trông coi. Nhiều em có cha mẹ vướng công việc chưa thể tới đón lúc 16 giờ 25 có thể chơi cùng bạn bè ở sân trường tới tận 18 giờ, vẫn có các bác bảo vệ trông chừng giúp.
Trường học 102 tuổi ở TP.HCM |
Đ.T.H |
Cô Trần Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cho biết nhà trường áp dụng khung giờ giấc này trong nhiều năm nay và nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía.
“Vào học quá sớm, trẻ nhỏ rất vất vả. Các con ngủ không đủ giấc, ăn không đủ bữa, ăn xong không có thời gian tiêu hóa thức ăn đã phải học, không tốt cho sức khỏe. Vào học quá sớm thì giáo viên cũng cập rập, không thể thu xếp được công việc gia đình để toàn tâm toàn ý cho công việc giảng dạy ở trường. Do đó, khung giờ 7 giờ 30 vào học với trẻ tiểu học là hoàn toàn phù hợp”, cô Hương cho hay.
Cô Hương cho biết thêm phần lớn phụ huynh của học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng làm công chức, viên chức theo giờ hành chính nên đưa con đến trường trước 7 giờ 30 rồi tới công sở là phù hợp.
“Mong trường con tôi cũng lùi giờ vào lớp”
Đó là tâm tư của phụ huynh tên Ngọc, có con học lớp 1 của một trường tiểu học công lập, P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM.
Phụ huynh này cho biết 7 giờ 30 bắt đầu học nhưng học sinh lớp 1 cần phải có mặt ở trường trước 7 giờ, còn học sinh khối lớp 2, 3, 4, 5 thì có mặt trước 7 giờ 15.
“Cô giáo cho biết lớp có sĩ số đông, 7 giờ đến con còn rửa tay, thay dép, xếp hàng, chuẩn bị giờ học. Để 7 giờ có mặt ở trường, tôi và con xuất phát từ nhà 6 giờ 50, cũng may là nhà tôi gần trường. Nhưng con phải dậy từ 5 giờ 50 để vệ sinh cá nhân, ăn sáng, thay đồ thì mới kịp. Như vậy quá sớm”, chị Ngọc nói.
Học sinh Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 trong giờ học đầy niềm vui |
DẠ THẢO |
“Trẻ còn mắt nhắm mắt mở, chưa tỉnh táo mà đã phải ăn sáng, thật sự các con rất uể oải, ăn không ngon miệng. Chưa kể theo lời khuyên của bác sĩ, trẻ dậy sớm mà đã ăn sáng ngay là có nguy cơ bệnh tiểu đường. Nhưng không còn cách nào. Tôi mong các cô lùi giờ vào lớp, miễn 7 giờ 20 các con có mặt ở trường là được, để các con có thêm thời gian để được ngồi nghỉ, ăn sáng chu đáo, tiêu hóa thức ăn”, phụ huynh trẻ lớp 1 mong mỏi.
Tâm tư của ban giám hiệu trường THPT ở ngoại thành
Hiệu trưởng một trường THPT ở huyện Bình Chánh, TP.HCM cho hay có theo dõi loạt bài Nên lùi giờ vào lớp của học sinh trên Báo Thanh Niên những ngày qua. Tại nhà trường này, 7 giờ học sinh vào học, 11 giờ 30 tan trường. Buổi chiều vào học lúc 13 giờ 15 và tan trường lúc 17 giờ.
Đặc thù là trường THPT, ở ngoại thành, phụ huynh học sinh phần lớn là người làm nông nghiệp, công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, buôn bán tự do, sản xuất, giờ làm việc từ rất sớm nên nhà trường vẫn giữ nguyên khung giờ vào học-tan trường như hiện tại, để thuận tiện cho cha mẹ đưa rước con.
Tuy nhiên, theo thầy cô, nếu học sinh tiểu học có thể lùi giờ vào học, hoặc đặc thù trong trường có phần lớn phụ huynh làm trong các cơ quan theo giờ hành chính thì lùi giờ học trễ hơn cũng hợp lý.
Bình luận (0)