Nên lùi giờ vào học vì trí tuệ, chiều cao của học sinh!

Thúy Hằng
Thúy Hằng
18/10/2022 15:38 GMT+7

Cần lùi giờ vào học để học sinh có thời gian ăn uống, ngủ nghỉ đủ giấc, đủ bữa, vì sự phát triển trí tuệ, chiều cao của các em. Đó là những chia sẻ của chuyên gia và phụ huynh gửi về Báo Thanh Niên .

Nên lùi giờ vào học để trẻ được ngủ đủ giấc, ăn đủ bữa hơn

NGỌC DƯƠNG

Càng hiện đại thì càng không nên trái nhịp sinh học

Tính đến sáng 18.10, nhiều nhóm (group) trên các nền tảng mạng xã hội của phụ huynh học sinh các trường học đều bàn luận sôi nổi câu chuyện về “Nên lùi giờ vào học của học sinh”, tốt nhất là 7 giờ 30 bắt đầu học. Học sinh có thể tới trường từ 7 giờ, nhưng có 30 phút để ăn sáng, tiêu hóa thức ăn, nghỉ ngơi, đọc sách, dò bài, hoặc bạn nào vận động nhẹ ở sân trường trước khi một ngày học tập bắt đầu.

Nhìn nhận ở góc độ khoa học, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dinh dưỡng TP.HCM, cho hay nếu lùi giờ vào lớp, để trẻ vào học lúc 7 giờ 30 thì cũng không nên kéo dài hơn thời gian ở trường.

“Trẻ phải được ăn sáng thì mới đủ năng lượng để học tập. Khi ăn sáng thì đến trưa dạ dày mới tiết dịch vị, trẻ mới có cảm giác thèm ăn, tiêu hóa được thức ăn. Ăn sáng vội vàng lại càng không tốt, ăn xong học ngay cũng không tốt”, tiến sĩ, bác sĩ Danh nói.

Bên cạnh đó, ông Danh lưu ý học sinh phải được ăn sáng đầy đủ, đủ lượng, đủ chất, ăn xong cần ít nhất 10-15 phút để thức ăn tiêu hóa chứ không phải vội vội vàng vàng vừa đi vừa ăn, ăn trên yên xe máy của phụ huynh.

Theo ông Danh, tan trường từ 16 giờ 30 tới 17 giờ là hợp lý, nhưng phụ huynh cần phải đảm bảo con em đi ngủ sớm.

Bác sĩ Danh lưu ý trẻ em trong độ tuổi tiểu học tốt nhất cần được đi ngủ trước 21 giờ. Còn học sinh các cấp THCS, THPT cần phải đi ngủ trước 22 giờ. Buổi trưa, học sinh có thể ngủ 30 phút, hoặc nhắm mắt nằm nghỉ 15-20 phút và cần có thời gian để chơi thể thao, thải trừ các chất ứ đọng, duy trì sự nhạy bén của các phản xạ thần kinh và quá trình tư duy của não...

Hình ảnh không còn xa lạ ở nhiều trường học vào mỗi sáng

NGỌC DƯƠNG

Theo Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Dinh dưỡng TP.HCM, hiện nay đang có tình trạng học sinh gặp quá nhiều áp lực nên các em dễ bị stress, mệt mỏi, biếng ăn, hấp thu kém nên thiếu năng lượng và dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe.

"Tình trạng thiếu ăn, đói ngủ thường gặp rất nhiều ở học sinh. Điều này gây suy yếu hoạt động trí não và suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, làm ảnh hưởng đến năng suất học tập", bác sĩ Danh lưu ý.

Nên lùi giờ vào học, vì sức khỏe thể chất, tinh thần của các thế hệ học sinh!

NGỌC DƯƠNG

Trẻ em từ 6-11 tuổi nên ngủ từ 9-13 giờ/ ngày

Huấn luyện viên đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia Trương Minh Sang, có con là học sinh tiểu học, cho biết khi đứa trẻ được ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao phù hợp thì sẽ phát triển chiều cao, thể lực, đầu óc luôn minh mẫn, tỉnh táo, tràn đầy năng lượng để tiếp thu kiến thức bài học tốt hơn.

“Trẻ em nên được đi ngủ sớm. Tổ chức Giấc ngủ quốc gia Mỹ (NSF) khuyến nghị, trẻ em từ 6-11 tuổi nên có thời lượng ngủ từ 9-13 giờ mỗi ngày. Ngoài giờ học, trẻ cần thời gian để chơi thể thao, kết nối với các thành viên trong gia đình chứ không phải chỉ đi đến trường, về nhà lại cắm đầu làm bài tập tới khuya rồi đi ngủ luôn, ngủ được vài tiếng là lại dậy sớm tinh mơ đi học, không có thời gian ăn sáng tử tế, như vậy là chúng ta đang 'nuôi gà'”, anh Sang nói.

Huấn luyện viên Trương Minh Sang cùng con trai chơi thể thao

nvcc

"Em mong lùi giờ học để được ngủ đủ, đủ sức 'chiến đấu'”

Nhiều phụ huynh đồng tình với quan điểm nên lùi giờ vào học, vì tương lai chiều cao, trí tuệ, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh.

Một phụ huynh gửi bình luận về Báo Thanh Niên, phân tích: “Trẻ em cần ngủ nhiều để cao lớn. Bắt trẻ thức khuya làm bài tập, rồi bắt dậy sớm để tới trường, thì các em không có đủ thời gian ngủ thì làm sao cao lớn được. Về mặt khoa học, trẻ phải ngủ trước 10 giờ và phải ngủ 9 tiếng thì hormone tăng trưởng mới sinh ra nhiều để phát triển chiều cao. Bắt trẻ thức khuya dậy sớm là rất phản khoa học”.

“Tác hại của việc đi học sớm là trẻ phải ăn sáng quá sớm hoặc bỏ ăn sáng. Bỏ ăn sáng thì không có đủ sức để học. Còn ăn sáng quá sớm khi vừa ngủ dậy thì sẽ làm tăng nguy cơ tiểu đường. Vì thế, ngành giáo dục muốn con em chúng ta cao lớn sánh vai cường quốc năm châu thì nên cho con em chúng ta đi học muộn một chút và ít giao bài tập về nhà một chút”, phụ huynh này cho hay.

Poll TNO
Theo bạn, học sinh nên vào lớp lúc mấy giờ?

Học sinh Phamhonganh gửi những dòng tâm tư rất xót xa: “Em đồng ý với ý kiến lùi việc học đến 7 giờ 30. Em là học sinh, còn đang trong độ tuổi phát triển, học áp lực cả ngày ở trường, tối đến lại phải làm bài tập, soạn bài sáng hôm sau, tính ra cũng gần 22 giờ 30 mới xong, những hôm nhiều bài tập thì phải đến 23 giờ. Vậy mà sáng hôm sau đã phải dậy sớm để đi học, em năm nay học lớp 10, chương trình mới nên học rất khó, sáng ra em phải bỏ bữa sáng vì không kịp ăn. Đến trường thì cứ 5 phút ra chơi giữa tiết là em đều gục xuống bàn ngủ vì quá là mệt mỏi, thiếu ngủ và điều đó ảnh hưởng đến việc học. Em mong là sẽ lùi giờ vào học để có thể ngủ đủ giấc, có sức để 'chiến đấu' với một ngày mới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.