Thiếu gần 49.000 giáo viên mầm non nhưng vẫn phải giảm 10% biên chế

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
20/10/2022 17:50 GMT+7

Mặc dù cả nước còn thiếu 48.718 giáo viên mầm non , thiếu giáo viên theo định mức, nhưng các địa phương không được hợp đồng lao động và vẫn phải thực hiện chủ trương giảm 10% biên chế.

Giáo viên phải làm quá giờ nhưng không được trả thêm kinh phí

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, cho biết hiện nay số lượng giáo viên vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển của giáo dục mầm non.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ tư, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục công bố dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non

ngọc thắng

Tài liệu này cũng dẫn báo cáo cáo của Bộ GD-ĐT thống kê, cả nước còn thiếu 48.718 giáo viên mầm non. Ở địa bàn có khu công nghiệp còn thiếu hơn 17.344 giáo viên, định biên giáo viên/lớp còn thấp so với quy định (1,74).

"Mặc dù thiếu giáo viên theo định mức, nhưng các địa phương không được hợp đồng lao động và vẫn phải thực hiện chủ trương giảm 10% biên chế nên không thể bố trí đủ giáo viên", báo cáo nêu.

Một số tỉnh giáo viên mầm non thiếu nhiều, như Bình Dương thiếu 255 giáo viên trường công lập, thiếu 2.721 giáo viên ngoài công lập... Thời gian làm việc của giáo viên trên lớp thường kéo dài tới 9 - 10 giờ /ngày, quá giờ làm theo tiêu chuẩn, nhưng nhiều nơi giáo viên không được trả kinh phí làm thêm giờ.

Dự thảo báo cáo cũng chỉ ra rằng, chất lượng đội ngũ giáo viên tuy đã được nâng lên một bước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn giáo viên mầm non được đào tạo qua nhiều hệ, nhiều loại hình nên năng lực thực tế chưa tương thích với trình độ đào tạo…

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non cũng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng. Chương trình đào tạo giáo viên mầm non chậm đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu các hoạt động thực hành, thực tập; cơ chế giám sát chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên còn lỏng lẻo, nhất là đối với hệ đào tạo tại chức nâng chuẩn...

Chế độ tiền lương chưa tương xứng với công sức và áp lực

Theo dự thảo báo cáo, chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm bình đẳng giữa khu vực công lập và ngoài công lập.

Chế độ tiền lương đối với đội ngũ giáo viên mầm non chưa tương xứng với công sức và áp lực nghề nghiệp. Đời sống của một bộ phận giáo viên khu công nghiệp, khu chế xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Nhà nước và địa phương chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với giáo viên ngoài biên chế; công tác đào tạo, chính sách bảo hiểm xã hội cho giáo viên ngoài công lập chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều địa phương không đủ nguồn lực để bảo đảm đầy đủ chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non, nhất là giáo viên mầm non ngoài biên chế và đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng.

"Nhìn chung, thu nhập của giáo viên mầm non ngoài biên chế, nhân viên nuôi dưỡng hiện nay còn thấp so với mặt bằng chung xã hội, chưa tương xứng với cường độ lao động cao và tính chất công việc yêu cầu cao về tinh thần trách nhiệm và chuyên môn, nghiệp vụ", dự thảo báo cáo nêu.

Từ thực trạng trên, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục mầm non để quy định bổ sung những vấn đề mới, đáp ứng yêu cầu phát triển, nghiên cứu sửa đổi những quy định chưa hợp lý để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Quan tâm nghiên cứu xây dựng luật điều chỉnh về nhà giáo trong đó đặc biệt quan tâm đến chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục tư thục.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.