Độc, lạ những dự án xanh

Chí Nhân
Chí Nhân
15/10/2024 15:00 GMT+7

Nếu kinh tế xanh vẫn khó khăn, thậm chí xa lạ với nhiều người, nhiều doanh nghiệp thì trên thực tế, cũng có rất nhiều dự án xanh độc, lạ đã được xây dựng ở khắp nơi trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Việc này cho thấy chúng ta có thể sống xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phân phối xanh ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào, bằng bất cứ giải pháp nào.

Biến nghĩa trang, cao tốc, sân vận động… thành nhà máy điện mặt trời

Độc, lạ những dự án xanh- Ảnh 1.

Cao tốc xuyên qua sa mạc Taklimakan lớn nhất Trung Quốc

ẢNH: CGTN

Thị trấn Saint Joachim thuộc tỉnh Loire Atlantique ở miền Tây nước Pháp đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người khi biến nghĩa trang thành nhà máy điện mặt trời công suất lớn. Theo đó, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân địa phương và một số vấn đề liên quan tới môi trường, năm 2021 dự án này được đề xuất. Các tấm pin năng lượng mặt trời với tổng công suất 1,3 megawatt (MW) sẽ bao phủ nghĩa trang Saint Joachim và cung cấp điện cho 4.000 cư dân. Dự án giúp các hộ gia đình ở thị trấn này tiết kiệm trung bình từ 150 - 250 euro tiền điện mỗi năm. Chính quyền địa phương khẳng định việc tận dụng nghĩa trang để làm nơi sản xuất điện năng lượng mặt trời là ý tưởng đặc biệt và cần được nhân rộng. Dự án được triển khai từ năm 2023 với tổng kinh phí 3,35 triệu euro từ nguồn thu thuế và dự kiến sẽ đi vào hoạt động và cung cấp điện từ mùa hè năm 2025.

Độc đáo không kém là Dự án cao tốc trung hòa carbon xuyên qua sa mạc Taklimakan ở Khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc). Theo Global News, cao tốc này có chiều dài 522 km, được trang bị 86 nhà máy điện mặt trời để tạo ra điện phục vụ tưới tiêu hơn 3.100 ha rừng bảo vệ sinh thái dọc cao tốc, thay thế hoàn toàn máy bơm nước chạy bằng dầu diesel. Cụ thể, các tấm pin sản xuất khoảng 11.000 kW điện mỗi ngày để vận hành tổng cộng 109 giếng nước dọc đường cao tốc trong việc cung cấp nước cho cây xanh hai bên đường. Tổng công suất lắp đặt của 86 nhà máy điện mặt trời đạt 3.540 kW với khả năng sản xuất mỗi năm 3,62 triệu kW. Ước tính, dự án xanh này sẽ giúp giảm tiêu thụ khoảng 1.000 tấn nhiên liệu diesel và giảm 3.410 tấn khí CO2 mỗi năm.

Độc, lạ những dự án xanh- Ảnh 2.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời trên các tuyến cao tốc ở Trung Quốc

ẢNH: CGTN

Tương tự, hệ thống pin năng lượng mặt trời phủ kín các sườn dốc trên cao tốc nối 2 thành phố Thái Nguyên và Tân Châu của Trung Quốc cũng chính thức đi vào hoạt động vào tháng 11.2023. Dự án được công nhận là công trình điện mặt trời cấp quốc gia, cùng với trạm sạc xe điện được lắp đặt ở các trạm dịch vụ và thu phí giúp khai thác hiệu quả đất đai. Công trình này đảm bảo cung cấp điện ổn định và giảm thiểu lượng khí thải carbon..., vốn là mục tiêu mà Trung Quốc đang hướng tới.

Trung Quốc cam kết hoàn thành mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060. Để góp phần vào mục tiêu trên, Bộ GTVT nước này khuyến khích phát triển đường cao tốc không phát thải carbon bằng việc thúc đẩy các dự án hạ tầng sản xuất và sử dụng điện mặt trời. Thậm chí các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc còn nghiên cứu đến việc "lợp mái cho đường cao tốc bằng tấm pin mặt trời". Nếu ý tưởng này được thực hiện trên toàn bộ đường cao tốc của thế giới có thể tạo ra sản lượng năng lượng điện hằng năm gấp hơn 4 lần so với Mỹ và bù đắp 28,78% lượng khí thải CO2, đồng thời giảm 10,8% số ca tử vong do tai nạn giao thông trên toàn cầu.

Độc, lạ những dự án xanh- Ảnh 3.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà trên sân vận động

ẢNH: RT

Một dự án gây chú ý gần đây là sân vận động Nef thuộc Khu liên hợp thể thao Ali Sami Yen (Thổ Nhĩ Kỳ), được công nhận kỷ lục Guinness về công trình thể thao có công suất điện mặt trời lớn nhất thế giới. Trên mái sân vận động có hơn 10.000 tấm pin mặt trời được lắp, giúp sản xuất khoảng 4.650 MW điện mỗi năm. Dự án cung cấp từ 63 - 65% nhu cầu sử dụng điện cho sân vận động và tương đương với nhu cầu sử dụng của 2.000 ngôi nhà. Quan trọng hơn, dự án giúp cắt giảm 3.250 tấn CO2 mỗi năm.

biến vỏ xoài thành sản phẩm da

Tại Việt Nam, nhiều ý tưởng táo bạo của giới trẻ cũng đang góp phần xanh hóa môi trường, xanh hóa sản xuất.

Độc, lạ những dự án xanh- Ảnh 4.

Nguyễn Thị Thanh Vân giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị tổng kết 3 năm thành lập VWRA

ẢNH: C.N

Biến vỏ xoài thành sản phẩm da thực vật dùng để sản xuất các mặt hàng thời trang, gia dụng là ý tưởng được đánh giá cao tại lễ kỷ niệm 3 năm thành lập Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam (VWRA) tháng 8.2024. Cô gái trẻ Nguyễn Thị Thanh Vân đến từ tỉnh Trà Vinh, trưởng nhóm sáng kiến, cho biết khi còn là sinh viên năm 3 ngành tài chính ngân hàng (Trường ĐH Trà Vinh) cô đã bắt đầu dự án này.

"Quan sát trong thực tế, chúng em thấy vỏ xoài là nguồn rác thải trong nông nghiệp và chế biến rau quả xuất khẩu. Như nhiều loại phế phụ phẩm khác, chúng thường được dùng chế biến phân bón hữu cơ, thậm chí là không được xử lý tốt gây ô nhiễm môi trường. Từ đó chúng em mới tìm hiểu xem có thể tái chế nó như thế nào để mang lại lợi ích và hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua tham khảo một số tài liệu thì nhóm quyết định nghiên cứu biến vỏ xoài thành sản phẩm da thực vật. Qua nhiều lần thất bại thì cuối cùng vào đầu năm ngoái nhóm cũng tìm ra công thức và quy trình để làm da từ vỏ xoài", Vân kể.

Đặc biệt, sản phẩm da có màu tự nhiên từ vỏ xoài mà không cần nhuộm. Qua thử nghiệm thì có nhiều tiêu chí về độ bền của sản phẩm gần tương đương với da bò, thời gian sử dụng khá dài, lên tới 2 năm và sau đó có thể ủ thành phân bón để tạo ra một vòng đời mới cho vật liệu này. Hiện tại, do sản phẩm số lượng còn hạn chế nên nhóm chỉ mới sản xuất những sản phẩm thủ công như bìa sổ, ốp lưng điện thoại, ví đựng danh thiếp.

Độc, lạ những dự án xanh- Ảnh 5.

Sản phẩm da bằng vỏ xoài

ẢNH: NVCC

Cô gái miền Tây cho biết cô vừa tốt nghiệp đại học. Kế hoạch sắp tới của Vân là sẽ cùng các bạn tiếp tục nghiên cứu để phát triển sản phẩm lên một bước cao hơn như tăng độ dày, kích thước và màu sắc của tấm da nhằm thuận lợi cho việc sản xuất các sản phẩm có kích thước lớn như túi xách và sản phẩm thời trang khác như quần áo. Bên cạnh đó, dự án cũng tìm kiếm đối tác liên kết để có nguồn nguyên liệu ổn định cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Chàng trai xây giấc mơ… thành "vua rác"

Tại TP.HCM, đô thị và là trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, thì riêng phần xử lý rác thải là một vấn đề vô cùng quan trọng. Xuất thân là kỹ sư khoa Môi trường của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, sau thời gian đi làm ở một công ty môi trường, Nguyễn Trọng Minh đã nhìn thấy những hạn chế của việc thu gom, xử lý rác thải. Đặc biệt hơn, Minh nhận thấy cơ hội làm giàu từ… rác thải.

Năm 2023, anh Minh quyết định khởi nghiệp và thành lập Công ty cổ phần Công nghệ Grac chuyên hoạt động trong lĩnh vực thu gom, tái chế rác. Công ty Grac hoạt động trên 2 nền tảng, một là ứng dụng Grac trên điện thoại thông minh và một là phần mềm SaaS ERP.

Độc, lạ những dự án xanh- Ảnh 6.

Anh Nguyễn Trọng Minh, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Grac, giới thiệu về Green Point - Điểm xanh tái chế

ẢNH: CHÍ NHÂN

Với ứng dụng Grac dành cho cá nhân (hộ gia đình), người dùng có thể đặt lịch để những người thu gom rác tái chế, rác thải có kích thước cồng kềnh đến thu gom. Ứng dụng hoạt động tương tự như cách bạn đặt một chuyến xe công nghệ. Bên cạnh đó, người dùng có thể sử dụng ứng dụng này trong việc thanh toán phí gom rác cũng như tìm hiểu cách phân loại rác và nhiều thông tin dịch vụ khác liên quan.

Anh Minh cho biết: Để khuyến khích người dân tham gia tái chế rác thải nhựa, từ đầu tháng 10.2024, Grac triển khai mô hình Green Point - Điểm xanh tái chế. Đầu tiên, sẽ phối hợp với các trường ĐH là Văn Lang, HUTECH, Bách khoa và Khoa học tự nhiên. Theo đó, sinh viên mang rác tái chế đến đây sẽ được tích điểm, đổi quà tùy số lượng và chủng loại. Sau đó rác sẽ được công ty tái chế đến thu gom và trả phí lại cho trường nhằm duy trì hoạt động của Green Point. Mô hình sẽ được mở rộng ra nhiều đối tượng khác và mục tiêu đạt 100 điểm thu gom trong 6 tháng tiếp theo. Chương trình được sự đồng hành của Công ty PepsiCo tài trợ quà tặng.

"Mục tiêu của chúng tôi là giúp các Green Point thu được tiền để duy trì hoạt động. Từ đó thúc đẩy thu gom, tái chế rác. TP.HCM cần ít nhất 1.000 điểm như thế và chúng tôi hy vọng có thể đạt con số trên trong một vài năm tới. Thông qua việc Grac liên kết với các doanh nghiệp tái chế, người dùng ứng dụng có thể thấy được kết quả là rác thải sẽ được thu gom, tái chế như thế nào. Điều này rất quan trọng trong việc thúc đẩy người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Đây là nguồn tài nguyên rất có giá trị trong nền kinh tế xanh hiện nay", anh Minh nói.

Bên cạnh đó, Grac còn thực hiện số hóa dữ liệu thông tin nguồn thải thông qua phần mềm SaaS ERP. Hiện tại, đây là nguồn thu chính để Grac duy trì hoạt động. Tại TP.HCM, Grac đã hợp tác với 12 quận, huyện để thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực thu gom và tái chế rác. Ngoài ra, còn có 2 địa phương khác ở ĐBSCL là TP.Cần Thơ và Long An tham gia hợp tác với Grac và công ty cũng đang triển khai hợp tác với một số địa phương như Hà Tĩnh, Phú Quốc. Với ứng dụng Grac, ngoài việc trả phí thu gom thì người dùng có thể gửi khiếu nại nếu việc thu gom rác xảy ra vấn đề.

Đề án "lúa xanh" lớn nhất thế giới

Sản xuất lúa gạo mang đến nguồn lương thực cho một nửa dân số thế giới nhưng nó cũng góp phần tạo ra 4,3% lượng khí nhà kính trong hệ thống sản xuất lương thực toàn cầu. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo có vai trò quan trọng trong việc làm chậm quá trình ấm lên toàn cầu. Về mặt kỹ thuật, thế giới đã nghiên cứu ra phương thức canh tác ướt khô xen kẽ kết hợp với việc giảm lượng lúa giống, phân bón để giảm phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới dám đặt mục tiêu áp dụng quy trình sản xuất lúa xanh trên quy mô đến 1 triệu ha chỉ riêng với khu vực ĐBSCL - vựa lúa của cả nước.

Độc, lạ những dự án xanh- Ảnh 7.

Các mô hình sản xuất lúa theo Đề án 1 triệu ha không ngừng được mở rộng

ẢNH: CÔNG HÂN

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27.11.2023 với mục tiêu tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Ngày 5.4.2024, Đề án chính thức được khởi động tại H.Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) trên quy mô 50 ha. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa quốc tế và các địa phương, các bên liên quan tổ chức sơ kết, đánh giá 7 mô hình tại 5 tỉnh ĐBSCL thực hiện thí điểm đề án này. Các mô hình đã tập trung đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm giảm phát thải; áp dụng cơ giới hóa, hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản, nhằm góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân; xử lý rơm rạ hiệu quả...

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), nhận định để thực hiện thành công đề án, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ các cơ quan nhà nước, mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp phải cùng tham gia thực hiện ở các quy mô khác nhau để khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Tiếp cận tài chính trở thành một yếu tố then chốt giúp nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo có thể đầu tư vào công nghệ mới, cải tiến quy trình sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Một trong những đối tác hỗ trợ tích cực cho Việt Nam thực hiện đề án này là Ngân hàng Thế giới (WB). Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia, Lào, cho biết: Hỗ trợ của WB cho các dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả đáng kể. Theo đó, lợi nhuận tại các mô hình thí điểm tăng 30% trong khi chi phí sản xuất giảm 25% và lượng CO2 thời gian qua đã giảm khoảng 1,5 triệu tấn. Điều này cho thấy chương trình 1 triệu ha lúa có thể đảm bảo sự thay đổi mang tính cách mạng đối với sản xuất lúa, thu hút sự tham gia của tư nhân để đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Đây là một trong những hành động cụ thể nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 và COP28 đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Có thể thấy, mô hình xanh hóa đang được thực hiện ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, mọi lĩnh vực… không giới hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.