2 bộ đề xuất Chính phủ lập Hội đồng lúa gạo quốc gia

06/08/2024 19:31 GMT+7

Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã họp bàn xây dựng dự thảo đề xuất Chính phủ thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia.

Chiều 6.8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp trực tuyến về đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia, có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố là vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Thái Bình, Nam Định.

2 bộ đề xuất Chính phủ lập Hội đồng lúa gạo quốc gia- Ảnh 1.

Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương họp bàn về đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia

MINH LONG

Theo dự thảo do Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương xây dựng, Hội đồng Lúa gạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo; nghiên cứu đề xuất các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường ngành lúa gạo...

Chia sẻ về ý tưởng đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khung pháp lý ngành hàng lúa gạo hiện nay bộc lộ nhiều vấn đề phải sửa đổi, bổ sung; chưa tạo ra được động lực mạnh, môi trường thuận lợi cho người sản xuất và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thông tin, số liệu về ngành hàng lúa gạo không đầy đủ, xác thực và không phản ánh đúng thực tế gây khó khăn cho điều hành, quản lý sản xuất, xuất khẩu gạo trong những thời điểm nhạy cảm.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành hàng lúa gạo hiện nay chưa sản xuất chưa theo quy hoạch dẫn đến dư thừa cục bộ, ảnh hưởng đến người sản xuất; thu nhập người trồng lúa còn thấp.

Hiện nay, ngành lúa gạo đứng trước nhiều thách thức như: biến đổi khí hậu, thị trường trong nước và thế giới diễn biến nhanh, xu thế tiêu dùng thay đổi, nhiều nguồn tài nguyên suy giảm, nhất là tài nguyên nước.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, ngành lúa gạo hiện nay rất cần một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối các hoạt động chung bên cạnh sự quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia là "cường quốc xuất khẩu gạo", ngành lúa gạo góp phần làm nên thương hiệu Việt Nam. Nhưng thực tế, sản xuất lúa gạo còn manh mún, công nghệ chưa tiên tiến; xuất khẩu gạo chưa đa dạng được thị trường, còn phụ thuộc vào các thị trường truyền thống; chưa tạo được thương hiệu sản phẩm gạo Việt Nam trong lòng người tiêu dùng nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, ở một số thị trường khó tính, gạo Việt Nam đã có "chỗ đứng" nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng nhưng doanh nghiệp, sản xuất gạo không duy trì được vị thế và tự đánh mất thị trường.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, nhấn mạnh ngành lúa gạo Việt Nam hiện nay cần có chiến lược tổng thể để đáp ứng về chính sách cho người trồng lúa; huy động được nguồn lực đầu tư, xử lý những khó khăn mới về thị trường, tác động của biến đổi khí hậu cũng như xu hướng phát triển mới, để ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững hơn.

Bày tỏ ủng hộ đề xuất thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị để có thông tin đa chiều, ra các quyết định thống nhất, tập trung, hội đồng nên có đầy đủ thành viên đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người trồng lúa tham gia.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp mong muốn Hội đồng Lúa gạo quốc gia sớm được thành lập để nhanh chóng, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo ở từng vùng miền, đưa ngành hàng lúa gạo phát triển là ngành lợi thế của quốc gia.

Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT yêu cầu cơ quan thường trực của 2 bộ tiếp thu các ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo thành lập Hội đồng Lúa gạo quốc gia trong tháng 8 để trình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.