Doanh nhân Việt khát vọng tạo kỳ tích

13/10/2024 14:46 GMT+7

Từ chỗ chỉ làm thầu phụ, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhanh chóng làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật để đảm đương những công trình lớn.

Từ "bệnh trầm kha" chậm tiến độ, Việt Nam đã có những "vua tốc độ" trong thi công các dự án hạ tầng khó khăn... Trong 2 thập niên trở lại đây, hàng triệu doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra những kỳ tích khiến thế giới ngưỡng mộ.

Doanh nhân Việt khát vọng tạo kỳ tích- Ảnh 1.

Hầm Đèo Cả đánh dấu sự trưởng thành và làm chủ công nghệ đào hầm của doanh nghiệp nội

Ảnh: CTV

Doanh nhân Việt khát vọng tạo kỳ tích- Ảnh 2.

Hầm đường bộ Đèo cả

Ảnh: CTV

Vua tốc độ, vua đào hầm

Ngày 18.8, từ điểm cầu chính tại dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc". 500 ngày đêm, chưa đầy 1 năm rưỡi cho gần 1.000 km đường cao tốc để khép kín dải cao tốc 3.000 km từ Bắc tới Nam là mục tiêu không tưởng, nếu nhìn lại 2 thập niên trước. Năm 2004, tuyến cao tốc đầu tiên của khu vực phía nam TP.HCM - Trung Lương chỉ có 40 km nhưng xây dựng mất 6 năm. Với tốc độ này thì trong 500 ngày, chúng ta chỉ có thể xây dựng được khoảng 10 km đường cao tốc.

Thế nhưng, "vua tốc độ"- Tập đoàn Sơn Hải, đã thay mặt các chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc trước 31.12.2025 theo đúng mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ phát động. Và nếu Tập đoàn Sơn Hải đảm nhận sẽ là bảo chứng cho tiến độ thi công của bất cứ dự án nào. Bởi từ khi có mặt trên thị trường xây dựng, nhà thầu này đã "đóng dấu" uy tín, thương hiệu dựa trên 2 yếu tố riêng không lẫn vào đâu: tiến độ và chất lượng. Cho đến nay, Sơn Hải là nhà thầu công trình hạ tầng duy nhất tại Việt Nam có cam kết bảo hành chất lượng 5 - 10 năm tại các công trình thi công. Sơn Hải cũng là nhà thầu được phong "vua tốc độ" trên một thị trường mà "căn bệnh" chậm tiến độ đã trở thành mãn tính.

Đơn cử hồi đầu năm nay, tập đoàn này đã khiến các doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài ngả mũ thán phục trước hành trình xây dựng "kỳ quan" hầm xuyên núi 1.200 tỉ đồng (thuộc cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm) vượt tiến độ 6 tháng của mình. Công trình hầm Dốc Sạn bắt đầu khởi công tháng 11.2021 với quy mô hầm xuyên núi dài 1.480 m gồm 2 ống hầm hoàn chỉnh song song, mỗi ống hầm dài hơn 700 m, mốc tiến độ mà chủ đầu tư cam kết hoàn thành vào tháng 1.2023 được đánh giá là thử thách rất lớn.

Thế nhưng, với hơn 500 thiết bị, 1.500 công nhân, chia 3 ca làm cả ngày lẫn đêm cùng việc áp dụng công nghệ thi công theo phương pháp NATM hiện đại hàng đầu thế giới, hầm Dốc Sạn đã chính thức thông xe vào tháng 5.2022, vượt tiến độ 6 tháng, góp phần đưa toàn tuyến Nha Trang - Cam Lâm về đích sớm 3 tháng, tạo nên kỳ tích trong ngành xây dựng giao thông vận tải trong nước. Trước đó, Tập đoàn Sơn Hải cũng chủ động đề xuất giảm thời gian thi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ 36 xuống 24 tháng. Đây là những chuyện rất hiếm hoi, nhất là trong bức tranh chậm tiến độ kinh niên trên thị trường thi công hạ tầng giao thông nói chung ở Việt Nam.

Nếu Sơn Hải lập kỳ tích với hầm Dốc Sạn thì hầm Đèo Cả là dấu mốc đầu tiên làm nên tên tuổi của "vua đào hầm" Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả. Thời điểm người đứng đầu tập đoàn nung nấu ý tưởng xây dựng công trình hầm Đèo Cả, ở Việt Nam mới chỉ có công trình hầm Hải Vân. Việc thiết kế, thi công hoàn toàn phụ thuộc vào các đơn vị nước ngoài. Bởi các hầm xuyên núi là dự án rất khó về kỹ thuật, địa hình hiểm trở, suất đầu tư rất lớn. Rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sau khi nghiên cứu đã phải "dứt áo ra đi". Mang khát vọng xây dựng huyết mạch thông miền Trung với Tây nguyên, ông Hồ Minh Hoàng đã mạnh dạn nêu ý tưởng làm hầm đường bộ xuyên núi Đèo Cả.

Cũng phải nói thêm Đèo Cả nổi tiếng là một con đèo hiểm trở bậc nhất nước ta, nằm giáp Phú Yên và Khánh Hòa, cắt ngang qua núi Đại Lãnh. So với những đèo khác, Đèo Cả không dài, chỉ khoảng 12 km nhưng hiểm trở vì độ dốc và các khúc cua. Đây cũng là nơi xảy ra nhiều tai nạn thương tâm, nhất là những chuyến xe khách đông người. Nhưng đó cũng chính là một trong những lý do khiến người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình dù trước đó, ông chưa hề thực hiện đào hầm, khoét núi.

"Tôi nhớ ở thời điểm thi công hầm Đèo Cả, với một kỹ sư nước ngoài, DN phải trả 20.000 - 30.000 USD/tháng, một con số rất lớn. Với con số này, chúng ta có thể trả lương cho 8 - 10 kỹ sư Việt Nam có kinh nghiệm. Song, nếu không có những cái giá như vậy, cùng một khát vọng lớn, quyết tâm lớn thì chúng ta đã không có công trình hầm Đèo Cả rồi nhanh chóng sau đó có những hầm Cù Mông, Hải Vân 2… và có lẽ cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn phải đi thuê chuyên gia nước ngoài làm các công trình hầm trong nước với giá thành nước ngoài", ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ.

Sau hầm Đèo Cả, là công trình hầm đường bộ Cù Mông, Cổ Mã tại Phú Yên và Bình Định; hầm Hải Vân 2 (Đà Nẵng), cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Bảo Lộc - Liên Khương… Cái tên "vua đào hầm" gắn với doanh nhân Hồ Minh Hoàng từ đó.

Doanh nhân Việt khát vọng tạo kỳ tích- Ảnh 3.

Đường đèo Cù Mông và đường dẫn hầm Cù Mông

ẢNH: THANH XUÂN

Bên cạnh 2 cái tên nổi bật nói trên, dọc theo chiều dài đất nước, rất nhiều cao tốc mang dấu ấn của tinh thần Việt, khát vọng Việt. Không nhiều người biết, đứng đằng sau cao tốc đẹp như tranh vẽ Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái là đơn vị tay ngang trong lĩnh vực này - Sun Group còn VinGroup ghi tên mình vào hệ thống đường trục Bắc - Nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang)… Nhờ thế, chỉ hơn 3 năm qua, cả nước đã hoàn thành và đưa vào khai thác 858 km đường cao tốc, bằng hơn 2/3 chiều dài cao tốc thực hiện trong gần 20 năm trước đây.

Việt Nam đã có "bánh mì của ngành công nghiệp"

Thép không chỉ là biểu tượng của ngành công nghiệp của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới mà còn giúp nhiều nước trở thành siêu cường.

US Steel, tập đoàn thép có tuổi đời hơn 120 năm của nước Mỹ trước khi "bán mình" cho thép Nhật vào năm 2023, là minh chứng điển hình. Đầu thế kỷ 20, US Steel cung cấp thép không chỉ cho các tòa nhà chọc trời, cầu và các con đập mà còn cho ô tô, thiết bị và các sản phẩm khác mà người tiêu dùng Mỹ cần. Cũng nhờ đó, US Steel đã từng trở thành công ty có giá trị nhất thế giới và giúp Mỹ trở thành siêu cường kinh tế toàn cầu. Ở khu vực châu Á, Posco là biểu tượng của Hàn Quốc, biểu tượng cho ý chí quật cường vượt qua mọi gian khó, biến thách thức thành cơ hội, phát triển nền kinh tế giàu có từ đống tro tàn của chiến tranh và tận cùng của sự gian khó.

Năm 2024, Việt Nam ghi tên vào bản đồ ngành công nghiệp thép toàn cầu khi có DN nằm trong top 15 công ty thép có mức vốn hóa lớn nhất trong ngành thép thế giới. Đặc biệt, Việt Nam cũng chính thức sản xuất được thép HRC, thép thượng nguồn, nguyên vật liệu đầu vào quan trọng nhất cho các ngành sản xuất, chế tạo như cơ khí, công nghiệp đóng tàu, sản xuất ô tô xe máy, sản xuất đồ gia dụng, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp điện… chấm dứt việc phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Đáng nói, trước khi trở thành nhà sản xuất thép nhiều nhất khu vực ASEAN, chúng ta có xuất phát điểm rất muộn. Đến năm 1963, Việt Nam mới có mẻ gang đầu tiên. 12 năm sau, năm 1975, chúng ta mới có mẻ thép đầu tiên ra đời tại Công ty gang thép Thái Nguyên. Giai đoạn từ 1975 - 1990, ngành thép Việt Nam phát triển rất chậm, phần lớn sử dụng nguồn thép của các nước Đông Âu và Liên Xô, sản lượng trong giai đoạn này duy trì ở mức 40.000 - 80.000 tấn/năm. Thế nhưng thép Việt đã tăng tốc với sự vào cuộc của các DN tư nhân và tới nay, Hòa Phát đã trở thành biểu tượng của thép Việt. Không chỉ là DN Việt đầu tiên và duy nhất đến lúc này sản xuất thép cán nóng HRC, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đang nghiên cứu làm tôn silic để cho ra thép dùng trong mô tơ điện và làm từ gốc. Đây là sản phẩm chưa công ty nào ở Việt Nam làm được. Ngoài ra, Hòa Phát cũng lên kế hoạch làm thép đường ray cường độ cao. Tập đoàn này đã tiến hành những bước đầu tiên và sẵn sàng đấu thầu tại dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam...

Cũng chỉ 5 năm trước thôi, chẳng ai tin Việt Nam sẽ sản xuất được ô tô thì giờ đây, mỗi ngày, mỗi giờ chúng ta đều có thể trong vài phút, vài thao tác gọi ngay một chiếc taxi điện thương hiệu Xanh SM, xe hơi thương hiệu Việt.

Doanh nhân Việt khát vọng tạo kỳ tích- Ảnh 4.

Vẻ đẹp ngoạn mục của cao tốc Vân Đồn - Móng Cái

Nếu trước đây nhà thầu nội lép vế toàn tập trong các cuộc đấu thầu ở các lĩnh vực khó như điện, cảng thì giờ đây, cục diện đã khác. Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific Corporation) và Công ty cổ phần Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân (Phú Xuân) đã vượt qua các nhà thầu Nhật Bản, Singapore… để triển khai xây dựng Cảng Nhà máy điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng (Bình Thuận). Từ thành công của hai dự án trên, Liên danh nhà thầu Pacific Corporation - Phú Xuân tiếp tục trúng thầu gói đầu tư xây dựng Cảng Nhà máy điện Vân Phong (Khánh Hòa) trị giá khoảng 1.300 tỉ đồng được đầu tư bởi Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản).

Đây cũng là một trong số ít các gói thầu hạ tầng giao thông với quy mô lớn do DN trong nước thi công xây dựng. Phú Xuân cũng là đơn vị thi công xây dựng dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam - Cái Mép Gemadept - Terminal Link (Gemalink) tại Bà Rịa-Vũng Tàu với giá trị hợp đồng hơn 1.400 tỉ đồng. Trước đó, Cảng Quốc tế Vĩnh Tân do Công ty cổ CP Cảng Quốc tế Vĩnh Tân là chủ đầu tư cũng do Phú Xuân và Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình thủy (WACOSE) thi công xây dựng. Đây là một trong những cảng biển nước sâu đầu tiên ở nước ta do một DN tư nhân trong nước đầu tư, khai thác với số vốn trên 2.000 tỉ đồng. Cá biệt, dự án cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu chuyên biệt đầu tiên tại VN do DN "tay ngang" Sun Group đầu tư xây dựng cũng đã tạo dấu mốc ấn tượng trong quá trình phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển của VN.

Kiến tạo những cuộc chơi mới

Ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nhớ lại khi xây được cầu nối từ đất liền ra Vân Đồn, người dân vùng này coi như một kỳ tích. Và nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách, không biết đến bao giờ Vân Đồn mới có thể thay đổi bộ mặt, mới có đủ hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng một sân bay quốc tế. Nhưng mọi thứ đã thay đổi chóng mặt khi Vân Đồn là nơi đầu tiên có sân bay do tư nhân xây dựng. Đến nay, Quảng Ninh vẫn là minh chứng rõ ràng nhất trong thành công khi huy động vốn tư nhân tham gia một lĩnh vực khó mà xưa nay chỉ do nhà nước đảm trách.

Doanh nhân Việt khát vọng tạo kỳ tích- Ảnh 5.

Du khách tham quan Cầu Vàng, một điểm đến điển hình của du lịch hiện đại Đà Nẵng

ẢNH: VIVA

Người dân Cát Hải (Hải Phòng) chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản đến giờ cũng không tưởng tượng nổi vùng nước lợ ven biển đã trở thành một trong những "cứ điểm" sản xuất công nghiệp lớn nhất cả nước sau chưa đầy 2 năm. Đây là nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Việt đầu tiên - VinFast với vốn đầu tư 4,2 tỉ USD. Cũng khó có thể tìm được từ gì khác ngoài "kỳ tích" để nói về nỗ lực 650 ngày thi công và hoàn thiện nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của VN, cái nôi đưa VinFast trở thành niềm tự hào dân tộc sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Nhìn lại sau gần 40 năm đổi mới, từ vị trí không được thừa nhận, bị hạn chế phát triển, kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã từng bước được "cởi trói" và dần trở thành động lực phát triển của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành nhận định: Dấu ấn rõ nét của nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây là sự xuất hiện và nổi lên của các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có các tập đoàn kinh tế tư nhân. Họ đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và thế giới.

"Chúng ta nhìn rõ vai trò kiến tạo của VinGroup, Sun Group khi mang đến cuộc cách mạng về hình ảnh du lịch của Việt Nam thông qua những công trình đẳng cấp khiến thế giới phải ngưỡng mộ từ vùng biển như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh… lên tới vùng núi Sa Pa. Chúng ta cũng thấy Vietjet Air, hãng bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam theo mô hình hàng không giá rẻ, góp phần đem cơ hội bay tới hàng triệu người dân có mức thu nhập trung bình. Sun Group cũng tham gia lĩnh vực hàng không. Sun Air - hãng hàng không chung cao cấp của hãng – cũng là hiện tượng khác biệt, thể hiện Việt Nam đã đến lúc cần suy nghĩ lại về cách thức phát triển. Có thể thấy, các DN tư nhân luôn có tầm nhìn và hướng đi mới mẻ. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục là đầu kéo dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam trong những cuộc chơi mới", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Trải qua nhiều thăng trầm, khu vực kinh tế tư nhân đã được công nhận là "động lực quan trọng để phát triển kinh tế". Đến nay, khu vực này đã chiếm tới hơn 42% GDP và phấn đấu tăng tỷ trọng lên khoảng 55% GDP năm 2025, khoảng 60 - 65% GDP đến năm 2030. Với 800.000 DN đang hoạt động và 5,4 triệu hộ kinh doanh, khu vực tư nhân đã trở thành một lực lượng hùng hậu đóng góp lớn nhất vào đầu tư và tăng trưởng GDP của đất nước, gấp đôi khu vực FDI, gấp rưỡi khu vực kinh tế nhà nước.

Sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện rất rõ khi Việt Nam ngày càng có nhiều tập đoàn tham gia đầu tư vào rất nhiều các công trình hạ tầng quy mô như sân bay, cảng biển, đường cao tốc; những lĩnh vực khó như hạ tầng năng lượng, sản xuất ô tô, điện thoại thông minh... Ở lĩnh vực kinh tế - xã hội nào cũng có dấu ấn của những tập đoàn kinh tế tư nhân như Sun Group, VinGroup, Thaco, Masan, FPT...

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.