Dọc miền thổ ngữ

31/10/2022 18:00 GMT+7

Còn nhớ lần đầu chạm chân xuống nơi này, bạn phải bối rối lặp lại câu hỏi đường để nhận được cái gật đầu của một bác xe ôm. Bởi từ thuở lọt lòng, bầy gió Lào, chảo nắng lửa đã nắn cho người quê bạn một giọng nói thô ráp.

Giọng xứ Nẫu ngấm vào bạn đậm sâu như một xác tín của gốc gác quê nhà. Lần này trở lại miệt thứ, bạn cũng đang lướt đi giữa tà tà sương mù, đồng xanh hun hút trôi trong ánh nhìn lữ khách, những nếp nhà nửa bờ nửa sông xớ rớ dôi ra mặt nước buồn mê mải. Nghe da thịt bén hơi gió thương hồ tung tẩy suốt dặm đường xa. Như chảy vào lòng một biền sông minh mông toả ra từ chín nhánh phù sa châu thổ. Và cái giọng nói rặt miền Tây với mớ chữ đôi lúc líu ríu vào nhau của anh lại đầy lên trong tâm trí.

Khách tham quan Mũi Cà Mau

thiên anh

Rất tự nhiên, anh bồi vào bạn những thổ ngữ chân phương hệt như những bông sậy nảy nở khắp bãi biền, đồng đất. Lần anh rủ bạn đi vía Bà chúa xứ, bánh xe đò lông lốc chạy quá con đường dẫn vào chân núi Sam, anh vội vã nhỏm dậy nói: “Huốt rồi! Huốt rồi chú ơi!”. Lúc ấy, trong đầu bạn vẫn đang chùng chình những hình dung về bóng cây thốt nốt, khó hiểu trước câu nói gấp gáp của anh. Đến khi anh và bạn phải leo lên một chuyến xe buýt để ngược trở lại chân núi, bạn mới ngờ ngợ nhận ra huốt là vuột mất, là bỏ lỡ điểm dừng. Xuống xe, xốc ba lô lên vai, anh nhìn bạn, vẫn giọng miền Tây nhỏ nhẹ: “Từ chỗ đây mình lội bộ tiếp nghen”. Con đường dốc chênh vênh, hai chiếc bóng ngả dài trong vũng nắng chiều hoang hoải. Dãy núi Sam nhuốm mình vào chạng vạng, chênh chếch mảnh trăng cuối mùa như một dấu hỏi bí ẩn đính vào trời xanh.

Lần hẹn khác, đang trong quán nhỏ mông lung nhìn màu trời nhàu nhĩ, mây như túi nước sắp bục thành mưa, bạn nhận được cuộc gọi: “Anh đương đứng đụt mưa nè”. Giọng nói của anh vọng qua điện thoại cũng ướt theo tiếng mưa long tong gõ trên mái hiên chờ. Anh vừa dứt câu thì bầy mưa cũng lũ lượt rơi xuống rồi trắng xoá dọc đường bạn qua. Một bà già ngồi ôm chân bồn chồn nhìn trời chép miệng: “Biết chừng nào mới dìa tới ngoải. Đài báo áp thấp nên mưa sáng, mưa chiều, mưa mút chỉ cà tha”. Vậy là vốn chữ lận lưng của bạn lại được gieo vào thêm vài thổ ngữ ở xứ này.

Bữa nọ ngang qua một miệt sông, bạn thấy nhiều người đàn ông cởi trần, bì bõm lội nước giăng ra một tấm lưới dài, cột chặt vào mấy thân cọc. Người cột trên cao, người lặn xuống đáy, quây tấm lưới thành một vòng kín. Bên trong là mớ nhánh cây khô như đã được cắm dày xuống sông từ lâu, tất cả giờ được những cánh tay lực điền rút đi hết, chất lên ghe. “Thằng Hai qua dỡ đám chà bên đây nè!”. Một người đàn ông nói giọng khẩn trương. Con nước cạn dần, đám cây khô, lục bình được dọn sạch, lũ cá tép hiện ra búng mình tanh tách, quậy nước đục ngầu, giãy giụa tìm lối thoát. Vài đứa trẻ đen nhẻm hăng hái lội xuống xúc cá vào rổ. Cánh đàn bà trên bờ lụp xụp nón lá ngồi chồm hổm lựa cá, cân cá, xôn xao chuyện ấp trên xóm dưới. “Út Hết, ra sàn lãng lấy cho má cái gổ!”. Một người mẹ mặc đồ bộ bông tím nói với đứa nhỏ đang ngồi thu lu bên bụi ô rô. Trên cao, đàn cồng cộc, cò trắng chao liệng chực chờ. Tiếng hò hét vang động cả một khúc sông dậy mùi bùn non, rong tảo. Như đọc được những tò mò ánh lên trong mắt bạn lúc ấy, anh quay sang nói rằng họ đang dỡ chà.

Chợ nổi Cần Thơ

thiên anh

Cuộc đi khác, bạn xuôi về một khu chợ xổm cặp mé sông, người ở đây xởi lởi cây nhà lá vườn có gì bán nấy. Bạn ngồi xuống một gánh bánh canh, bà già hay cười lộ hàng răng thưa thớt bày ra vài cái ghế đẩu con con. Bên hông quán, một người đàn ông ngồi nép vào đống rơm mục, đầu tóc bù xù lơ phơ vài cọng rơm khô, cái mũ cối ngửa ra đợi vài đồng lẻ từ người đi chợ. Bàn tay khẳng khiu thỉnh thoảng lại xoa xoa cái bụng lép dưới lớp áo nhàu. Bà già vươn mình vẫy tay người ấy lại, rồi múc một tô bánh canh đầy, vừa rắc vào đó nhúm tiêu vừa cười móm mém: “Đói thì ăn nhiều nghen! Bây ngại là tao giận à”.

Tô bánh canh sóng sánh giọt nắng mai, vạt khói bung biêng mái nhà lá cũng làm ấm dạ như nét cười của bà. Ngồi giữa chợ, bạn nghe xung quanh những giọng nói rặt miền Tây: “Hổm rài mần ăn được hôn cưng?” – “Có mình ên tui nên bữa đực bữa cái. Thôi mua giùm tui mớ cá mới bắt ở dzuông lên đi chế!”. Một anh chàng lưng áo bết bùn nâu ngồi dưới rặng trâm bầu, vành nón lệch không đủ che hết đôi mắt đã tối mất một bên, nhưng đôi tay rắn rỏi thoăn thoắt trên hai rổ cá rô, cá bống phía bên đường. “Chớ dzợ bây đâu mà mình ên?”. Bà già vừa múc bánh canh vào tô đất vừa hỏi vọng sang, giọng khàn đặc. “Hồi nẵm người ta bỏ tui đi mút mùa lệ thủy gòi ngoại ơi!”. Bà già bỗng lặng thinh, vắt cái khăn cũ lau mồ hôi lên vai, khóe miệng nhăn nheo chợt tắt nụ cười thường trực. Bạn nửa tin nửa ngờ, quay lưng lén nhìn anh chàng nọ. Bán xong ký cá rô, anh ngoảnh mặt sang hướng sông hiu hắt nắng, nói một mình: “Chắc là người ta đi tìm đôi mắt khác”.

Bạn nhận ra tự lúc nào mình có thể nghe rành rọt cái giọng miền Tây, không còn ngạc nhiên khi lọt vào tai những từ lạ hoắc. Trước kia mỗi lần anh nói nhanh, bạn chỉ nghe được lõm bõm rồi suy đoán. Nhưng bạn cũng biết ấy là khi mình sẽ lạc vào thăm thẳm những phận người xứ này, khi nghe hết những câu chuyện dọc đường họ kể ra bằng vết thương lòng còn sâu hút, những câu nói bâng quơ mà đắng đót, những lời ru điệu hát không bến không bờ, nửa bịn rịn nửa lìa xa như trái bần chua lúc dạt ra cửa biển.

Có cô gái quê lấy chồng Đài Loan thèm đứt ruột được cất giọng gọi “tía”, “má”, nhìn trăng xứ người rấm rứt xót cho tiếng “bậu”, tiếng “qua” năm nao còn chưa kịp trọn nghĩa, tỉnh giấc chiêm bao trơ trọi câu hát “Ai đem con sáo sang sông”. Có bà mẹ miền Tây mòn mỏi tìm con bị lạc ra Bắc, ròng rã mười mấy năm để một buổi gió mưa gặp lại, bà trào nước mắt nhận ra giọt máu của mình vẫn gọi “má” bằng giọng miền Tây, như đứa nhỏ tám tuổi ngày chưa xa mẹ. Chính tiếng “má” (chẳng phải là mẹ, là mạ, hay mế, hay u) lúc vừa được cất lên từ khuôn miệng giờ nhiều đổi khác, đã hoá thành sợi dây rốn nối giữa hai người qua cuộc biển dâu.

Thổ ngữ chính là căn cước quê hương. Chúng đẹp tựa mùa gió chướng lướt trên ngọn điên điển khiến ai đó thốt lên: “Chèn ơi, đẹp dữ thần!”, mà cũng buồn như đôi mắt em bé bán vé số trên phà giọng nói trong trẻo: “Chú ơi, dzé số hôn?” nhưng dưới chiếc quần cộc là đôi chân gầy nhom hằn đỏ những xước xát dọc đường. Qua miên viễn tháng năm từ thời mở cõi, chúng đã bện chặt như cội rễ cắm sâu vào từng tiếng nói, nếp nghĩ, thân phận của người xứ này. Cũng giống rễ bần, rễ đước âm thầm neo chặt xuống lớp lớp phù sa, cứ xanh mãi đến ngút ngát tầm mắt, dễ gì phai lạt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.