TNO

Đọc ngay bài này để biết bạn có đang bị 'stress ngầm' hay không

15/04/2016 00:00 GMT+7

(iHay) Khi một người bị stress vì bất cứ lý do gì và họ không thể vượt qua hoặc vượt qua ở một mức độ nào đó thì vẫn còn lại những căng thẳng tiềm ẩn bên trong.

(iHay) Khi một người bị stress vì bất cứ lý do gì và họ không thể vượt qua hoặc vượt qua ở một mức độ nào đó thì vẫn còn lại những căng thẳng tiềm ẩn bên trong, lúc đó cơ thể sẽ xuất hiện những triệu chứng khó chịu.

Khó chịu biểu hiện ra bên ngoài cơ thể ở những người bị stress có nhiều mức độ khác nhau, chẳng hạn như: xỉu, mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, hoảng loạn, run rẩy, cảm thấy không thể làm bất cứ việc gì. Đối với nữ, stress có thể gây rối loạn kinh nguyệt và thậm chí dẫn đến vô sinh. Trường hợp những người đó có sẵn bệnh trong người thì stress làm cho các bệnh này nặng thêm, như: những người bị huyết áp sẽ bị tăng huyết áp, người bị đau bao tử do buồn phiền không thiết ăn uống dễ dẫn đến viêm loét; về lâu hơn có khi xuất hiện cả trạng thái rối loạn trí nhớ.
Còn về mặt tâm lý, người stress sẽ thấy cảm xúc khô lạnh, không còn ham thích điều gì, tỏ ra buồn phiền, chán nản triền miên, đôi lúc có thái độ gay gắt, nóng nảy hoặc cảm thấy không thiết sống nữa, thậm chí có nguy cơ tự tử.
Phản ứng khi tâm lý bất ổn
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, phản ứng đầu tiên khi một ai đó bị sốc về mặt tâm lý là không chấp nhận sự thật. Ví dụ, đứng trước tình cảnh người thân đột ngột qua đời, họ sẽ đặt ngay câu hỏi vì sao vậy, có phải bác sĩ hay một ai đó gây ra chuyện này? Sau giai đoạn không chấp nhận sự thật là đến giai đoạn hòa hoãn với những câu hỏi đại loại như: tại sao việc đó lại xảy ra với mình? Mặc dù hòa hoãn nhưng vẫn chưa chấp nhận. Tiếp sau giai đoạn hòa hoãn là đến giai đoạn chấp nhận và cuối cùng là giai đoạn vượt qua stress đó như thế nào.
Trong khi đó, về mặt xã hội, bất ổn tâm lý khiến năng suất lao động giảm sút. Nhiều người có xu hướng tránh việc, đôi lúc không muốn tới công ty, cảm thấy không có động lực để làm việc, hạn chế giao tiếp hoặc giao tiếp không hiệu quả, nhiều khi cáu gắt, bực bội với đồng nghiệp những chuyện không đáng, dễ xảy ra tai nạn lao động, khả năng sáng kiến bị thui chột, về lâu dài dễ dẫn đến stress.
Lúc này, thay vì âm thầm chịu đựng những nỗi đau về mặt thể xác và tinh thần hành hạ, tìm đến chuyên gia tâm lý để tìm cách tháo gỡ những khúc mắc trong lòng là cách hữu hiệu. Thạc sĩ Minh Mẫn cho biết trung bình 1 buổi tham vấn mất khoảng 1 tiếng đồng hồ. Bước đầu tiên, nhà tham vấn sẽ đặt ra những câu hỏi để khách hàng tìm ra vấn đề của họ, xác định vấn đề nào là chính và đâu là lý do gây ra stress. Bước thứ hai, nhà tham vấn cùng với thân chủ xác định mức độ stress đó ảnh hưởng đến thân chủ như thế nào (nặng, nhẹ, cấp tính hay mãn tính), do đâu mà ra và tìm hiểu xem nguy cơ stress đã ảnh hưởng như thế nào trên cả 3 mặt: thể chất, tinh thần và xã hội, đặc biệt quan sát thân chủ có ẩn chứa nguy cơ tự tử hay không để phòng ngừa và sau đó đặt những câu hỏi để cùng với thân chủ xác định phương pháp nào thích hợp vượt qua stress.
Lý lẽ của Stress 3
Tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi
Cái hay của người làm tham vấn không phải chỉ cho thân chủ nên làm gì mà chính là ở cách đặt câu hỏi để thân chủ tự tìm ra vấn đề của mình, từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Thạc sĩ tâm lý Minh Mẫn cho biết một nghiên cứu ở Massachusetts (Mỹ) phát hiện trong 100 người bị stress sau khủng hoảng mất người thân có khoảng 85% người đau buồn rất nặng và khoảng 15% người chỉ đau một ít. Sau 1 năm được trị liệu, con số này có chiều hướng đảo ngược, tức chỉ khoảng 15% người vẫn còn bị nỗi đau đeo đẳng trong khi 85% người đều đã vượt qua. Thời gian chính là yếu tố quyết định việc bệnh nhân có thể vượt qua cơn khủng hoảng hay không. Nếu điều trị tích cực, với mỗi đợt trị liệu thông thường từ 8 - 15 lần tiếp cận, trong khoảng 1 năm, người bị stress sẽ có thể hòa nhập lại cuộc sống một cách bình thường.
Chữa tâm lý với người nước ngoài
Theo chuyên gia tâm lý Minh Mẫn, xu thế trị liệu tâm lý với người nước ngoài thật ra chỉ có hiệu quả trong một số trường hợp cụ thể như: stress nhẹ, stress do áp lực công việc ở những công ty nước ngoài hay một số doanh nhân thường xuyên giao tiếp với người nước ngoài. Vì là người nước ngoài nên các chuyên gia tâm lý này hiểu khá rõ về văn hóa của họ nên sẽ giúp đưa ra những hướng giải quyết phù hợp. Tuy nhiên, thông thường các chuyên gia tâm lý nước ngoài chỉ làm nhiệm vụ giám sát là chính, còn người trực tiếp điều trị vẫn là bác sĩ VN.
Hơn nữa, khi giải quyết những vấn đề về mặt tình cảm, cảm xúc, các chuyên gia tâm lý người nước ngoài khó có thể hoàn thành tốt vai trò của người tham vấn bởi sẽ bị những rào cản về mặt ngôn ngữ và văn hóa. Tâm lý là lý lẽ của những tâm tư nguyện vọng. Muốn hiểu được lý lẽ của những tâm tư nguyện vọng của một người nào đó, trước hết người tham vấn phải hiểu được văn hóa của người đó. Đây là yêu cầu rất quan trọng. Hiểu được cặn kẽ văn hóa, trình độ, thói quen của khách hàng là nền tảng giúp người tham vấn đặt ra những câu hỏi mà qua đó giúp khách hàng bộc lộ được các yếu tố tâm lý ra ngoài.
Vòng quay cuộc sống tạo ra stress bao gồm: gia đình, bè bạn, kinh tế, công việc, nghề nghiệp, sức khỏe, lòng tin, tín ngưỡng, xã hội..., và chuỗi cảm xúc của con người thông thường có các bước: vui vẻ - stress - rối loạn lo âu - trầm cảm. Nếu stress được giải quyết tốt sẽ quay ngược lại trạng thái vui vẻ, nếu stress không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến rối loạn lo âu... Theo thạc sĩ Minh Mẫn, việc điều trị stress bằng thuốc giải quyết được phần ngọn và điều trị bằng tâm lý giải quyết được phần gốc. Trong một số trường hợp, rất cần sự kết hợp của cả hai phương pháp, việc điều trị mới có kết quả khả quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.