Những người trong con hẻm gần cầu vượt Cây Gõ (Q.11,TP.HCM) gọi ông Hồ Hoàng Khanh là “ông Hai”, nhưng với dân câu cá Sài Gòn, ông Khanh được biết đến với biệt danh “Chín gián” - thợ săn gián độc quyền cung cấp gián cho vài cửa hàng chuyên bán mồi câu.
Ngày cao điểm kiếm cả triệu đồng
9 giờ sáng, mặt trời lên quá nửa, ông Khanh mới thong thả xách đồ nghề gồm 1 vỏ lon và 1 cây gỗ bỏ vào giỏ xe đạp Martin, luồn qua các con hẻm khác nhau để đến bãi đất trống gần chung cư trên đường Tên Lửa (Q.Bình Tân, TP.HCM) săn gián đất.
Địa điểm ông Khanh săn gián hôm nay là một bãi rác, có nhiều đất xốp, ẩm thấp và bay mùi khó chịu. Ông Khanh cứ vậy thoăn thoắt xới từng khoảnh đất rồi chộp lẹ những con gián nhỏ cất vào lòng bàn tay.
|
Nhìn hàng loạt con gián nhỏ chen nhau bò lúc nhúc, xen kẽ giun đất và đủ loại con nhỏ xíu không rõ tên, thấy tôi rùng mình nổi da gà, ông Khanh cười khà khà: “Cô sợ hả? Ừ mà mấy con này lần đầu thấy ai chẳng sợ, có tôi là riết quen thôi, không sợ mùi cũng chẳng sợ dơ”.
Vừa làm việc, ông vừa nói, công việc mà suôn sẻ thì ngày ông kiếm được năm ba trăm, một triệu cũng không chừng, mà nhiều ngày không có đồng nào cũng có, tùy theo ngày đó có người đi câu cá hay không.
Ngày trước, ông Khanh làm nghề bán lưỡi câu, vợ ông bán vé số, chật vật lắm hai vợ chồng cũng không nuôi nổi 4 người con. Thấy vậy, ông Chín ở tiệm lưỡi câu mà ông làm mách nước ông đi săn gián về bán cho dân câu vì gián là mồi đắt so với các mồi lúc bấy giờ.
|
|
Thời gian đầu, ông dùng vỏ sầu riêng như mọi người gợi ý để dụ gián, nhưng không khả quan vì đến mùa mới có mà hay bị chuột cống tha đi mất. Sau đó ông dùng nước đường nấu ngọt để dụ gián, thì lại phát hiện ra độ keo của đường không đủ để giữ được chân gián nên ông đổi qua mạch nha.
Cứ vậy, mỗi ngày hai chặp sáng, đêm, ông Khanh xách đồ nghề đi săn gián đất và gián đỏ (gián cống).
Săn gián nuôi cả gia đình
Ông Khanh tâm sự, nghề săn gián tuy bay mùi khó chịu, mỗi lần đi làm về ông chà chanh muốn rát tay chân nhưng mùi vẫn thoang thoảng khắp nhà. Do đó, thời gian đầu vợ ông và con cái không ủng hộ. Nhưng đây là nghề không cần vốn, có thu nhập tức thời, phù hợp điều kiện sức khỏe nên ông dần thuyết phục được gia đình.
|
Thậm chí, vợ ông là bà Trần Thị Kim Anh (58 tuổi) khi rảnh cũng phụ chồng xách đồ nghề tìm cống để săn gián. Từ đó, kinh tế gia đình ổn định hơn, vợ chồng ông bà đêm đêm mỗi người đi một hướng, 1 – 2 giờ sáng mới về đến nhà. Ngày qua ngày, ông bà nuôi cả 4 người con khôn lớn bằng những đồng tiền chân chính của mình, không phải vay mượn ai.
Theo lời ông Khanh, mỗi lon gián đất hơn 100 con thường bán được 50.000 đồng. Gián đỏ cũng có giá 50.000 đồng, nhưng được cho vào chai nước lít rưỡi, chích lỗ xung quanh để gián có không khí thở.
|
‘Chai sạn’ tai nạn nghề nghiệp
Ngày ông Khanh mới vào nghề, khu Đầm Sen, cầu vượt Cây Gõ ngày nay còn nhiều đất trống nên ông chẳng cần đi đâu xa, ngày nào cũng quanh quẩn phạm vi 2km quanh nhà nhưng vẫn mang về được kha khá chiến lợi phẩm.
|
|
Ông Khanh ví von: “Hồi đó tôi bán 30.000 đồng một lon gián đất, mà bên trong nhiều lắm. Bây giờ ngày càng khó khăn, tôi rút bớt gián xuống mà giá lên 50.000 đồng mỗi lon. Vậy chứ không đắt đỏ gì đâu, vì hồi đó 20.000 đồng có thể mua được mấy ký gạo, mua đồ ăn nữa cũng chưa chắc gì hết đâu. Ngày nay 50.000 đồng ăn tô hủ tiếu với ly cà phê cóc là hết sạch”.
|
Để thuận tiện cho việc chộp gián, ông Khanh không mang bao tay nên bị miểng chai cắt tay là chuyện cơm bữa. Rắn, rết ông cũng gặp thường, nghe có vẻ sợ mà ông kể tỉnh rụi: “Mới đầu bị mấy con đó cắn tôi còn nhức, còn đau, giờ riết thấy bình thường. Trước tôi bắt trong chùa Gò còn gặp bọ cạp nữa kìa, bằng ngón chân cái này nè. Hồi mới vô nghề tôi sợ nên đập nó chết, còn sau lấy cây khều đi đâu thì đi chứ mình giết nó làm chi, mấy con rắn này cũng vậy, tôi lấy cây khều nó đi à”.
Những tai nạn nghề nghiệp được ông kể lại cho hàng xóm nghe, nhiều người khuyên ông gặp thì bắt luôn, về cũng kiếm thêm được năm bảy chục, mà ông chỉ cười khẩy đáp rằng, không ham làm gì, sơ sẩy bị cắn là nghỉ mất cả tuần lễ.
|
Bà Kim Anh thì chỉ đi săn gián đỏ về đêm nên ít gặp rắn, rết như chồng. Nhiều đêm vào chợ Bình Thới, săn được gián nhiều quá, bà quên luôn cả giờ về.
Vợ chồng bà hay đùa với nhau rằng, cả Sài Gòn chắc chỉ còn mình ông bà làm nghề "độc" này nên ráng bám trụ đến hết cuộc đời mới thôi. “Đạp xe đạp đi săn gián vậy mà hay à nhen, có lao động nên người tôi khỏe re, không bệnh tật gì, mắt sáng, tay nhanh nhẹn. Nhiều thằng bạn bằng tuổi tôi giờ lèm kèm nhìn ớn lắm”, ông Khanh hào hứng.
Bình luận (0)