Thất thoát nước sạch và tổn thất điện năng đang ở mức quá cao là hai vấn đề thường được đề cập mỗi khi việc tăng giá nước, giá điện được đặt ra. Nhưng sau nhiều năm đặt mục tiêu, cam kết này nọ, tỷ lệ thất thoát nước sạch vẫn giậm chân tại chỗ ở mức 33 - 38% đối với Hà Nội, TP.HCM và bình quân 25,5% trên cả nước.
Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành điện phải giảm tỷ lệ tổn thất xuống mức 8% vào năm 2010. Thế nhưng, cho đến năm ngoái, EVN vẫn ì ạch duy trì ở mức 8,7%. Trong khi lộ trình tăng giá điện, giá nước sinh hoạt vẫn duy trì đều đặn. Ngoài việc phải trả giá nước, giá điện cao, người tiêu dùng đang phải trả chi phí cho cả những phần hàng hóa mà họ không dùng, không đánh cắp, đó là điều bất công đáng nói nhất.
Cần phải nói thêm rằng, tỷ lệ tổn thất điện được các nước khuyến cáo ở mức không quá 5%; thất thoát nước sinh hoạt ở các nước Đông Nam Á hiện cao nhất cũng chỉ khoảng 15%.
Kinh doanh phải sòng phẳng, là doanh nghiệp, các công ty kinh doanh điện và nước lẽ ra cũng không nên (hay không thể) buộc khách hàng phải trả tiền cho những sản phẩm mà họ không sử dụng. Nhưng hiện nay trong cơ cấu giá nước và giá điện đều tính luôn cả lượng thất thoát. Và đây vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của việc tỷ lệ thất thoát nước và tổn thất điện năng mãi duy trì ở mức cao. Nếu không phải là người dân đang trả tiền cho lượng nước thất thoát và lượng điện tổn hao, chắc chắn ngành điện, ngành nước sẽ có động lực để giảm tỷ lệ này xuống một cách nhanh chóng hơn.
Điện và nước là loại nhu cầu không thể trì hoãn, là loại sản phẩm độc quyền phân phối, do vậy khả năng mặc cả của người mua là bằng không. Các doanh nghiệp kinh doanh điện, nước đương nhiên hiểu điều đó để tăng giá liên tục và không có nhu cầu đổi mới quản trị để tăng hiệu suất quản lý như đã thấy.
Ở thị trường độc quyền, một người bán mà vạn người mua như vậy, vai trò của quản lý nhà nước là rất quan trọng. Nhà nước phải bảo đảm rằng, cơ cấu giá bán là minh bạch. Trách nhiệm làm thất thoát nước hay tổn hao điện cao là của các công ty, không thể bắt người dân gánh mãi.
Đáng tiếc, cho đến nay chưa từng có một cơ quan có thẩm quyền và khách quan nào đứng ra tổ chức kiểm tra việc lãng phí và thất thoát điện, nước trong cả nước. Thậm chí, chuyện thất thoát điện, nước, vốn liên quan trực tiếp đến sự thất thoát tiền túi của người dân, lại là cơ hội kiếm tiền... thưởng của ngành độc quyền.
Theo một thông tư liên tịch Tài chính - Xây dựng - Nông nghiệp-Phát triển nông thôn ban hành năm 2012, đơn vị cấp nước nào giảm được tỷ lệ hao hụt sẽ được giữ lại 100% số tiền thu được và 30% trong số đó dùng để thưởng cho nhân viên, trong khi đấy đương nhiên là việc họ phải làm.
Bình luận (0)