Đời cây chuyện làng: Chuyện lạ ở ngã ba Cây Cốc

04/08/2022 06:37 GMT+7

Với người dân xứ Quảng, địa danh “ngã ba Cây Cốc” trên QL1 (địa phận H.Thăng Bình) không xa lạ gì. Nhưng ít ai biết rằng, cây cổ thụ hiện hữu tại đây không phải là cây cốc, và gốc đại thụ này cũng chất chứa nhiều câu chuyện bí ẩn…

Đời cây chuyện làng - Kỳ 3: Chuyện cây đa sộp ở Ngã ba Cây Cốc

Cây cốc trong lòng… cây đa

Nếu đi trên QL1 theo hướng từ bắc vào nam, khi qua khỏi TT.Hà Lam khoảng 3 km, ngay bên phải tuyến đường khách lữ hành sẽ thấy một thân cây lớn đang sải nhánh chính về hướng tây. Chỉ cần thấy gốc đại thụ này, bạn biết mình đã đến địa danh “ngã ba Cây Cốc”. Địa danh là vậy, nhưng gốc cây lại là... cây đa. Cây cao chừng 20 m, chu vi thân cỡ 7 - 8 người ôm.

Tại sao lấy tên cây cốc để đặt cho một địa danh nút giao của 2 tuyến đường lớn QL1 - QL14E, mà lại không có cây cốc hiện hữu? Chúng tôi đã lần tìm những người am hiểu sử của địa phương, từ đó hé lộ những câu chuyện thú vị.

Cây đa sộp mọc lên ngay vị trí của cây cốc tại ngã ba Cây Cốc

“Thực tế, ngày xưa tại ngã ba này có một cây cốc rất lớn nằm đúng ngay vị trí mà cây đa sộp đang mọc. Người ta đã lấy tên cây cốc để đặt cho dễ nhớ. Nhưng rồi cây cốc đã dần biến mất”, ông Nguyễn Công Bá (61 tuổi, nhà gần ngã ba) kể. Từ nhỏ, ông Bá đã nghe cha ông kể rằng ngày xưa khu vực này là một gò đất cao, có trên chục gốc cây cốc mọc tự nhiên. Thế rồi, trong thời kỳ Pháp thuộc, người dân kéo đến sinh sống đã đốn hạ dần để làm nhà, chỉ còn lại 4 cây. Đến thời kỳ chống Mỹ cứu nước, phía địch đã cho mở đường và giữ lại một cây cốc ở bên lề.

Theo trí nhớ của ông Bá, trước khi đất nước hoàn toàn giải phóng (1975), cây cốc đã bị cây đa sộp (vốn là cây tầm gửi) “chèn ép” nên chỉ còn lại phần thân sống lay lắt. Dấu mốc khiến cây cốc chỉ còn lại tên gọi ở ngã ba này là vào tháng 3.1975. Thời điểm đó, ông Bá đã 13 - 14 tuổi nên nhớ rất rõ việc cây cốc bị chết thế nào. Số là, khi theo gia đình tản cư về xã Bình Phục, ông đã leo lên một cây liễu để nhìn về gốc đa sộp nhằm theo dõi cảnh tàn quân của chế độ cũ tháo chạy về Đà Nẵng (sau khi thất thủ tại Tam Kỳ ngày 24.3.1975). Hôm đó, có một chiếc xe chở quân ta hướng từ Tam Kỳ - Đà Nẵng thì bị hỏng nằm lại ngã ba Cây Cốc. Bị chỉ điểm, máy bay của địch đã kéo tới phóng rốc két.

“May mắn, chiếc xe chở quân đã đi khỏi đó khoảng 200 m. Trong khi đó, quả rốc két nổ tung rồi làm cháy luôn cây cốc. Cháy âm ỉ mấy ngày, người dân phải mang nước ra dập thì lửa mới tắt. Điều kỳ lạ là cây đa sộp bao bọc cây cốc dù bị gãy cành tan tác nhưng vẫn sống cho đến hôm nay”, ông Bá nhớ lại. Kể từ đó, phần thân cây cốc bị mục dần khiến thân đa sộp bị rỗng ruột bên trong. Ngã ba mang tên “Cây Cốc”, nhưng cây này chỉ còn trong ký ức của người dân…

Ông Nguyễn Ngọc Thành kể lại nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh gốc đa sộp

Hoàng Sơn

“Nắn” quốc lộ để giữ đại thụ

Đến ngã ba Cây Cốc hỏi “hoàn cảnh ra đời” của cái tên này, không nhiều người địa phương biết. Nhưng dù chưa hỏi thì ai cũng có thể kể vanh vách những câu chuyện đậm màu sắc tâm linh xung quanh gốc đa sộp. Bà Trang (47 tuổi, một người bán cá bên đường) kể: “Gốc đa sộp này linh thiêng lắm. Tôi bán cá ở đây đã 20 năm qua, cứ ngày rằm, mùng 1 đều đến dâng hương để cầu may mắn, bình an. Nhiều người ở địa phương này biết chuyện cách đây mấy mươi năm khi mở QL1, cấp trên đã chọn phương án dừng việc phá cây để “nắn” đường”.

Từ lời của bà Trang, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Thành (69 tuổi, khối phố trưởng khối phố 9, TT.Hà Lam). Ông Thành, cựu bí thư chi bộ khu dân cư, từng chứng kiến cuộc mở đường qua ngã ba Cây Cốc đầy khó khăn. Cách đây gần 40 năm, sau khi khảo sát, người ta bắt đầu cho xe san ủi để mở QL1. Theo phương án được chọn, cây đa sộp sẽ bị chặt hạ để con đường thẳng lối. Nhưng 2 lần mang máy cưa đến để cắt gốc đa, cả hai đều bất thành. “Lần thứ nhất máy hỏng. Lần thứ hai thì lưỡi đứt. Nghe cư dân địa phương kể nhiều câu chuyện liên quan đến cây đa, nên người ta đã chọn phương án mở đường về hướng đông nhằm tránh gốc đa sộp”, ông Thành nói.

Ông Nguyễn Công Bá tiếp lời: “Thời điểm đó, cưa thì hỏng còn trên cây đa không hiểu sao mèo hoang ở đâu nhảy bổ xuống, khiến công nhân khiếp sợ bỏ chạy tán loạn. Sau lần đó, người ta dừng hẳn việc cưa cây”. Sự việc này càng khiến người dân địa phương tin vào sự linh thiêng của gốc đa sộp. Những người làm ăn buôn bán xung quanh gốc cây thường xuyên nhang khói vì họ tin rằng trên cây có thần trú ngụ. Còn theo phong tục địa phương, cứ mỗi dịp đưa ông táo về trời, người dân lại mang lễ đến gốc cây. Bao năm qua, người dân quanh đó không dám đụng đến dù chỉ một nhành cây…(còn tiếp)

Cây cốc sót lại có tuổi đời khoảng 200 năm

Tại khối 8, TT.Hà Lam có một ngôi miếu được người địa phương xây dựng cạnh một cây cốc (cách ngã ba Cây Cốc khoảng 400 m đường bay). Tại ngôi miếu này còn sót lại nền gạch, bờ tường cũ xây dựng khoảng 100 năm trước. Theo nhiều người dân địa phương, cây cốc cạnh miếu có tuổi đời khoảng 200 năm và cùng thời với cây cốc đã chết trong lòng cây đa sộp ở ngã ba Cây Cốc.

Đời cây chuyện làng

Ly kỳ chuyện cây rõi biết 'né' bom đạn

Linh thiêng gốc sưa 300 năm tuổi

Kỳ thú 'cây kiểng' khổng lồ bên quốc lộ 1

'Địa đạo' trong lòng cây thị 500 tuổi

Dưới gốc đa ngàn năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.