Đời cây chuyện làng: Ly kỳ chuyện cây rõi biết 'né' bom đạn

03/08/2022 06:59 GMT+7

Trong chiến tranh, nhiều khi làng Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam ) hầu như không còn cây nào nguyên vẹn vì bom đạn, thì cây rõi vẫn sừng sững giữa đất trời. Từ đó, hình thành giai thoại cây rõi biết “né” bom đạn…

"Chứng nhân" 500 tuổi

Đến tham quan di tích quốc gia lịch sử địa đạo Kỳ Anh tại thôn Thạch Tân (1 trong 3 địa đạo lớn nhất VN, sau địa đạo Củ Chi và Vịnh Mốc), chắc chắn ông Huỳnh Kim Ta, người quản lý khu di tích, sẽ dẫn bạn đến đứng dưới gốc cây rõi cách đình làng Thạch Tân khoảng 200 m và kể chuyện cha ông ta anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương. Cây rõi cùng quần thể di tích, từ ụ rơm cho đến giếng nước, đình làng, địa đạo… đã lập thành lũy thép ngăn bước quân thù, góp phần làm nên trang sử vàng Quảng Nam “trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.

Cây rõi 500 tuổi từng là đài quan sát của du kích

HOÀNG SƠN

Lần giở câu chuyện lịch sử, ông Huỳnh Kim Ta cho biết đến nay làng Thạch Tân đã trải qua 22 đời. Và cây rõi gắn liền với buổi đầu mở làng. “Ngày xưa, khi làng hình thành, người ta đặt xóm này là xóm Trong và trồng cây rõi, còn xóm Giữa có cây trâm lăng và xóm Ngoài có cây sơn mã. Theo lời kể của các cụ, đây là 3 cây sống lâu nhất. Ngày đó, người dân thường sinh hoạt dưới bóng cây, nghỉ ngơi sau buổi làm đồng mệt mỏi. Những đêm trăng, các cụ lại tụ tập nhau hò đối đáp. Theo ước đoán của các cụ, cây được trồng vào khoảng cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, ước đã 500 tuổi”, ông Ta nói.

Cụ Lê Khắc Phiến (82 tuổi, một người có nhiều đóng góp cho cách mạng tại địa phương) kể, sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, cây rõi là nơi được các cán bộ đặt làm “trạm” xóa mù chữ. Hồi đó, tuyến đường chính của xã Bình Nam (H.Thăng Bình) đi qua đây. “Đến những năm 1960, việc diệt “giặc dốt” vẫn được triển khai. Tôi cùng các anh em dựng trạm tại gốc rõi để đón từng người đi làm đồng, đi chợ… để chỉ bảo từng chữ cái. Ai đọc được các chữ cái thì tiếp tục đi, ai chưa nhớ thì buộc phải đọc cho đến khi nhớ mới qua trạm”, cụ Phiến nhớ lại.

Theo cụ Phiến, dù gắn bó với đất và người Thạch Tân hàng trăm năm, nhưng “chiến công” hiển hách nhất của cây rõi phải kể đến giai đoạn chống Mỹ. Với độ cao khoảng 30 m, ngọn cây rõi được du kích địa phương dùng làm đài quan sát. Nhờ đó, nhiều cán bộ cách mạng đã tránh được những trận càn của địch. Đài quan sát cũng giúp quân ta sớm đưa ra những ứng phó kịp thời khi quân địch kéo vào làng…

Cụ Lê Khắc Phiến kể lại những câu chuyện lịch sử quanh cây rõi cổ thụ

Đời cây chuyện làng - Kỳ 2: Ly kỳ chuyện cây rỏi 500 tuổi biết "né" bom đạn

Tọa độ lửa

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi lần đi ngang qua cây rõi, cụ Lê Khắc Phiến lại trầm tư nhớ về những ngày kháng chiến lịch sử. Sờ vào những vết lõm lỗ chỗ trên thân cây do bom đạn, cụ Phiến vừa bày tỏ thán phục trước sức sống mãnh liệt của cây, vừa nhớ lại những lần nhờ cây che chở mà đồng đội, bạn bè cụ đã thoát được bom đạn của kẻ thù. “Nhìn thân cây, tôi nhớ như in từng vết thương do mảnh bom gây ra. Hồi đó, thân cây rách nhiều mảng “da” rất to. Bom đạn khốc liệt như thế mà cây vẫn sống một cách thần kỳ”, cụ Phiến xúc động.

Cụ bà Trần Thị Long (74 tuổi) kể thêm, từ năm 14 tuổi cụ đã phục vụ cho dân quân địa phương, thường trèo lên ngọn cây để canh gác. Vì tuổi còn nhỏ nên khi thấy cây rõi đứng vững trước bom đạn, cụ tin rằng cây biết “né tránh”. Bởi vậy, lần nào đưa cơm, cô bé Long cũng động viên người cảnh giới yên tâm bởi cây rõi biết cách che chở cho họ. Cụ Phiến bảo, khi thấy cả làng không còn cây nào trụ nổi trước bom đạn của quân Mỹ nhưng riêng cây rõi thì vẫn sừng sững hiên ngang, nhiều người đã giai thoại hóa đây là cây biết “né” bom đạn.

“Thực ra, quân địch chừa cây này lại là vì chúng xem đó là tọa độ mốc để canh nã pháo, dội bom vào làng. Ngược lại, phía ta biết được nguyên do đó nên đã sử dụng ngọn cây rõi làm đài cảnh giới, rất hiệu quả. Từ thông tin đài quan sát, công binh sẽ đặt mìn kìm chân địch hoặc du kích tổ chức mai phục”, cụ Phiến nói. Là người từng canh gác trên ngọn cây, cụ Phiến cho biết trước khi rút lui bằng con mương dẫn vào địa đạo cạnh gốc cây, người cảnh giới thường bắn 2 phát súng hiệu. Cách thức buộc và thu dây cũng phải tập rất bài bản, để tránh bị lộ. Sau khi dùng dây để leo xuống, người cảnh giới có thể tháo và thu dây một cách gọn gàng.

Ông Huỳnh Kim Ta kể thêm, trong kháng chiến, Kỳ Anh là địa bàn chiến lược của vùng đông Tam Kỳ. Qua khỏi QL1 là xã Kỳ Thịnh với Ao Lầy. Đây là 2 điểm chiến lược mà lực lượng cách mạng bằng mọi giá phải giữ, để khi ở trên muốn chuyển đạn dược, vũ khí thì sẽ chuyển từ Ao Lầy xuống Kỳ Anh qua đường mòn. Trong khi đó, các xã ở vùng đông Thăng Bình muốn chuyển lương thực, nhân lực lên phía trên thì chờ đến chiều tập trung ở Kỳ Anh, nghe ngóng an toàn mới đưa đi. “Nếu không an toàn thì giữ lương thực, mắm muối lại rồi đem chôn, ngụy trang thành mồ mả, vồng khoai lang. Trong khi đó, từ đài cảnh giới, thông tin địch đi càn đến sớm đã giúp quân ta kịp xuống địa đạo”, ông Ta kể.

(còn tiếp)

Đời cây chuyện làng

Linh thiêng gốc sưa 300 năm tuổi

Kỳ thú 'cây kiểng' khổng lồ bên quốc lộ 1

'Địa đạo' trong lòng cây thị 500 tuổi

Dưới gốc đa ngàn năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.