Điểm đen ùn tắc tăng dần đều
Sở GTVT TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phối hợp triển khai các giải pháp xử lý 24 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. So với giai đoạn đầu năm 2022, số điểm ùn tắc đã tăng thêm 6 điểm, gồm: Ngã tư Hàng Xanh; giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện; khu vực cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu; Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão; Phạm Văn Ðồng - Phan Văn Trị.
Trong danh sách 24 "điểm đen" này, chỉ có 2 khu vực ghi nhận có chuyển biến tốt trong thời gian qua là giao lộ QL50 - Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) và giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp). Còn lại 8 khu vực không chuyển biến gì và 14 điểm có chuyển biến nhưng vẫn còn phức tạp, gồm một số tuyến đường "quen thuộc ùn ứ" với người dân TP như khu vực đường Tôn Ðức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình), nút giao Mỹ Thủy, nút giao An Phú (TP.Thủ Ðức), giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7)...
Danh sách các điểm ùn tắc của Sở GTVT chỉ "gói gọn" ở con số 24 nhưng rất nhiều người dân TP di chuyển hằng ngày phản ánh nhiều đường "nghẽn" khác. Trong đó có cầu Kênh Tẻ nối quận 4 qua quận 7. Thừa nhận giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ là điểm ùn tắc nghiêm trọng nhất vì có nhiều xe container nhưng anh Thành Huy (H.Nhà Bè) thắc mắc vì sao cầu Kênh Tẻ là nỗi ám ảnh của người dân khu nam TP nhưng lại vắng mặt trong danh sách này.
Theo anh Huy, mặc dù đã hoàn thành công trình mở rộng hơn 2 năm qua nhưng phần diện tích tăng thêm vẫn không thấm vào đâu so với lượng xe thường xuyên xếp hàng chen chúc trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ. Từ cầu Kênh Tẻ, ùn tắc tiếp tục lan rộng xuống khu vực Phước Kiển, đặc biệt tại đoạn qua cầu Rạch Ðĩa 2. Nối xã Phước Kiển (H.Nhà Bè) và P.Tân Phong (Q.7), cây cầu này "gánh" một lượng lớn phương tiện đổ từ khu đô thị nam TP dồn về phía trung tâm.
Chưa kể, nhiều tuyến đường nội đô cũng đang dần xuất hiện trong danh sách "đường phải né" của cánh tài xế. Ðơn cử, phương tiện chạy từ Q.4 đi sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) tới vòng xoay ngã sáu Phù Ðổng (Q.1) trước đây thường sẽ rẽ vào Lý Tự Trọng, đâm ra Trương Ðịnh để tránh dòng xe chen nhau trên đường Cách Mạng Tháng 8. Tuy nhiên, khoảng gần 1 năm trở lại đây, đoạn từ Trương Ðịnh - Lý Tự Trọng tới Trương Ðịnh - Nguyễn Ðình Chiểu gần như sáng nào cũng ùn tắc.
Trước tình hình này, Sở GTVT chỉ "dám" đặt mục tiêu cải thiện tình trạng giao thông, giảm dần số vụ ùn tắc và phấn đấu xóa được ít nhất 1 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông là khu vực cầu Xáng trên đường Trần Văn Giàu, H.Bình Chánh. Ðể kiểm soát 23 điểm còn lại, Sở GTVT lên kế hoạch tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm như hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), nút giao An Phú
(TP.Thủ Ðức), đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Tân Bình). Ðồng thời, đẩy nhanh thủ tục để sớm mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (Tân Bình), xây dựng cầu thép ngã tư Bốn Xã (Bình Tân). Song song, nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu như cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn, tăng cường giá long môn, sơn đường, biển báo, lắp đặt camera quan sát giao thông và đo tốc độ tự động…
Không thể chờ hạ tầng đuổi kịp nhu cầu
Thực tế cho thấy dù ùn tắc lan rộng nhưng những công trình "trị bệnh" mà Sở GTVT TP nêu trên cũng đã "nhẵn mặt" trong danh sách dự án trọng điểm vắt từ năm này qua năm khác. Dự án nào cũng khởi công trễ hẹn và quá trình thi công ì ạch. Ngay như khu nam TP, theo kế hoạch của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), các dự án quan trọng giải tỏa ùn tắc giao thông đều đang được xúc tiến triển khai từ đầu năm 2022. Khi đó, ưu tiên hàng đầu được nhắc tới là công trình cầu đường Nguyễn Khoái đã hoàn thành các bước trình tự thủ tục đầu tư và TP đang đợi bố trí vốn trong hạn bổ sung. Dự án sau khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối từ khu chung cư Him Lam (Q.7) sang Q.4 và đấu nối xuống đường Võ Văn Kiệt.
Cùng với đó, cầu vượt Bình Tiên, đi từ Q.6 nối dài qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nhập vào đường Nguyễn Văn Linh dự kiến được triển khai thi công cuối năm 2022, cùng dự án mở rộng QL50. Ngoài ra, UBND H.Nhà Bè đã kiến nghị làm trục 15B song song với đường Huỳnh Tấn Phát, kết nối với điểm đầu của cầu Cần Giờ. Ðây cũng là tuyến đường của trục bắc - nam góp phần giảm tải cho hệ thống giao thông hiện nay, đặc biệt là trục Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Tất Thành. Thế nhưng, tất cả những dự án được đánh giá là vô cùng cấp bách này đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM thông tin, từ quý 2/2022, Sở GTVT cùng các ban, ngành liên quan đã tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công thêm một số công trình trọng điểm. Trong đó, khởi công nút giao An Phú cùng QL50, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) là những công trình lớn được người dân trông đợi nhiều nhất. Dự án đặc biệt quan trọng kết nối liên vùng là dự án xây dựng đường Vành đai 3 cũng đang được tập trung triển khai, ghi nhận nhiều mốc tiến độ vượt bậc, quyết tâm hoàn thành cơ bản trong giai đoạn từ nay đến 2025. Tuyến metro số 1 cũng đang ở giai đoạn cuối chuẩn bị về đích…
Những dự án hạ tầng quan trọng, sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ góp phần giải tỏa nút thắt giao thông của TP. Ðồng thời, thúc đẩy giao thương kết nối liên vùng, tăng khai thác quỹ đất, phát triển các dịch vụ logistics... mang đến cho TP.HCM cơ hội để đột phá hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
Hoàn thành 17 dự án trong 3 năm tới
Theo danh mục các dự án trọng điểm của Sở GTVT TP.HCM, sẽ có 17 dự án hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2022 - 2025 và 11 dự án sẽ khởi công trong 3 năm tới. Cụ thể, một số dự án hoàn thành năm 2024 gồm có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7); 3 cây cầu: Long Kiểng (Nhà Bè), Tăng Long, Nam Lý (TP.Thủ Đức)… Các dự án hoàn thành năm 2025 gồm: 4 tuyến đường chính khu đô thị Thủ Thiêm; cầu Ông Nhiêu mới; nâng cấp đường Lương Định Của; đường trục Bắc Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; nút giao Mỹ Thủy (TP.Thủ Đức); đường Vành đai 3 TP.HCM; cầu Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân); cầu Phước Long (Q.7 và H.Nhà Bè)...
"Sau thời kỳ này, giao thông TP.HCM chắc chắn sẽ có cải thiện. Tuy nhiên, phải xác định giải quyết giao thông ở một siêu đô thị hơn 13 triệu dân, không thể tham vọng chuyển đổi nhanh chóng hay kỳ vọng làm đủ đường đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển của người dân. Cần quá trình tịnh tiến đi cùng các chương trình được thực hiện bài bản ở trung hạn và dài hạn, bồi đắp thêm các giải pháp để tình hình dần dần được cải thiện. Ðó là lý do TP đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, bổ sung nhiều giải pháp phi công trình để cải thiện tình hình trên nền hạ tầng còn hạn chế hiện nay", lãnh đạo Sở GTVT khẳng định.
Ứng dụng triệt để công nghệ
Chia sẻ kỹ hơn về kế hoạch chuyển đổi số ngành giao thông TP, ông Ðoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM, cho biết thời gian qua, TP đã đưa vào khai thác mô hình mô phỏng dự báo giao thông trong công tác quản lý, quy hoạch giao thông đô thị. Hệ thống này điều khiển đèn tín hiệu giao thông khu vực trung tâm TP theo các kịch bản linh hoạt phù hợp với tình hình giao thông thực tế, tổ chức giao thông "làn sóng xanh" nhằm tối ưu hóa dòng giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các nút giao. Hiện nay, hệ thống camera có kết nối dữ liệu trực tiếp đến trung tâm tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm gồm các quận 1, 3, 5, 10. Ngoài giám sát, những khu vực này sẽ có hệ thống thu thập lưu lượng, vận tốc của phương tiện trên tuyến đường, đưa vào mô hình, từ đó điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu phù hợp với từng tuyến trong từng khoảng thời gian khác nhau. Cùng với đó, phân tích, đo đếm và chủ động lên kịch bản ùn tắc để có phương án xử lý kịp thời.
Ðối với những khu vực chưa được áp dụng mô hình này thì thông qua hệ thống camera giám sát, phía trung tâm sẽ kịp thời phát hiện các sự cố, điểm ùn tắc để thông báo với các tài xế qua nhiều kênh truyền thông cũng như thông báo tới lực lượng công an giao thông nhanh chóng tới điều tiết, kéo giảm lượng phương tiện.
Nhu cầu giao thông sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày
Với kịch bản điều khiển "làn sóng xanh", các phương tiện lưu thông với vận tốc trung bình 30 - 35 km/giờ sẽ có thể lưu thông thuận lợi qua nhiều nút giao thông liên tục trên các tuyến đường trong điều kiện lưu thông thông thoáng. Theo Sở GTVT, dự báo từ mô hình mô phỏng, đến năm 2025, nhu cầu giao thông tại TP sẽ đạt trên 41 triệu lượt đi lại/ngày. Sự gia tăng nhanh chóng phương tiện cơ giới cá nhân dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng cho mạng lưới đường giao thông đô thị, đặc biệt trong giờ cao điểm.
"Trong thời gian tới, trung tâm đã báo cáo đề xuất Sở GTVT tiếp tục mở rộng lắp đặt thêm hệ thống camera quan sát, đo đếm lưu lượng để phân tích, tạo kịch bản vận hành hệ thống đèn tín hiệu hiệu quả. Phải xác định để kéo giảm ùn tắc giao thông ở TP.HCM, cần đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp giữa hạ tầng, công nghệ và nhiều giải pháp phi công trình khác nhưng có công nghệ sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc chủ động điều tiết giao thông một cách nhanh chóng, dễ dàng", ông Ðoàn Văn Tấn nói.
Khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TP.HCM
Ngày 25.5, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới. Ban Bí thư cho rằng thời gian qua TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để. Việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số TP, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn…
Ban Bí thư yêu cầu siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
Ban Bí thư yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông. Theo đó, tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển KT-XH. "Xây dựng, ban hành luật TTATGT đường bộ và luật Đường bộ để cụ thể hóa một bước định hướng trên", chỉ thị nêu rõ.
Cùng với đó, Ban Bí thư yêu cầu khắc phục cơ bản ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Hà Nội và TP.HCM; thực hiện nghiêm quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông; quan tâm phát triển hệ thống công trình giao thông ngầm, giao thông trên cao. Thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp… ra ngoài khu vực trung tâm TP.
Lê Hiệp
Giải pháp giảm ùn tắc tại 8 điểm không chuyển biến
1. Đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái - TP.Thủ Đức):
Nghiên cứu phương án tổ chức lưu thông 1 chiều ra, 1 chiều vào riêng biệt tại nút giao Nguyễn Thị Ðịnh - đường A Khu công nghiệp Cát Lái đối với 2 khu đất do Khu công nghiệp Cát Lái và Công ty xi măng Hà Tiên quản lý; Nghiên cứu phương án cấm rẽ trái và quay đầu xe trên đường Nguyễn Thị Ðịnh tại khu vực giao lộ Nguyễn Thị Ðịnh - đường C Khu công nghiệp Cát Lái; Nghiên cứu cải tạo giao lộ Nguyễn Thị Ðịnh - đường C Khu công nghiệp Cát Lái (mở làn đường cho xe 2 bánh lưu thông phía trong, tách khỏi phần đường ô tô hiện nay).
2. Đường Nguyễn Tất Thành, Q.4:
Nghiên cứu phương án hạn chế một số loại phương tiện được phép lưu thông (đặc biệt vào giờ cao điểm); Nghiên cứu phương án cải tạo mở rộng phần đường xe lưu thông trên cầu Tân Thuận 2 nhằm đảm bảo chiều lưu thông đi Q.7 là 6 m và chiều đi Q.4 là 4 m; Tổ chức lưu thông 1 chiều cầu Tân Thuận như trước đây.
3. Giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình:
Nghiên cứu phương án phân luồng giao thông tổng thể khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là tổ chức giao thông khi các dự án như Xây dựng nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; Mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý... hoàn thành (nhất là khu vực đường Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý - Trường Chinh).
4. Giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, Q.Tân Bình:
Tăng cường theo dõi, điều chỉnh tổ chức giao thông kịp thời, tránh để xảy ra ùn tắc giao thông do thi công gói thầu Xây lắp 9 (hầm chui tại giao lộ Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn) thuộc dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; Ðẩy nhanh tiến độ thi công dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa.
5. Đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân QUÝ), Q.Tân Bình:
Nghiên cứu thí điểm phương án lắp đặt hàng rào di động đóng các điểm mở dải phân cách tim đường Trường Chinh đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Hồ Ðắc Di.
6. Giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, Q.Bình Thạnh:
Nghiên cứu tạo làn rẽ phải liên tục từ đường Ðinh Bộ Lĩnh vào đường Bạch Ðằng; Tăng cường xử lý tình trạng vi phạm dừng đỗ xe sai quy định trong giờ cao điểm trên đường Bạch Ðằng trong phạm vi 150 m từ đường Ðinh Bộ Lĩnh hướng về đường Lê Quang Ðịnh; Vuốt nối tạo êm thuận cho phương tiện lưu thông từ hẻm 405 Xô Viết Nghệ Tĩnh vào vị trí đường đầu cầu Sơn.
7. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã năm Đài Liệt sĩ), Q.Bình Thạnh:
Nghiên cứu đề xuất phương án cấm ô tô lưu thông trên đường D5 (đoạn từ hẻm 42 Ung Văn Khiêm đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) theo hướng từ hẻm 42 Ung Văn Khiêm đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh; Cấm dừng đỗ xe theo giờ trên đường D5 (đoạn từ hẻm 42 Ung Văn Khiêm đến đường Nguyễn Gia Trí).
8.Ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh:
Nghiên cứu phương án điều chỉnh tổ chức giao thông khu vực như sau:
- Ðường Ung Văn Khiêm: điều chỉnh thời gian và hướng lưu thông của ô tô. Phối hợp với Trung tâm quản lý giao thông công cộng để thống nhất phương án điều chỉnh lộ trình xe buýt khi tổ chức phương án bỏ đèn tín hiệu giao thông tại ngã năm Ðài Liệt sĩ.
- Tạo vòng xoay lớn để tổ chức lưu thông 1 chiều các loại xe đối với khu vực đường Ðinh Bộ Lĩnh - Ðiện Biên Phủ - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Ðằng.
Hà Mai
Bình luận (0)