Thanh Niên là một trong những báo nhiều lần đề cập đến vấn đề trọng dụng người tài. Người tài rất đa dạng trên nhiều lĩnh vực, sinh sống cả ở trong và nước ngoài, tuy số lượng ít nhưng có nhiều đóng góp quan trọng, mang tính lan tỏa, tạo cảm hứng cho xã hội dám khát khao, dám nghĩ và dám thực hiện những nhiệm vụ khó khăn. Bởi vậy, chính sách với người tài cũng phải hết sức linh hoạt, đa dạng.
Cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM |
HCMBIOTECH |
Nhưng “mỗi nhà, mỗi cảnh”, có người đề cao thu nhập; có người cần sự chào đón trọng thị; có người thì chỉ cần được tạo điều kiện để thể hiện tài năng bản thân… Tựu trung lại, họ cần sự đối đãi tử tế của cơ quan chức năng, trên 3 khía cạnh: đãi ngộ, cách mời gọi và môi trường làm việc. Bởi không ai có nhu cầu giống ai nên nhà quản lý cũng nên mềm mỏng, uyển chuyển đến từng trường hợp chứ không đánh đồng bằng một chính sách chung chung.
Người tài thì nhiều nơi cần, cả trong nước và nước ngoài, cả khu vực công và khu vực tư, ngay trong một quốc gia thì cũng có nhiều địa phương cạnh tranh với nhau để trải thảm đỏ mời về. Người tài thực sự có lòng tự tôn rất cao, không phải cứ trả thật nhiều tiền thì họ sẽ về. Khi chọn một đơn vị nào đó, điều đầu tiên họ nghĩ là sẽ cống hiến được những gì, tạo ra được sự đột phá, mới mẻ nào.
Để sử dụng người tài hiệu quả phải đến từ hai phía: nhà quản lý và bản thân người tài. Nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền bên cạnh cơ chế, mức đãi ngộ thì cần mở rộng mạng lưới chuyên gia, xác định rõ nhu cầu, mục tiêu trong ngắn hạn và dài hạn gắn với các chuyên gia cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, bởi người tài như lá mùa thu nên chỉ giao cho họ những việc khó, kích thích đòi hỏi sáng tạo chứ không phải những việc bình bình, ai làm cũng được. TP.HCM luôn được đánh giá cao là thành phố năng động, sáng tạo, đã hứa thì sẽ làm nên người tài cũng đặt nhiều kỳ vọng sớm có cơ hội hợp tác.
Bình luận (0)