Bé Parwana ngồi cạnh cha tại căn lều ở khu tạm cư trước khi bị bán |
Ảnh chụp màn hình cnn |
Trong bối cảnh viện trợ quốc tế cạn kiệt và nền kinh tế sụp đổ, nhiều gia đình ở Afghanistan không đủ ăn và thiếu các nhu yếu phẩm.
Theo CNN, đói khổ khiến nhiều người phải đưa ra chọn lựa đau lòng là bán những đứa con gái nhỏ trong bối khủng hoảng nhân đạo tại nước này ngày càng tồi tệ, nhất là khi mùa đông khắc nghiệt đang đến.
Tiếng cười lụi tắt
Parwana Malik là một bé gái 9 tuổi có cặp mắt đen và đôi má hồng, cười khúc khích với bạn bè khi chơi nhảy dây ở một bãi đất trống đầy bụi bặm.
Thế nhưng, những tiếng cười của bé lụi tắt khi trở về nhà, một căn lều nhỏ với những bức tường đất bao quanh, khi bé nhớ lại việc sắp bị bán cho một người lạ để làm cô dâu trẻ em.
Bé Parwana vui chơi cùng trẻ em tại khu tạm cư |
ảnh chụp màn hình cnn |
Người đàn ông muốn mua Parwana cho biết ông 55 tuổi, nhưng với bé, đó là “một ông già” với hàm ria rậm và cặp lông mày bạc. Bé lo sợ sẽ bị đánh và bị bắt làm việc khi bị bán cho người đàn ông này, nhưng gia đình không còn lựa chọn nào khác.
Suốt 4 năm, cả nhà sống tại khu trại tạm cư ở tỉnh Badghis phía tây bắc Afghanistan và dựa vào viện trợ nhân đạo, bên cạnh vài USD mỗi ngày nhờ làm giúp việc nhà. Nhưng cuộc sống càng khó khăn hơn khi Taliban cầm quyền từ ngày 15.8.
Không thể kham nổi cái ăn, người cha đã bán đứa con gái lớn 12 tuổi cách đây vài tháng.
Chị em Pawarna nằm trong số nhiều trường hợp bị bán làm cô dâu trẻ em từ những gia đình đói khổ ở Afghanistan. Theo ông Mohammad Naiem Nazem sống tại Badghis, số gia đình bán con đang tăng lên hằng ngày do thiếu ăn, không có việc làm.
Không còn cách khác
Cha của Parwana là ông Abdul Malik luôn bị mất ngủ vì “suy sụp” với cảm giác tội lỗi, xấu hổ và lo lắng. Ông đã tìm cách tránh phải bán con khi đến thành phố Qala-e-Naw tìm việc nhưng bất thành.
Gia đình cũng đã mượn rất nhiều tiền từ người thân, và vợ ông thậm chí phải đi xin ăn từ những người khác trong trại. Sau cùng, ông cảm thấy không còn chọn lựa nào khác để nuôi sống gia đình có 8 người ngoài việc tiếp tục bán con.
Khu trại tạm cư ở tỉnh Badghis phía tây bắc Afghanistan |
Ảnh chụp màn hình cnn |
Tiền bán bé Parwana đủ nuôi sống gia đình trong vài tháng tới, trước khi ông phải tìm giải pháp khác. Trong khi đó, Parwana hy vọng cha mẹ đổi ý. Bé mơ ước được tiếp tục học và trở thành cô giáo, nhưng lời van xin là vô vọng.
Vào ngày 24.10, người mua là ông Qorban đến nhà và trả 200.000 afghani (49,8 triệu đồng) bằng cừu, đất và tiền mặt.
Người cha rớt nước mắt nói: “Đây là cô dâu của ông, làm ơn chăm sóc nó, giờ đây ông có trách nhiệm với nó, xin đừng đánh nó”. Ông Qorban đồng ý rồi kéo tay bé gái ra khỏi nhà lên một chiếc xe chờ sẵn chầm chậm lăn bánh.
Kể từ khi Taliban nắm quyền tại Afghanistan, những câu chuyện như của bé Parwana ngày càng nhiều do nhiều gia đình đói khổ và tuyệt vọng. Dù kết hôn dưới 15 tuổi là phi pháp, nạn tảo hôn đã tồn tại nhiều năm, nhất là ở vùng nông thôn.
Không có tiếp cận với các dịch vụ tránh thai và sức khỏe sinh sản, gần 10% trẻ em gái từ 15-19 tuổi sinh con hằng năm tại Afghanistan, theo Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc.
Phụ nữ Afghanistan truyền thống chỉ mặc áo trùm burqa đen? |
Nhiều bé gái còn quá nhỏ và đối diện các biến chứng khi sinh con do cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Tỷ lệ tử vong khi sinh ở nhóm 15-19 tuổi cao hơn gấp đôi so với nhóm 20-24 tuổi tại Afghanistan.
Theo báo cáo mới đây của Liên Hiệp Quốc, hơn phân nửa dân số Afghanistan đối diện tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. Hơn 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sắp bị suy dinh dưỡng nặng trong vài tháng tới. Chưa hết, giá thực phẩm tăng chóng mặt, các ngân hàng hết tiền và người làm công không được trả lương. Gần 677.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa trong năm nay tại Afghanistan do chiến tranh. Nhiều người sống trong lều trại tại các trại tạm cư như gia đình Parwana.
Bình luận (0)