Dời làng vì sợ... 'núi đè'

Mạnh Cường
Mạnh Cường
19/09/2019 09:12 GMT+7

Trước nguy cơ sạt lở núi vùi lấp nhiều ngôi làng, thời gian gần đây chính quyền huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) đã có những cuộc di dân, đưa hàng ngàn hộ dân đến nơi ở mới.

Nóc Măng Lâng (xã Trà Cang, H.Nam Trà My) có gần 70 hộ dân nằm chênh vênh trên đồi núi. Sau đợt mưa lũ tháng 11.2017, ngọn đồi sau làng xuất hiện một vết nứt lớn. Tháng 2.2018, địa phương vận động đồng bào Xê Đăng rời làng chuyển xuống dưới chân núi cách đó chừng 1 km. Giờ đây, dân làng cũ đã hoàn tất những công đoạn cuối cùng để về ở tại làng mới mang tên Lâng Loan.
Anh Hồ Văn Hai (37 tuổi), một trong những hộ dân sống ở làng mới Lâng Loan, cho biết sau khi ngọn đồi sau làng cũ xuất hiện vết nứt lớn, hàng chục hộ dân phải sống trong cảnh nơm nớp lo bị núi... chôn vùi. “Làng cũ không chỉ bị sạt lở mà còn có nhiều người chết vì ăn lá ngón tự tử nên người dân rất ám ảnh về những cái chết xấu”, anh Hai bộc bạch.
Theo anh Hồ Văn Vừa (27 tuổi), làng mới trước đây là đất người dân canh tác lúa rẫy, khi dời làng về đây nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất để các hộ khác dựng nhà. Hộ hiến nhiều nhất là gần 2.000 m2 đất. Ở đây, mỗi căn nhà được dựng lên đều có công đóng góp của cả làng.
“Về làng mới, mọi thứ đều thuận tiện hơn làng cũ. Đêm ở đây vui hơn nhiều vì nhà nào cũng có ánh điện. Làng mới gần đường giao thông, củ khoai, hạt lúa làm ra dễ tiêu thụ. Đặc biệt, không còn phải lo cảnh sạt lở nữa”, anh Vừa nói.

Ám ảnh sạt lở

Ông Trần Xuân Mố, Chủ tịch UBND xã Trà Cang, cho hay ngọn đồi ở phía sau lưng làng Măng Lâng bị nứt một đường dài khoảng 60 - 100 m, rộng khoảng 2,5 m, nguy cơ đổ ập xuống bất cứ khi nào. Đất đá tràn xuống đã vùi lấp nhiều diện tích đất sản xuất của người dân. Vì vậy, địa phương đã đề xuất cấp trên có phương án dời qua làng mới, cũng là cuộc di dân theo Nghị quyết 12 của UBND tỉnh. Theo ông Mố, không chỉ ở nóc Măng Lâng mà còn nhiều nóc trên địa bàn có nguy cơ sạt lở. Đáng lo ngại, nóc Tu Rêu với 34 hộ dân đang sinh sống có nguy sạt lở cao nhất.
“Vì chưa có nguồn vốn để di dời, nên mùa mưa năm nay địa phương đã có phương án bố trí 34 hộ đến các điểm trường học để lánh nạn trong trường hợp cấp bách nhất”, ông Mố nói.
Ông Châu Minh Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Trà Mai (H.Nam Trà My), cho hay trên địa bàn xã cũng có hàng chục hộ dân nằm trong diện bị đe dọa bởi nguy cơ sạt lở núi. Tháng 4.2019, UBND huyện đã phê duyệt phương án sắp xếp, di dời 50 hộ ở nóc Long Bok (thôn 3, xã Trà Mai) về nơi ở mới. Đến thời điểm này, cơ bản các hộ dân đã ổn định.
Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My, từ năm 2017 - 2019, địa phương đã di dời, bố trí chỗ ở mới cho hơn 1.400 hộ dân. Cuối năm 2017, hơn 120 hộ dân ở nóc Ông Tuân (thôn 2, xã Trà Vân) đến nơi ở mới tại làng Khe Chữ nằm ngay dưới chân núi Ngọc Linh, cách làng cũ khoảng 1 km. Việc sắp xếp đã tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở ổn định, đặc biệt là các hộ dân sống ở những nơi có nguy cơ mất nhà ở, đất sản xuất do thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…
“Ngoài việc giải quyết tình trạng dân cư sống thưa thớt, khó khăn cho việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, xây dựng cơ sở hạ tầng, quan trọng nhất là đảm bảo được sự an toàn cho dân, tránh những vùng nguy hiểm”, ông Bửu nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.