Sống bên miệng 'hà bá' sau lũ dữ, buổi sáng thấy vết nứt tối đã sạt lở

Trương Quang Nam
Trương Quang Nam
14/09/2019 10:11 GMT+7

Mưa lũ cuồn cuộn đánh sập nhiều đoạn bờ sông tại xóm Kinh Trừng (thôn Đức Phú 1, xã Đức Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình), đẩy nhiều gia đình vào nỗi lo sạt lở , nhà cửa trôi xuống sông không biết lúc nào.

Theo chính quyền địa phương, sạt lở do mưa lũ mấy ngày qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến 8 nhà dân trong xóm Kinh Trừng. Về Kinh Trừng khi nước lũ trên sông Gianh còn cuộn chảy, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân với khuôn mặt lo âu, thấp thỏm; mọi người đang hỗ trợ nhau cột néo lại nhà cửa. Một người dân dẫn chúng tôi ra tận mép sông và chỉ về đoạn bờ sông dài khoảng 100 m đã bị “hà bá” nuốt trôi. Đất lở tạo thành bức tường cao, sâu với chiều dài thẳng đứng và có hướng khoét vào bên trong. Điểm sạt ngay chân tường nhà ông Mai Tân và làm sập mái hiên nhà anh Mai Trung. Nhiều ngôi nhà chênh vênh bên vực sâu. Nhiều mái hiên, vật dụng của các gia đình cũng đã bị cuốn trôi.
Anh Mai Trung thuật lại: “Thấy bờ sông xuất hiện vết nứt, chúng tôi đã trình báo với xã. Ngày 6.9, các cán bộ huyện và xã về kiểm tra và khuyên chúng tôi tạm di dời sang chỗ khác ở. Chưa kịp đi đã bị sạt lở, mọi chuyện diễn ra nhanh quá, buổi sáng thấy vết nứt thì đến tối đã xảy ra sạt. Khoảng 20 giờ ngày 6.9, tôi bỗng nghe tiếng ầm ầm, khi ra xem thấy đất trôi xuống sông kéo theo mái hiên nhà. Bà con giờ lo lắng lắm, không biết làm sao để ở”.
Sống bên miệng “hà bá” sau lũ dữ

Các phần mái, hiên nhà dân đã bị trôi xuống sông

Vụ việc khiến những hộ dân quanh đó hốt hoảng, vội vã di chuyển đồ đạc tìm nơi trú ẩn. Ông Võ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Đức Hóa, cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đã hướng dẫn người dân phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Về lâu dài, chúng tôi sẽ đề nghị lên cấp trên có giải pháp phòng chống sạt lở để đảm bảo đời sống của bà con nhân dân”.
Đợt sạt lở này một lần nữa đẩy người dân Kinh Trừng rơi vào cảnh éo le bởi họ đã từng phải chuyển nhà. Kinh Trừng có 86 hộ với 336 nhân khẩu, trước đây họ sống bên kia sông nhưng vì địa hình trấp trũng, thường xuyên hứng chịu lũ lụt nên chính quyền địa phương đã cho di dời. Vì quen với sông nước và sống bằng nghề nuôi cá lồng, chài lưới nên bà con chọn ở vị trí hiện tại để an cư.
Tránh được lũ lớn nhưng người dân Kinh Trừng lại đối mặt với sạt lở. Mỗi năm mỗi ít, dần dần mép sông lấn vào tận vườn nhà. Mấy năm gần đây, tình trạng sạt lở ngày một nặng hơn và người dân cũng đã tìm cách chống chọi như làm kè, đổ đất đá nhưng không xuể. Ông Mai Tân cho hay khi mới đến ở, nhà ông cách bờ sông khoảng 30 m nhưng giờ đã kề cận mép sông. Một điều đáng lo nữa là thôn quá chật chội nên giờ những gia đình bị ảnh hưởng chưa biết phải chuyển đi đâu, nếu có di dời cũng phải mất một khoản tiền quá lớn để làm lại nhà, trong khi đa số các hộ đều có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. “Nhà cửa trong thôn cứ san sát nhau, con cái thì nhiều, quỹ đất còn quá ít, lở thêm nữa sẽ không biết đi đâu”, Trưởng thôn Đức Phú 1 Phạm Ngọc Thuận lo lắng.
Được biết, không chỉ tại thôn Đức Phú 1 mà thôn Đức Phú 2 cũng có nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Đáng nói, người dân cho hay từng có dự án xây kè ở khu vực này nhưng không biết sao dừng lại giữa chừng (?!).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.