Ba bốn mươi năm trước, trong cảnh nghèo thời kỳ bao cấp, các ông bố bà mẹ từng hy vọng đời con mình sẽ tốt đẹp hơn. Và hôm nay, tôi- đại diện cho thế hệ được kỳ vọng đó – lại tiếp tục hy vọng ở con mình…
Khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn luôn được các thế hệ đặt kỳ vọng vào con em mình - Ảnh minh họa: Ngọc Thắng |
Tôi không nhớ khi nào tôi nhận thức được mình được sinh ra trong một đất nước nghèo. Tôi chỉ nhớ vào những năm mà chuyện cơm gạo còn là nỗi lo thường trực của nhiều gia đình, khi mà bố mẹ tôi vẫn phải cắn đắn nhau vì chuyện kiếm tiền nuôi con, bố tôi vẫn thở dài, vẫn xót xa về một Việt Nam nghèo kém và nói với tôi rằng: “Các con ráng học, đời bố coi như bỏ đi chỉ hy vọng đời các con khá hơn”. Tôi không nhớ chính xác từng lời ông nói, cũng không biết ông có nói với các anh em khác của tôi hay không.
Đất nước bắt đầu giai đoạn đổi mới, các khái niệm “cải cách”, “Việt Nam mở cửa”, “nền kinh tế thị trường”, “dân giàu-nước mạnh” tôi được nghe nhiều hơn trên báo đài. Tôi, một đứa trẻ hay đọc báo, háo hức với các dự đoán lạc quan cho tương lai Việt Nam. Các tin tức dạng chuyên gia nước ngoài A, hay báo nước ngoài B nói “Việt Nam là một quốc gia tiềm năng”, “Việt Nam có thể hóa rồng”, “Việt Nam có thể phát triển thần kỳ sánh vai các cường quốc” được tôi đọc với niềm phấn khích lớn lao. Cứ có thông tin nào tốt đẹp về Việt Nam là tôi đọc ngấu nghiến, nhất là các tờ báo xuân khổ to mà tôi phải trải ra bàn hoặc dưới đất để mà đọc. Tin tức học sinh Việt Nam giành huy chương vàng các cuộc thi quốc tế toán, lý, hóa làm tôi hãnh diện và khiến tôi tin rằng trong tương lai gần Việt Nam sẽ có những nhà khoa học hàng đầu thế giới
|
Tôi cũng nhận ra dân giàu nhưng không đủ làm nước giàu và mạnh. Việt Nam có rất nhiều người nhận được danh xưng đại gia, là tỉ phủ với những siêu xe với số tiền lên hàng vài chục tỉ, với những bộ váy áo tiền tỉ, với những bữa tiệc xa hoa. Việt Nam với những hàng người phải xếp hàng để mua vàng khi vàng lên cơn sốt nhưng Việt Nam vẫn nghèo, vẫn được xếp vào hàng nước nhỏ.
Một lần tôi được học bổng một khóa học nâng cao chuyên môn ở Hàn Quốc. Ở đó tôi gặp một người bạn Trung Quốc, trong lúc trò chuyện tôi được biết cậu ta đi học phải tự chi trả các khoản chi phí. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao, cậu ta trả lời vì Hàn Quốc xếp Trung Quốc là một nước đã phát triển nên bên Hàn Quốc không chu cấp các khoản này. Có lẽ tôi đã quên và không biết rằng Trung Quốc đã được xếp hạng quốc gia phát triển từ khi nào. Tôi chỉ còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, Trung Quốc cũng như Việt Nam, cùng xuất phát điểm, cùng hệ tư tưởng, nghèo khó và kém phát triển mà bây giờ đây họ đã thành gã hàng xóm khổng lồ. Tôi nhìn cậu bạn với ánh mắt ghen tỵ, giống như lúc nhỏ tôi nhìn sang nhà hàng xóm sát bên thấy bạn mình chơi con búp bê biết khóc, biết chớp mắt mà thèm thuồng còn mình thì chơi con búp bê nhựa mỏng te xấu xí. Tôi đem câu chuyện kể với một người bạn Indonesia và nói rằng: “Tôi ao ước nước tôi là nước phát triển và nếu phải tự trả tiền học phí tôi cũng rất vui”. Cô bạn Indonesia thì thực tế hơn: “Tôi muốn nước tôi là nước phát triển nhưng vẫn thích có được học bổng mà không phải bỏ tiền túi”.
Trong một bữa cơm trưa thân mật với các vị giáo sư Hàn hiếu khách, tôi nói: “Tôi rất ấn tượng với hệ thống tàu điện ngầm ở Seoul, tôi có thể đi khắp Seoul bằng tàu điện ngầm, tôi không biết khi nào Việt Nam mới phát triển được như vậy”. Một vị giáo sư nói: “Đừng lo, Việt Nam rất có tiềm năng. 20-30 năm trước Hàn Quốc cũng như Việt Nam bây giờ”. Tôi ngạc nhiên và tự lặp lại trong lòng: “20-30 năm trước Hàn Quốc như Việt Nam bây giờ”. Một đất nước cũng tan hoang sau chiến tranh như Việt Nam và đến nay đất nước họ vẫn chưa thống nhất mà bây giờ họ đã là một quốc gia hùng mạnh và phát triển. Tôi đã nghe thấy một từ quen thuộc: “tiềm năng”. Ông đâu biết rằng tôi đã nghe từ này rất nhiều trong 20-30 năm nay rồi và tôi không còn muốn nghe đến nó nữa.
|
Tôi vẫn dạy con tôi Việt Nam mình còn nghèo và lạc hậu hơn các nước khác. Một lần, trong một câu chuyện mà tôi không nhớ rõ bắt đầu thế nào giữa hai mẹ con, tôi chỉ nhớ tôi nói đại loại là nước ngoài người ta có thể phát minh và sản xuất được nhiều thứ còn Việt Nam mình chủ yếu là nhập linh kiện về lắp ráp hàng thôi. Con trai tôi, đang học lớp 5, hỏi lại: “Có phải nước ngoài sản xuất được máy bay còn Việt Nam thì chỉ lắp ráp được máy bay thôi phải không mẹ?” Tôi buồn cười quá, trả lời: “À không, máy bay thì cao cấp quá rồi con, mình chỉ lắp ráp được xe máy và xe hơi thôi”.
Giờ đây, tôi giao lại trao trách nhiệm đó cho con tôi như thế nào? “Con phải học giỏi để sau này xây dựng đất nước”? Hay tôi phải làm thế nào để khi con tôi lớn lên sẽ được sống trong một nước Việt Nam văn minh, giàu có và phát triển? Tôi và những người cùng thế hệ của tôi đang ở độ chín của chuyên môn và chắc là số người được nắm giữ một chức vụ nào đó trong cơ quan không phải là ít. Nếu bây giờ không làm gì đó thì 5-10 năm nữa, chắc là tôi hay họ sẽ bị tuổi già đè bẹp. Có phải tôi mơ mộng hay tôi chưa trải đời như một vài người quen của tôi nói với tôi khi tôi thổ lộ những mong ước của mình? Họ nói tôi cứ sống thêm và trải đời thêm đi sẽ hiểu đời và thôi không còn mơ mộng nữa. Nếu thêm mươi năm nữa, chắc tôi sẽ đúng như họ nói vì tuổi già đã đến và vì tôi hiểu là chắc chắn mình sẽ không làm được gì nữa.
Có người nói, tôi cứ làm tốt công việc của mình hằng ngày đi. Vâng, tôi vẫn làm tốt công việc hằng ngày của mình từ lúc tôi bắt đầu đi làm đến giờ. Con tôi sẽ không phải xấu hổ với mẹ nó về chuyện này, nhưng nhiêu đó đã đủ cho con tôi được sống trong một quốc gia văn minh, giàu có và phát triển?.
“Đời mẹ chắc chắn không thể bỏ đi”, nhưng mẹ có thể làm gì?
Bình luận (0)