Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương

04/03/2013 03:10 GMT+7

Đặt vấn đề Quy định về chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng mà Hiến pháp hiện đại ở nhiều quốc gia trên thế giới có quy định. Việc quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cũng là thông lệ trong các bản Hiến pháp ở nước ta từ Hiến pháp 1946 đến nay.

Đặt vấn đề

Quy định về chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng mà Hiến pháp hiện đại ở nhiều quốc gia trên thế giới có quy định. Việc quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cũng là thông lệ trong các bản Hiến pháp ở nước ta từ Hiến pháp 1946 đến nay.

Trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp này, theo bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đang được công bố để lấy ý kiến nhân dân, trong số 124 điều của bản dự thảo, có 5 điều (từ điều 115 đến điều 119) quy định về chính quyền địa phương (các điều này được đặt trong chương có tên khá hợp lý là “Chính quyền địa phương”).

Đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương
 Một phiên chất vấn về vấn đề dân sinh tại HĐND TP.HCM - Ảnh: D.Đ.M

Có thể nói, việc sửa đổi các quy định về chính quyền địa phương có thể có tác động rất đáng kể tới thực tiễn tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương hiện nay cũng như của đời sống của hơn 22 triệu hộ gia đình Việt Nam đang sinh sống tại khoảng 116.000 thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố, tại 11.118 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 9.034 xã, 1.447 phường và 637 thị trấn) của 698 đơn vị cấp huyện (trong đó có 47 quận, 548 huyện, 46 thị xã, 57 thành phố thuộc tỉnh) thuộc 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh1 (58 tỉnh, 5 thành phố trực thuộc Trung ương2). Việc sửa đổi, bổ sung tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cũng liên quan trực tiếp tới công việc và cuộc sống của hàng trăm ngàn công chức đang làm việc tại chính quyền địa phương, cùng với khoảng trên 300.000 đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp (trong đó, khoảng gần 4.000 đại biểu HĐND cấp tỉnh, trên 20.000 đại biểu HĐND cấp huyện và gần 300.000 đại biểu HĐND cấp xã).

Do là việc hệ trọng như vậy nên việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành trong Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương cần được tính toán kỹ, dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn xác đáng. Công việc đó phải xuất phát từ yêu cầu tăng cường năng lực quản trị quốc gia, yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế, cùng với sự gia tăng của nhu cầu dân chủ hóa. Công việc đó cũng phải đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà kéo theo đó là sự không thể đảo ngược của quá trình đô thị hóa ở nước ta.

Việc đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay phải mở đường cho việc thực hiện những chủ trương cải cách, đổi mới mô hình chính quyền địa phương mà nhiều lần các văn kiện của Đảng đã khẳng định 3.   

Đề xuất hoàn thiện các quy định trong dự thảo

Trên cơ sở các phân tích kể trên, chúng tôi đề xuất, các quy định về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có thể được hoàn thiện cụ thể như sau:

- Điều 115:

 1. Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:

 Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Các đơn vị hành chính lãnh thổ trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do luật định.

 2. Tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có HĐND.

3. Việc tổ chức hoặc không tổ chức HĐND tại các đơn vị hành chính lãnh thổ trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do luật định, phù hợp với sự phân cấp quản lý và đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ.

- Điều 116:

1. HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Căn cứ vào Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, HĐND quyết định các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước tại địa phương.

2. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định, phù hợp với sự phân cấp và đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ.

Cơ quan hành chính nhà nước ở các đơn vị hành chính lãnh thổ chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước HĐND có thẩm quyền và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

- Điều 117:

Đại biểu HĐND là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở địa phương; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của HĐND, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đại biểu HĐND có nhiệm vụ vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND, động viên nhân dân tham gia quản lý nhà nước.

- Điều 118 và 119: Không cần quy định các nội dung này trong Hiến pháp để đảm bảo tính ngắn gọn, khái quát, tính ổn định lâu dài của Hiến pháp.

TS Nguyễn Văn Cương
(Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp)

1 Số liệu do Bộ Nội vụ cung cấp, tính đến ngày 30.6.2012.
2 Là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Cần Thơ.
3 Chẳng hạn, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 của Đảng ta khẳng định chủ trương “xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả... Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp”.

>> Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần quan tâm đến giáo dục và y tế
>> Dự thảo Hiến pháp sửa đổi “thiếu vắng” nội dung về thanh niên
>> Đoàn viên thanh niên góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Quyền công dân, vai trò của người trẻ
>> Kiến nghị nghiên cứu Tòa án Hiến pháp
>> Liên hiệp Phụ nữ thảo luận dự thảo sửa đổi hiến pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.