Chiều 23.12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp với đại diện một số bộ, địa phương để lấy ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo đề án “Thí điểm đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”.
Ông Dũng cho hay Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan xây dựng đề án theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp để trình Thủ tướng trong quý 1/2021.
Theo đó, một số đổi mới của đề án như số hóa, giá trị pháp lý của tài liệu, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính; khai thác, chia sẻ hồ sơ, tài liệu thực hiện thủ tục của tổ chức, cá nhân đã được số hóa; giảm thời gian chờ đợi nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức...
Ông Dũng cho biết, theo tính toán sơ bộ thì tổng số tiền có thể tiết kiệm được khi thực hiện các phương án đổi mới vào khoảng trên 8.800 tỉ đồng/năm. Việc tiết kiệm này được tính toán dựa trên 4 điểm. Cụ thể là việc giảm số lượng bộ phận “một cửa” tiết kiệm được khoảng 2,076 tỉ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tái sử dụng giấy tờ, tài liệu khoảng trên 2.518 tỉ đồng/năm; tiết kiệm chi phí do tăng tỷ lệ phần trăm thực hiện thủ tục theo phương thức điện tử là trên 4.298 tỉ đồng trong năm 2021 (năm sau tiếp tục tăng do yêu cầu về tỷ lệ thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức điện tử tăng). Cùng với đó, việc tiết kiệm chi phí do giảm thời gian chờ đợi là trên 2.020 tỉ đồng cho năm 2021 (năm sau tiếp tục tăng do yêu cầu về thời gian chờ tiếp tục giảm).
Bình luận (0)