Hội nghị đã thống nhất kết luận mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII bế mạc sau 7 ngày làm việc |
NHẬT BẮC |
Về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong việc quy hoạch lần này cần tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Đổi mới tư duy nhận thức công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Tổng bí thư cho hay tại hội nghị, T.Ư đã quyết định ban hành nghị quyết chuyên đề đầu tiên về vấn đề đặc biệt quan trọng này. T.Ư nhất trí cao cho rằng cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH - HĐH ở nước ta.
Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Theo đó, cần nhận thức tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước là một yêu cầu tất yếu, khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển KT-XH đất nước; là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị; lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội.
Tổng bí thư nhấn mạnh cần khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình CNH - HĐH; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ “dân số vàng”; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu, thúc đẩy chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế và sản xuất tại VN.
Trong đó, CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chú trọng “dịch vụ hóa” các ngành công nghiệp. Đồng thời, coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình CNH - HĐH.
Tổng bí thư cũng lưu ý thực hiện CNH - HĐH phải trên cơ sở nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm…
Ban hành nghị quyết về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN
Về vấn đề tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN, Tổng bí thư cho hay T.Ư nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN trong giai đoạn mới.
Theo đó, mục tiêu tổng quát là: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản VN lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ có hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, phân cấp, phân quyền và kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045”.
Theo Tổng bí thư, để đạt mục tiêu nói trên, T.Ư yêu cầu trong quá trình thực hiện nghị quyết phải nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa thực hành dân chủ XHCN và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Cạnh đó, thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và sự giám sát của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng đó là đảm bảo yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.
Tổng bí thư nhấn mạnh, trước mắt cần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác lập pháp; cải cách nền hành chính nhà nước; đổi mới tổ chức và hoạt động của tòa án và các cơ quan tư pháp; phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước...
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Tổng bí thư cho hay T.Ư thống nhất cao cho rằng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do vậy, trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 khóa X, hội nghị lần này đã nhất trí cao ban hành nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Trong đó, T.Ư đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH) phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức CT-XH.
Theo Tổng bí thư, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên gắn với thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ và các chủ trương, đường lối của Đảng, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo, bảo đảm thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Tổng bí thư chỉ rõ để tiếp tục đổi mới thành công phương thức lãnh đạo của Đảng, phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao; đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức CT-XH.
Giới thiệu nhân sự mới làm Bộ trưởng GTVT
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, liên quan công tác nhân sự, tại hội nghị, Bộ Chính trị đã có tờ trình xin ý kiến T.Ư đối với 3 nhân sự Tổng kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng GTVT, trước khi quyết định giới thiệu để Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 4 sắp tới.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên T.Ư đã tiến hành xem xét, quyết định để cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý thôi tham gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII đối với các Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thành Phong, Huỳnh Tấn Việt, Bùi Nhật Quang. T.Ư cũng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng với ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương, do hàng loạt vi phạm nghiêm trọng.
Bình luận (0)