H.Cù Lao Dung (Sóc Trăng) hiện có 2.700 ha mía đang vào vụ thu hoạch, tập trung nhiều nhất ở xã Đại Ân 1. Những ngày gần cuối tháng 3, bất chấp nắng nóng rát da thịt, người lao động vẫn cần mẫn mưu sinh. Công việc của họ là chặt mía, vác mía... tuy vất vả nhưng bù lại có thu nhập khá.
Cực khổ lắm, nhưng làm riết quen
Bà Trần Thị Liễu (50 tuổi), người có hơn 20 năm làm nghề chặt mía ở xã Đại Ân 1, cho biết nhà không có ruộng đất sản xuất nên nghề chặt mía là kế mưu sinh duy nhất đối với bà. Cực khổ, vất vả nhiều nhưng nhờ đó bà có tiền lo cho gia đình. Vào mùa thu hoạch mía, mỗi ngày, bà chặt thuê được 1 - 2 tấn mía, thu nhập khoảng 300.000 đồng. "Từ 1 giờ sáng, tôi đã ra đồng chặt mía, vì lúc ấy trời mát mẻ. Trưa đến thì nắng gắt, vừa mệt vừa khát. Cực khổ lắm nhưng làm hàng chục năm rồi nên tôi đã quen với những nhọc nhằn này", bà Liễu chia sẻ.
Chị Trần Thị Mỹ Linh (39 tuổi, ngụ cùng địa phương) cũng có gần 10 năm làm nghề chặt mía. Theo chị Linh, công việc chặt mía đa phần phụ nữ đảm nhận, còn cánh đàn ông thì bốc vác mía từ ruộng lên ghe. Nghề này phải trầm mình dưới nắng cả ngày, những người mới làm chưa quen chịu nắng, có khi choáng váng.
"Khi chặt mía phải đeo găng tay bảo hộ, nếu không thì hai tay phồng rộp lên, dần dần chai sạn. Chỉ cần một chút sơ suất là dễ bị bị đứt chân, đứt tay. Tuy nhiên, nhờ nghề này mà bà con nghèo nơi đây kiếm được thu nhập để lo cho con cái ăn học, không phải ly hương kiếm kế mưu sinh", chị Linh chia sẻ.
Vui vì kiếm được tiền lo cho gia đình
Công việc bốc vác mía lên ghe do đường xa, nặng nhọc, cần nhiều sức lực hơn nên chủ yếu cánh đàn ông phụ trách. Tuy không làm việc liên tục như chặt mía, nhưng khi ghe đến phải bốc vác cật lực để kịp chuyến.
Ngoài tiêu chí sức khỏe thì người lao động còn phải chịu đựng được tình trạng lá mía cứa vào da cổ, lông mía rụng vào người ngứa ngáy, thậm chí có lúc bị kiến cắn. Dưới cái nắng chang chang, người bốc vác mía áo thấm đẫm mồ hôi, nhưng họ đều rất vui vì kiếm được tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Dãi nắng dầm sương đã quá nhiều nên anh Trần Anh Nhân (40 tuổi) trông già dặn hơn số tuổi của mình. Anh cho biết, thường thì tiền công chặt mía từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn, còn vác mía 250.000 - 350.000 đồng/tấn, riêng những đồng xa thì giá cao hơn. Với người chịu khó, làm giỏi, mỗi ngày vác mía có thể kiếm được 500.000 - 600.000 đồng. Nếu tính cả vụ kéo dài 2 tháng cũng có kiếm được thu nhập khá.
Theo anh Nhân, trung bình 1 bó mía nặng 50 - 60 kg, nếu không có sức khỏe tốt thì không vác nổi. Đi trên cánh đồng mía đã thu hoạch phải cẩn thận, nếu không chân giẫm phải gốc mía sẽ đứt chân. Nhiều người mưu sinh bằng nghề này từng bị đứt chân sâu hoắn, máu chảy đầm đìa, thậm chí phải đi khâu lại và phải nghỉ nhiều ngày để vết thương lành mới có thể quay trở lại làm.
Bình luận (0)