Mưa buồn hiu hắt
Chiều cuối tuần, tôi tấp xe máy vào lề đường Lê Văn Lương (Q.7, TP.HCM). Chủ xe hủ tiếu gõ mời khách ngồi trên chiếc ghế nhỏ đặt cạnh bàn nhựa đã bạc màu theo năm tháng. Người đàn ông tên Nguyễn Văn Chức đã qua tuổi ngũ tuần, quê ở xã Phổ Cường (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) với dáng vẻ đượm chất phong sương. Anh đã có nhiều năm mưu sinh bên xe hủ tiếu gõ ở TP.HCM.
Mưa vẫn rơi đều. Các loại thực phẩm: hủ tiếu sợi, mì sợi, thịt heo luộc, chân giò, giá đỗ... đầy tú hụ trên xe hủ tiếu gõ trị giá hơn 1 triệu đồng có nguy cơ ế ẩm. Anh Chức kể chuyện đời mình, giọng rì rầm lẫn trong tiếng mưa rơi.
Khi còn ở quê, anh hành nghề thợ hồ với tiền công mỗi ngày gần 300.000 đồng. Nhưng công việc khá ít, "chơi nhiều hơn làm" nên khoản thu nhập chẳng đáng là bao.
Qua tuổi tứ tuần, anh sánh duyên với cô thôn nữ cùng làng. Vợ chồng chăm chỉ canh tác vài sào ruộng bạc màu với mưa nắng thất thường nên chỉ đủ ăn. Cuộc sống gia đình thêm khốn khó khi hai con lần lượt chào đời. Câu hỏi "tiền đâu lo cho con ăn học nên người" luôn quẩn quanh trong tâm trí vợ chồng anh. Thế là anh bàn bạc với vợ mượn vốn của người thân vào TP.HCM mua xe hủ tiếu gõ để mưu sinh…
Tết xa nhà của những người lớn tuổi mưu sinh thành phố
Chừng 3 giờ sáng, anh chạy xe máy cà tàng đến chợ đầu mối Bình Điền mua xương, thịt cùng các loại thực phẩm rồi mang về phòng trọ chế biến và đẩy xe hủ tiếu ra điểm bán cách nơi ở tầm cây số. Khoảng 10 giờ, anh đẩy xe về phòng trọ rồi lúi húi nấu nướng và ăn vội bữa trưa.
Sau giấc nghỉ ngơi ngắn ngủi, anh lại chế biến thực phẩm rồi đẩy xe ra điểm bán buổi chiều. Mãi đến 11 giờ đêm, anh Chức trở về phòng trọ khi cơ thể rã rời. Cả ngày lẫn đêm cặm cụi bên xe hủ tiếu gõ giúp anh kiếm được trên dưới 500.000 đồng, khoản tiền khá lớn đối với người dân quê. "Gặp phải ngày mưa như thế này, không có khách đến ăn, lỗ vốn hơn cả triệu đồng", anh Chức tâm sự.
Mưa vẫn rơi. Anh Chức vẫn rì rầm chuyện trò về nỗi buồn xa xứ. Trong đôi mắt anh hiện lên hình ảnh người vợ tần tảo quanh năm chăm bón ruộng vườn, bận bịu với đàn heo dăm bảy con, đàn gà vài ba chục cùng hai con nhỏ dại… Đêm về, những cuộc điện thoại qua Zalo, Messenger giúp chị chia sẻ nhọc nhằn và nguôi ngoai nỗi nhớ thương. Anh nhớ lại nụ cười tươi của các con khi mặc quần áo mới vào dịp tết. Rồi nỗi lo "giờ này ngoài quê có mưa không? con đi học về có ướt không?" khiến lòng dạ chẳng yên.
"Nhớ con lắm nhưng chẳng thể về được vì phải lo bán để kiếm tiền. Vợ chồng ở quê làm vài sào ruộng và đi làm thợ hồ cũng đủ sống nhưng không có tiền lo cho các con. Vậy nên mình đành phải tha hương và mỗi năm chỉ sum họp gia đình vào dịp tết", anh Chức tâm sự.
Nhắc chuyện mưa Sài Gòn, anh Nguyễn Văn Thái (quê ở thôn Mỹ Trang, xã Phổ Cường) cũng lắc đầu ngao ngán, bởi với anh nó không thi vị như thơ văn thường miêu tả. Những cơn mưa lớn khiến nước ngập nửa thùng xe hủ tiếu nên anh phải "chạy lũ" giữa thị thành. Căn phòng trọ cùng điểm bán bên đường Song Hành (xã Trung Chánh, H.Hóc Môn, TP.HCM) với giá thuê mỗi tháng 8 triệu đồng lênh láng nước. Những bữa như thế, vợ anh bồng con nhỏ nhìn chồng tất bật dọn dẹp, kê đồ đạc lên cao để khỏi bị ngập nước. Lượng hàng hóa gần 2 triệu đồng ế ẩm, vợ chồng nhìn nhau nén tiếng thở dài.
Dưới ánh đèn khuya
Đêm về. Đường Hoàng Sa nằm bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lung linh dưới ánh đèn vàng. Xe cộ ngược xuôi nườm nượp. Phố xá sôi động với tiếng còi xe hòa cùng âm thanh phát ra từ những chiếc loa công suất lớn.
Trên vỉa hè, hai anh em Bùi Nhật Thuật và Bùi Nhật Thọ (quê ở thôn Thanh Sơn, xã Phổ Cường) luôn tay nấu hủ tiếu cho thực khách. Anh Thuật nhanh tay trụng sợi hủ tiếu vào giá đỗ trước khi cho vào tô. Sau đó, anh cho ít mỡ nước lên trên rồi dùng đũa trộn đều để tránh bị kết dính. Tiếp đến, cho xương heo cùng thịt xắt mỏng, vài lát ớt chín đỏ, rau hẹ và hành phi, rắc ít tiêu xay nhuyễn rồi múc nước lèo nóng hôi hổi cho vào tô.
Anh Thọ bưng hủ tiếu đến bàn cho thực khách đang đợi với nụ cười thân thiện. Thực khách có thể vắt tí nước cốt chanh, thêm tương ớt và xì dầu vào tô cho đậm đà hương vị.
Theo anh Bùi Nhật Thuật, hủ tiếu là món ăn bình dân nên giá cả phù hợp với túi tiền của người lao động chân tay. Do vậy, khoản tiền lãi mỗi tô hủ tiếu cũng ít hơn so với những món ăn khác. Chủ yếu là lấy công làm lời.
"Nấu hủ tiếu khá kỳ công và phải cẩn thận, sạch sẽ thì mới có được tô hủ tiếu thơm ngon. Nấu nướng cho khách ăn như nấu cho người thân trong nhà. Vậy nên tôi có những khách quen thường đến đây ăn lắm", anh Thuật tâm sự.
Anh Thuật từng là người lính trên vùng đất Tây nguyên đầy nắng gió. Trở về quê hương, anh làm nhiều việc, kể cả rà sắt phế liệu để mưu sinh. Rồi anh kết hôn với cô thôn nữ cùng quê, chăm chỉ vun trồng trên ruộng đồng và gò đồi nhưng khoản thu nhập chẳng đáng là bao. Thế là anh cùng mẹ, vợ và em trai rời làng vào Long An và TP.HCM bán hủ tiếu mưu sinh. Vợ anh cùng mẹ bán tại H.Bến Lức (Long An) để tiện việc đưa đón con nhỏ đến trường.
Sáng sớm, anh chở vợ ra chợ mua giò heo, xương, thịt... rồi mang về phòng trọ chế biến. Tầm 2 giờ chiều, anh cùng em trai chở thùng nước lèo cùng thịt, xương bằng xe máy vượt hàng chục cây số đến phòng trọ ở TP.HCM. Sau đó, hai anh đẩy xe hủ tiếu gõ ra điểm bán tại con hẻm nhỏ trên đường Hoàng Sa.
Đôi vợ chồng 20 năm xa quê, bán hủ tiếu gõ hết lòng vì con
Và đến tối, họ đẩy xe ra lề đường bán cho đến tận khuya. Vì lượng khách đông nên hai anh em luôn bận rộn, không có thời giờ nghỉ ngơi. Những bữa bán hết hàng, hai anh em kiếm được trên dưới 1 triệu đồng, khoản tiền khá lớn so với thu nhập từ vài sào ruộng lúa ở quê nhà.
Khi kim đồng hồ chỉ sang ngày mới, thùng nước lèo cạn gần đến đáy, thực phẩm cũng hết sạch trơn, hai anh em vội thu dọn các thứ rồi đẩy xe về phòng trọ. Cất kỹ đồ đạc, hai người chở nhau trên chiếc xe máy trở về Bến Lức. "Bán hủ tiếu phải tiết kiệm từng đồng mới có dư nên cho con học ở dưới chứ ở TP.HCM tốn kém lắm", anh Thuật tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết khoảng mấy chục năm trước, nhiều thanh niên ở Phổ Cường rời quê vào TP.HCM mưu sinh. Họ làm thuê cho những người hành nghề bán hủ tiếu ở miền Nam rồi học được phương pháp chế biến, sau đó đóng xe bán riêng. Thế rồi, nghề bán hủ tiếu dần "thu hút" nhiều người rời quê mưu sinh.
"Tuy phải tha hương, chịu cảnh xa gia đình nhưng nhiều người bán hủ tiếu làm ăn khá lắm. Họ xây được nhà cửa khang trang và cho con em ăn học thành tài", ông Nam nói.
Bình luận (0)