Đối ngoại phục vụ đối nội

27/09/2024 10:33 GMT+7

Việc chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mời các nhà ngoại giao của 15 quốc gia tới chứng kiến và quan sát cuộc bầu cử nghị viện bang Jammu và Kashmir vấp phải phản ứng rất khác nhau ở Ấn Độ.

Đồng tình pha trộn với phản đối. Đánh giá là cần thiết đi cùng với nhìn nhận là thừa thãi. Cho dù bên ngoài có nghĩ thế nào về việc này thì đấy vẫn là một độc chiêu của ông Modi và đảng BJP cầm quyền.

Đối ngoại phục vụ đối nội- Ảnh 1.

Lần đầu tiên kể từ 10 năm nay mới lại có bầu cử nghị viện ở Jammu và Kashmir

ẢNH: REUTERS

Lần đầu tiên kể từ 10 năm nay mới lại có bầu cử nghị viện ở Jammu và Kashmir, nơi đa số dân chúng theo đạo Hồi và dai dẳng chuyện tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ với hai nước láng giềng là Pakistan và Trung Quốc. Xung khắc tôn giáo và khủng bố ở đây đặc biệt nghiêm trọng đối với Ấn Độ. Jammu và Kashmir vốn được Ấn Độ áp dụng quy chế pháp lý bán tự trị. Năm 2019, ông Modi chuyển đổi hai vùng bán tự trị này sang thành bang giống như những bang khác ở Ấn Độ. Sự chuyển đổi này giúp ông Modi dễ dàng thực thi chính sách quản lý của chính quyền trung ương và bớt khó xử, rủi ro về đối ngoại. Cuộc bầu cử nghị viện đầu tiên ở Jammu và Kashmir sau khi chấm dứt quy chế bán tự trị cho hai nơi này sẽ củng cố thêm cơ sở pháp lý và sự đã rồi trên thực tế giúp chính phủ Ấn Độ dễ bề xử lý cả chuyện tranh chấp lẫn những chuyện chính trị an ninh khác như hoạt động khủng bố của những lực lượng và phần tử cực đoan, hay căng thẳng nội bộ như xung khắc giữa người theo đạo Hồi và người theo đạo Hindu.

Trong bối cảnh như thế, sự hiện diện của chính khách và các nhà ngoại giao nước ngoài chẳng khác gì sự hậu thuẫn của họ dành cho Ấn Độ trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ cũng như đáp trả những cáo buộc và đồn thổi về chính phủ Ấn Độ phân biệt đối xử người theo đạo Hồi ở hai nơi này. Như thế chẳng phải đối ngoại phục vụ đối nội hay sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.