Xin nghỉ việc để “giải thoát” cho nhà trường
Chị L.T.H là giáo viên mầm non ở TP.Vinh, Nghệ An. Năm 2014, chị H. vay tín chấp của một công ty tài chính thuộc một ngân hàng 15 triệu đồng để sửa nhà. Theo hợp đồng, khoản vay này sẽ trả trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, theo chị H., chỉ sau 12 tháng vay, chị đã trả xong toàn bộ khoản nợ này. Gọi điện đến tổng đài, chị H. cũng được xác nhận đã tất toán nợ. Thế nhưng, đến năm 2017, chị H. bỗng dưng nhận được điện thoại của những kẻ đòi nợ, thông báo chị vẫn còn nợ 6 triệu đồng.
Thấy quá vô lý, chị H. đề nghị những người này đến gặp chị để làm việc trực tiếp nhưng không được đáp ứng. Trong khi đó, điện thoại chị H. và người thân kể từ đó liên tục bị gọi đến đe dọa, “khủng bố”. “Chúng gọi điện nói tôi còn nợ 6 triệu đồng, rồi 10 triệu đồng. Chúng quấy phá tôi suốt 5 năm qua, gần đây nhất chúng thông báo khoản nợ đã lên 100 triệu đồng. Tôi đến chi nhánh ngân hàng thuộc công ty tài chính đó kiểm tra, thì họ cũng xác nhận khoản nợ của tôi đã được trả xong”, chị H. nói.
Một hiệu phó ở Nghệ An bị dùng ảnh đăng lên mạng xã hội để đòi nợ vay từ một người thân của giáo viên trong trường |
Chụp màn hình |
Không chỉ chị H., hàng chục người thân, đồng nghiệp của chị tại trường mầm non cũng bị “khủng bố” với hình thức tương tự. “Sau khi tôi chuyển công tác đến trường khác, chúng tiếp tục tấn công toàn bộ giáo viên trong trường này. Chúng gọi điện dọa giết cả nhà, dọa bắt cóc con tôi. Chúng lấy ảnh cá nhân tôi cắt ghép để nhục mạ trên mạng xã hội”, chị H. kể. Nhóm đòi nợ này còn “khủng bố” lãnh đạo ngành giáo dục địa phương, vu khống chị H. nợ tiền không trả, rồi vu khống chị H. đánh đập học sinh, dù thời điểm đó trường đang phải nghỉ dạy do dịch Covid-19.
Bà Lê Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường mầm non Quang Trung 1 (TP.Vinh), cho biết bà mới chuyển công tác về trường này từ đầu năm 2022, nhưng sau khi vừa về cũng liên tục bị người lạ gọi điện thoại “khủng bố” vì cho rằng bao che cho cô H. vay tiền không trả. Nhóm đòi nợ còn lấy hình ảnh của con trai bà Phượng cắt ghép thành ảnh thờ, đăng lên mạng xã hội. Bị nhóm đòi nợ “khủng bố” kéo dài 5 năm trời, không còn có thể chịu đựng được, cách đây hơn 1 tháng, chị H. đã phải xin nghỉ dạy học, thay số điện thoại để lãnh đạo trường và đồng nghiệp không bị nhóm đòi nợ quấy phá.
Hà Tĩnh: Lãnh đạo phòng GĐ-ĐT, hiệu trưởng và giáo viên bị đòi nợ kiểu ‘khủng bố’ |
Tương tự, sau 13 năm theo nghề, một giáo viên mầm non khác tại TP.Vinh là chị L.T.G cũng đã phải xin nghỉ việc vì bị truy bức đòi nợ. Chị G. cho biết, chị có vay của một công ty tài chính 40 triệu đồng và đã trả được một nửa số nợ. Do gia đình gặp khó khăn nên chị G. đang nợ tiền, xin được trả sau nhưng không được chấp nhận.
Kể từ đó, chị G. liên tục bị gọi điện đe dọa giết, đòi bắt cóc con. Nhóm đòi nợ sau đó quay sang tấn công người thân, đồng nghiệp bằng nhiều cuộc điện thoại. Bị truy bức, khủng bố liên tục khiến chị G. nghĩ quẩn, định tìm đến cái chết, may được đồng nghiệp, bạn bè phát hiện động viên. Cách đây vài tháng, bị nhóm đòi nợ liên tục dùng nhiều thủ đoạn khủng bố, chị G. đã làm đơn xin nghỉ việc để “giải thoát” cho nhà trường.
Bà Lê Kim Liên, hiệu trưởng nhà trường nơi chị G. dạy, cho biết bà và toàn bộ giáo viên trong trường đã bị nhóm đòi nợ đe dọa, uy hiếp bằng rất nhiều cuộc gọi suốt hơn 1 năm qua. Thậm chí, bố mẹ của một giáo viên trong trường đang sống ở quê không hề liên quan đến vay nợ cũng bị chúng gọi điện đe dọa. Bà Liên và người mẹ ruột còn bị những kẻ đòi nợ dùng ảnh để xúc phạm, đe dọa và vu khống trên mạng xã hội. Vụ việc đã được nhà trường trình báo công an, nhưng vẫn cứ tiếp diễn. Mới đây, sau khi cô G. xin nghỉ dạy, nhóm đòi nợ mới dừng “khủng bố” ban giám hiệu và các giáo viên của trường.
Chị G. bị đăng lên mạng xã hội kèm thông tin vu khống, bêu riếu để đòi nợ vô cớ |
Chuyển vụ việc cho công an điều tra
Ngày 23.5, Sở GD-ĐT Nghệ An phát văn bản gửi các phòng giáo dục, đơn vị trực thuộc yêu cầu lập danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang bị “khủng bố” để đòi nợ trong thời gian từ ngày 1.1 - 22.5 về Sở để tổng hợp, báo cáo cơ quan công an điều tra, xử lý.
Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết, thời gian gần đây, hoạt động của một số nhóm tổ chức tín dụng cho vay tiền không rõ nguồn gốc được đăng tải trên các app, thông qua tin nhắn các ứng dụng online, mạng xã hội, tờ rơi... với lời quảng cáo thủ tục đơn giản, nhanh gọn đã lôi kéo được nhiều người tham gia, trong đó có một số cán bộ, giáo viên trong ngành.
Theo Sở GD-ĐT Nghệ An, các cá nhân khi đã vay tiền theo hình thức này phải chấp nhận lãi suất cao và hình thức tính lãi phức tạp, sau khi vay đã chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều người cho biết đã trả hết nợ nhưng bị cho rằng vẫn còn nợ, nên liên tục bị đòi bằng hình thức khủng bố, gây sức ép đối với những người thân, đồng nghiệp có liên quan, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và uy tín của nhiều người; trong đó nhiều người không hề vay mượn bất kể khoản tiền nào nhưng vẫn bị gọi điện, nhắn tin đe dọa.
Nghiêm trọng hơn, nhóm này còn sử dụng hình ảnh cá nhân phát tán lên mạng xã hội, gửi email, gọi điện cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý, các cá nhân liên quan để tố cáo và gây sức ép đòi nợ.
Sở GD-ĐT Nghệ An yêu cầu các cán bộ, giáo viên, nhân viên không vay mượn tiền của các nhóm cho vay qua các trang mạng xã hội, các số điện thoại, tờ rơi, hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc hay qua các đối tượng trung gian. Trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên đã vay mượn tiền của các tổ chức, cá nhân (qua mạng hay các tổ chức tín dụng khác) đã trả nợ hoặc chưa trả đủ, bị đe dọa, “khủng bố”, cần báo cáo với lãnh đạo đơn vị để tìm giải pháp xử lý; nếu bị các nhóm người cho vay dùng ảnh cá nhân để ghép, đưa chứng minh thư, căn cước công dân đăng lên mạng xã hội để bôi nhọ, vu khống phải thông báo cho bạn bè, người thân, đồng thời báo cáo lãnh đạo đơn vị để trình báo với cơ quan công an.
Triệt phá đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia
Ngày 25.5, đại diện Công an TP.Hà Nội cho biết, cơ quan này vừa phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và các đơn vị nghiệp vụ liên quan triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua app và đòi nợ thuê có quy mô xuyên quốc gia, với gần 300 nghi phạm liên quan, trong đó có một số nghi phạm là người nước ngoài.
Bước đầu, Công an TP.Hà Nội xác định người điều hành chính đường dây là Nguyễn Quang Vũ (35 tuổi, trú P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên, Hà Nội), còn người phụ trách hệ thống, đốc thúc đòi nợ là Zhang Min (36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc). Bước đầu, Vũ khai nhận cầm đầu đường dây là một người Trung Quốc, tuy nhiên Vũ không biết mặt và được ủy quyền, chịu trách nhiệm ký các giấy tờ liên quan đến ngân hàng, hợp đồng với khách… và được trả công lên tới gần 50 triệu đồng/tháng.
Đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app do nhóm này vận hành là khoảng gần 1 triệu người, số tiền giải ngân mỗi tháng lên đến khoảng 100 tỉ đồng.
Theo Công an Hà Nội, trong đường dây này, người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và dùng danh bạ điện thoại của mình để thế chấp là có thể vay từ 2 - 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất kỳ giấy tờ vay nợ nào. Khi nhận tiền vay, người vay sẽ bị cắt lãi ngay lập tức. Nếu người vay không trả được gốc như cam kết sẽ bị nhân lên theo tháng, lãi mẹ đẻ lãi con có thể lên tới 1.500 - 2.190%/năm.
Đặc biệt, khi người vay không thanh toán tiền gốc đúng hạn, các đối tượng sẽ cho bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện nhắc nhở, đe dọa, khủng bố tinh thần từ “con nợ” đến người thân của họ và toàn bộ các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại mà “con nợ” thế chấp trước đó. Thậm chí, còn bị cắt ghép hình ảnh rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép “con nợ”, hoặc người nhà phải trả tiền. Ngoài ra, nhiều trường hợp đã trả cả gốc lẫn lãi nhưng vẫn bị chuyển thêm tiền vào tài khoản ép phải vay để trả lãi.
Trần Cường
(còn tiếp)
Bình luận (0)