Đòi nợ kiểu 'khủng bố' lộng hành: Không xử lý nghiêm sẽ gây nhiều bất ổn

27/05/2022 06:31 GMT+7

Những công ty tài chính hay doanh nghiệp có hành vi “khủng bố” đòi nợ khách hàng thì cần phải bị xử lý hành chính, phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động hoặc nặng hơn là rút giấy phép kinh doanh .

Trước tình trạng đòi nợ “khủng bố” lộng hành gây phẫn nộ xã hội mà Thanh Niên phản ánh, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có chế tài chặt chẽ, vào cuộc xử lý nghiêm các đối tượng này. Bởi nếu không xử lý thật nghiêm, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn và gây nhiều bất ổn cho xã hội.

Hà Tĩnh: Lãnh đạo phòng GĐ-ĐT, hiệu trưởng và giáo viên bị đòi nợ kiểu ‘khủng bố’

Đe dọa, khủng bố tinh thần là đủ cấu thành tội phạm

Rõ ràng việc những người cho vay gọi điện cho người thân, đồng nghiệp, thậm chí quản lý của những người vay nợ để tác động tới người vay phải trả tiền là không hiểu đúng pháp luật. Giao dịch vay tiền là giao dịch dân sự, hợp đồng thỏa thuận giữa 2 bên. Không có pháp luật nào quy định người thân, đồng nghiệp hay thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người vay tiền phải tham gia hay có trách nhiệm trong quan hệ này. Do đó, họ không liên quan hay có trách nhiệm dù chỉ là nhắc nhở người vay tiền về trách nhiệm trả nợ. Vì vậy, hành vi này là quấy nhiễu, quấy rối những người không liên quan.

Nếu như hành vi quấy rối này chuyển hóa thành việc đe dọa, khủng bố tinh thần bằng lời nói hay đe dọa sức khỏe, tính mạng của người khác, thì đó không phải là hành vi quấy rối nữa mà là hành vi cấu thành tội phạm. Tôi cho rằng các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý được.

Ngoài ra, tôi cho rằng Bộ TT-TT, Bộ VH-TT-DL cũng cần phải có những quy định chặt chẽ hơn về bảo vệ thông tin cá nhân hay quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Hạn chế tối đa việc những người cho vay nợ sử dụng thông tin cá nhân của những người vay nợ cũng như người thân, đồng nghiệp để đăng tải lên mạng xã hội nhằm khủng bố, đe dọa và ép buộc phải trả nợ.

GIA HÂN

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội

Chính quyền địa phương, công an phải vào cuộc

Hợp đồng vay nợ giữa 2 người là hợp đồng dân sự, nên nếu như xung đột lợi ích thì cách tốt nhất là đưa ra tòa để giải quyết. Tuy nhiên, hiện nay các chủ nợ gần như không sử dụng đến tòa mà bằng các biện pháp khủng bố tinh thần người vay nợ, thậm chí là những người không liên quan.

GIA HÂN

Có những người không liên quan mà vẫn bị gọi điện khủng bố, hăm dọa... Tôi cho đây là hành vi vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín người khác cần phải có biện pháp xử lý. Những người bị khủng bố có thể báo cho công an triệu tập đối tượng đó lên làm việc để răn đe phòng ngừa, còn nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì phải khởi tố, điều tra, xét xử. Những việc này chính quyền địa phương, công an phải vào cuộc để xử lý, bởi nếu không xử lý nghiêm thì chắc chắn tình trạng này sẽ còn lộng hành.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng các quy định giao dịch dân sự về tài chính như vay và cho vay tiền qua các ứng dụng online cũng cần được quy định rõ ràng. Tránh việc các ứng dụng cho phép các chủ nợ lấy thông tin liên hệ rồi liên hệ để khủng bố tinh thần những người quen, thân hay đồng nghiệp của người vay nợ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội

Sửng sốt với chiêu đòi nợ của đường dây cho vay qua app lãi 2.100%/năm

Chế tài phải chặt chẽ hơn

Thực chất, không ít công ty tài chính đã dùng đòn “khủng bố” đến khách hàng và người thân của người đi vay tiền nhằm tạo sức ép cho người vay. Đây là một trong những bức xúc lớn nhất của người tiêu dùng vì bị xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư cá nhân. Hành vi đó là phi nhân đạo, phi xã hội.

NGỌC THẮNG

Theo tôi, các cơ quan có trách nhiệm như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an cần phải đưa ra các giải pháp, những chế tài chặt chẽ hơn, thay vì chỉ hướng đến một đối tượng.

Những công ty tài chính hay doanh nghiệp có hành vi “khủng bố” đòi nợ khách hàng thì cần phải bị xử lý hành chính, phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động hoặc nặng hơn là rút giấy phép kinh doanh. Nếu tái phạm nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng đến khách hàng thì cần phải xem xét xử lý hình sự.

Đối với người dân cần phải hiểu rõ các nội dung thông tin cơ bản của hợp đồng vay như mức lãi suất, thời gian vay, quy định về trả nợ trước hạn, mức phạt trả chậm và chỉ ký hợp đồng sau khi nắm rõ các thông tin thể hiện trên hợp đồng.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính

Cần rà soát hoạt động cho vay của các công ty tài chính

Các công ty tài chính được phép cho vay và đòi nợ khi khách hàng không trả được, nhưng phải theo các quy định của pháp luật. Hành vi thuê người đòi theo kiểu “xã hội đen” như khủng bố, bêu riếu, cắt ghép hình ảnh, xúc phạm danh dự, nhân phẩm là vi phạm pháp luật.

GIA HÂN

Tình trạng này không phải mới đây mà trước đó đã xảy ra. Chúng ta đã có hành lang pháp lý và chế tài, vấn đề quan trọng nhất là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải vào cuộc xử lý thật nghiêm. Tất nhiên, người bị quấy rối nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa, nhắc nợ, đòi nợ và gửi kèm theo văn bản đến các cơ quan công an, Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, theo tôi, phía các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính… cũng cần phối hợp rà soát lại hoạt động cho vay của các công ty tài chính để chấn chỉnh lại hoạt động cho vay đúng với quy định của pháp luật.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.