Đòi nợ kiểu 'khủng bố' lộng hành: Nếu không xử làm gương thì sẽ nhờn luật

Phan Thương
Phan Thương
23/05/2022 07:07 GMT+7

Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm hành vi khủng bố tinh thần trái pháp luật để đòi nợ đối với những người không liên quan. Không thể biết sai vẫn làm, thách thức dư luận, xã hội, thách thức chính quyền.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), công ty tài chính có thể bị phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng theo khoản 3, điều 102, Nghị định 15/2022 của Chính phủ về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Một giáo viên ở H.Nam Đàn (Nghệ An) bị nhóm đòi nợ lấy ảnh cá nhân in cùng nội dung đòi nợ dán lên cột điện, chụp và đăng ảnh lên mạng xã hội

CHỤP LẠI MÀN HÌNH

“Cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm hành vi khủng bố tinh thần trái pháp luật để đòi nợ đối với những người không liên quan. Không thể biết sai vẫn làm, thách thức dư luận, xã hội, thách thức chính quyền”, luật sư Tú nhấn mạnh.

Một cô giáo vay tiền qua app, cả trường lẫn phụ huynh bị khủng bố

Hành vi vi phạm pháp luật nói trên, liệu có chế tài nào mạnh hơn hay không, theo luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM), dấu hiệu cơ bản của tội “khủng bố” theo điều 299, bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) chính là người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý, nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng.

Giấy xác nhận đã trả nợ của con nhân viên Trường THCS Lê Hồng Phong (H.U Minh, Cà Mau)

GIA BÁCH

Mặt khách quan là có hành vi đe dọa thực hiện việc xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của người khác, hoặc có những hành vi uy hiếp tinh thần.

Mặt khách thể thì hành vi phạm tội xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng, đồng thời xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác, xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

“Khoản 3, điều 299, bộ luật Hình sự nêu rất rõ phạm tội trong trường hợp có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm. Đối chiếu với những vụ việc mà báo phản ánh, thì thấy hành vi của các đối tượng đòi nợ là có dấu hiệu của tội “khủng bố”, nếu không xử làm gương, làm án lệ thì kiểu đòi nợ này còn gây bức xúc, hoảng sợ trong công chúng, thách thức cơ quan công quyền”, luật sư Long nói.

Ngoài ra, theo luật sư Long, việc sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác đưa lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của người khác nhằm mục đích đòi nợ, thì có thể còn bị xử lý về hành vi làm nhục người khác hoặc vu khống. Các hành vi này đều có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu mức độ nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Vì vậy, theo luật sư Long, quan trọng là người dân cần thu thập chứng cứ có sẵn khi bị vô cớ đòi nợ, từ đó gửi cơ quan chức năng xác minh, thụ lý giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.