Đời sống người Việt xưa qua lăng kính Vương Hồng Sển, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
27/02/2024 15:01 GMT+7

Bộ sách của 3 nhà văn hóa Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Vương Hồng Sển đưa người đọc trở về quá khứ, quan sát đời sống của người dân Việt Nam nhiều thế kỷ trước, với những tập tục, nếp sinh hoạt, nghề nghiệp và các mối quan hệ xã hội...

Sưu tầm nhiều chuyện kể lưu truyền trong dân gian, 3 cuốn sách: Chuyện cười cố nhân của tác giả Vương Hồng Sển, Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của và Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký phản ánh phong tục, cách nghĩ, lời ăn tiếng nói của nước ta thuở trước - nhất là ở miền Nam, chuyên chở những bài học về đối nhân xử thế và mang lại những tiếng cười thâm thúy.

Các tác phẩm được in bìa cứng trang trọng, với phong cách trình bày cổ điển và minh họa đậm chất dân gian truyền thống của họa sĩ Đặng Văn Long, Lâm Chí Trung.

Đời sống người Việt xưa qua lăng kính Vương Hồng Sển, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký- Ảnh 1.

Bộ sách vừa được NXB Trẻ vừa ấn hành

NXB

Chuyện cười cố nhân của tác giả Vương Hồng Sển gồm 203 truyện, tổng hợp từ 43 sách và tài liệu cả tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, có nhiều cuốn trong đó hiện đã tuyệt bản.

Học giả Vương Hồng Sển là người đọc nhiều và sưu tầm nhiều tư liệu, vì vậy điểm đắt giá trong cuốn sách này chính là những lời bàn, bản gốc, tư liệu tham khảo, giải thích từ ngữ, chứ không chỉ ở nội dung câu chuyện.

Ví dụ như trong bài Mảng lo viết văn, vốn dịch từ bản tiếng Pháp, bên dưới bản tiếng Việt ông đăng hẳn 3 bài văn Pháp để bạn đọc tiện so sánh, đối chiếu. Hoặc như trong bài Giấu cày, ông đăng cả phiên bản tiếng miền Nam và miền Bắc. Trong bài Uống rượu bằng chén, ông tỉ mỉ ghi thêm giải thích về "chén hạt mít", "chén mắt trâu", "chén tốt, chén quân, chén tống"...

Đời sống người Việt xưa qua lăng kính Vương Hồng Sển, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký- Ảnh 2.

Học giả Vương Hồng Sển

CHỤP TỪ TƯ LIỆU GIA ĐÌNH

Đời sống người Việt xưa qua lăng kính Vương Hồng Sển, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký- Ảnh 3.

Khi qua đời, nhà văn hóa Vương Hồng Sển đã tặng bộ sưu tập đồ cổ của mình (tổng cộng 849 cổ vật) cho nhà nước

QUỲNH TRÂN

Với Chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, gồm 74 chuyện, bạn đọc có thể thấy một số câu chuyện quen thuộc, như Ông Cống Quỳnh, Mưu trí hơn là sức mạnh, Thằng khờ đi mua vịt... bên cạnh những chuyện mới mẻ, do tác giả dày công sưu tập về cách ăn ở, ứng xử trong đời.

Chuyện đời xưa có thể nhận thấy độ hiếm của các câu chuyện sưu tầm và ngôn ngữ thời đó. Đặc biệt, cuốn sách này ban đầu Trương Vĩnh Ký viết ra là để cho "con nít tập đọc chữ Quốc ngữ, cùng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng An Nam, coi mà tập hiểu cho quen". Về ngôn ngữ, ông cũng tự đánh giá: "Người ta dùng sách này mà học tiếng thì lấy làm có ích, vì trong cách nói ấy là chính cách nói tiếng An Nam ròng, có nhiều tiếng, nhiều câu thường dùng lắm".

Trong khi đó, Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của nổi bật với việc giữ nguyên bản những từ ngữ rặt Nam bộ và cách hành văn mà tác giả đã dùng ở thời điểm viết tác phẩm này. Sách gồm 112 chuyện, chuyển thể từ những chuyện chữ Hán hoặc các chuyện xảy ra tại thời của ông. Điều này giúp bạn đọc tiếp cận và hiểu thêm về ngôn ngữ vùng đất mới khai phá thời kỳ nửa sau thế kỷ 19.

Tác phẩm được viết với ngôn ngữ bình dân để phù hợp với dân trí và nhận thức của người dân Nam bộ lúc bấy giờ. Chuyện giải buồn ở đây cũng không phải là chuyện mua vui, mà là những câu chuyện nhẹ nhàng, ý nhị dùng làm bài học khuyên đời, với đoạn cuối hoặc câu cuối mỗi chuyện thường là lời đúc kết thấm thía.

Cả 3 nhà văn hóa Vương Hồng Sển, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của đã góp phần gìn giữ tiếng Việt và hồn Việt; và bộ 3 tác phẩm này được xuất bản cũng không ngoài mục đích cao quý đó.

Vương Hồng Sển (1902 - 1996) là một nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tầm đồ cổ. Ông là người có hiểu biết sâu rộng về miền Nam và rất được kính trọng trong giới sử học, khảo cổ ở Việt Nam. Phần lớn những tác phẩm của ông được viết dưới dạng hồi ký, khảo cứu. Khi qua đời, ông đã hiến tặng ngôi nhà (Vân Đường phủ) và bộ sưu tập đồ cổ của mình (tổng cộng 849 cổ vật) cho nhà nước, với hy vọng thành lập một bảo tàng.

Huỳnh Tịnh Của (hay Huình Tịnh Của hoặc còn gọi Paulus Của) sinh năm 1830 (có tài liệu ghi 1834) tại làng Phước Tụy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu), là một nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ nổi tiếng của Việt Nam nửa sau thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Ông đã có những đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, truyền bá chữ Quốc ngữ trong giai đoạn đầu ở miền Nam Việt Nam. Ông mất ngày 26.1.1908 (có tài liệu ghi là 1907).

Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) lúc nhỏ có tên là Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm thành Trương Vĩnh Ký, hiệu Sĩ Tải, là một học giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học và khảo cứu văn hóa của Việt Nam trong thế kỷ 19. Ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật... Đối với báo chí tại Việt Nam, ông được coi là người tiên phong vì đã sáng lập tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên - Gia Định báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.