30 năm, quán gỏi bò khô từ vỉa hè lên ‘sang chảnh’ ở Nha Trang

17/02/2019 10:16 GMT+7

Từ vài chiếc bàn nhựa kê trên vỉa hè, sau 30 năm quán gỏi bò khô Hàn Thuyên của cô thiếu nữ ngày nào nay đã "hoành tráng". Quán gắn liền với biết bao thế hệ học sinh, sinh viên ở thành phố biển xinh đẹp.

Nghe tên gỏi bò khô chắc nhiều người sẽ nghĩ ngay là người viết gọi ngược, vì người miền Tây hay người Sài Gòn đều gọi là gỏi khô bò. Nhưng không, đây là tên gọi chính xác 100% theo cách gọi của người Nha Trang.
Mà hết 99% người Nha Trang tới quán ăn gỏi bò khô thì cứ phải ăn kèm 1 ly tàu hũ đá cho… đúng điệu. Vì sao lại như vậy?

30 năm gỏi bò khô vỉa hè

Quán gỏi bò khô Hưng Thịnh nằm ở đường Hàn Thuyên (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) nhưng ít người nhớ được tên quán vì chỉ cần í ới rủ nhau đi ăn gỏi bò khô hay gỏi Hàn Thuyên thì đã hiểu mặc nhiên là hẹn nhau ở quán này.
Nằm cách biển chưa tới 500m, ngồi ăn dĩa gỏi cay xè, hít hà hơi biển, đây được xem như địa điểm lý tưởng để ngồi cùng nhau “tám” chuyện trên trời, dưới đất.
Với hương vị đặc trưng, quán gỏi bò khô Hưng Thịnh níu chân được thực khách hàng chục năm qua Vũ Phượng
Ông Nguyễn Văn Châu (57 tuổi, chủ quán) cho biết ông cùng vợ là bà Nguyễn Ngọc Oanh (56 tuổi) bán gỏi đến nay đã được gần 30 năm. Đây là nghề gia truyền của gia đình vợ ông.
Ông chia sẻ: “Ban đầu ông già vợ tôi đẩy xe đi bán ở các quận trung tâm Sài Gòn. Sau yếu quá không bán được nữa thì chỉ lại cho mấy đứa con. Giờ cũng có mấy anh chị em bán, trong đó có vợ tôi. Có lẽ vợ chồng tôi may mắn hơn vì là quán đông khách nhất và được nhiều người biết đến nhất”.
Theo lời ông Châu, đầu tiên vợ chồng ông mở một quán gỏi nho nhỏ ở lề đường trên Buôn Mê Thuột, bán kèm với đông sương. Sau đó, chuyển về lại Nha Trang, cũng là quê của hai vợ chồng rồi kê vài chiếc bàn trên vỉa hè đường Ngô Sỹ Liên. Bán được gần 10 năm thì chuyển sang đường Hàn Thuyên cho tới nay, tổng thời gian cũng được gần 30 năm.

… lên quán mặt tiền ‘sang chảnh’

Vì kỹ lưỡng trong khâu chọn và sơ chế nguyên liệu, cũng như chăm chút tỉ mỉ cho nước chấm mà quán của vợ chồng ông ngày càng đông khách hơn. Vài chiếc bàn ngày nào nay đã phải bổ sung thêm khoảng hai chục bàn nữa. Vậy mà nhiều khi khách tới vẫn phải đợi mới có chỗ ngồi.
Chủ quán vừa thuê mặt bằng nhỏ ngay ngã 5 Vũ Phượng
Thời gian gần đây vợ chồng ông thuê luôn một mặt bằng nho nhỏ ở ngay ngã 5 - sát bên vỉa hè hay bán để có chỗ để xe gỏi và cũng thuận tiện buôn bán hơn.
Ông Châu cho hay, khi cha vợ truyền nghề cho các con thì đều có một công thức, sau vợ ông vẫn làm theo công thức đó nhưng có thay đổi một chút ở cách nêm nếm. Tới khi thấy phù hợp, thì giữ đúng tỉ lệ đó cho tới ngày hôm nay.
Đó là lý do mà quán có tên là Hưng Thịnh và dù có 10 năm hay 20 năm quay trở lại quán, những vị khách quen ngày nào vẫn cảm nhận được y nguyên hương vị của “thời xưa cũ”.
Hằng ngày, vợ chồng ông dậy từ 6 giờ sáng để sơ chế nguyên liệu. Đến 12 giờ trưa ăn cơm xong, hai người bắt đầu dọn hàng và bán từ 14 giờ cho tới khi hết hàng (khoảng 22 giờ). Suốt 30 năm như thế, vợ chồng ông đã nuôi 2 người con học đại học ra trường và có công ăn việc làm ổn định tại TP.HCM.
Tất cả được sơ chế theo bí quyết gia truyền... Vũ Phượng
“Điều quyết định dĩa gỏi ngon hay dở là cách sơ chế miếng gan bò, thịt bò phải đậm đà, bóng và thơm, nước tương ớt chấm phải sền sệt cay vừa đủ. Miếng đu đủ thì phải giòn, không bị thâm… Tất cả đều được làm theo bí quyết gia truyền. Ngày trước quá vắng khách, vợ chồng tôi tự làm hết. Nhưng nay bán đông quá nên vợ chồng tôi chỉ sơ chế bò và làm nước tương ớt - hai thứ quan trọng nhất để yên tâm. Còn đu đủ bào sợi và tàu hũ đá thì thuê người làm theo đúng công thức mà chúng tôi đưa ra”, ông Châu chia sẻ.

Quán gỏi gắn liền với bao thế hệ học sinh

Gỏi ở đây là sợi đu đủ sống bào giòn giòn, ăn kèm vài miếng bò khô hoặc gan. Gan ăn hơi bột bột mềm nhưng rất thơm, còn miếng thịt bò thì bóng thịt và đậm đà hơn một chút... Cả 3 kết hợp với nhau, thêm một chút rau răm tạo nên hương vị đặc trưng mà không nhầm lẫn vào đâu được.
Từ 3 giờ chiều, quán đã bắt đầu đông khách. Người tính tiền lúc là ông chủ, lúc là em gái của chủ quán. Em gái chủ quán cho biết: "Tôi bán từ năm 20 tuổi, nay tôi 50 tuổi, già luôn rồi mà vẫn bán nè" Vũ Phượng
Trên mỗi bàn đều có 1 chai dấm, 1 chai nước tương ớt sền sệt cay xè chủ quán tự làm (không đụng hàng bất kì quán nào) với 1 chai xì dầu (nước tương). Tùy khẩu vị mỗi người mà nêm nếm cho phù hợp. Nhiều người đến ăn gỏi thấy tương ớt ngon còn hỏi mua chai tương về nhà để ăn mực khô.
Riêng tôi thì chỉ cho thêm tương ớt rồi trộn đều lên. Ngay miếng đầu tiên vào miệng đã cảm nhận được vị cay xé lưỡi, liền cầm ly tàu hũ đá ăn 1 hớp cho mát lạnh rồi lại ăn gỏi tiếp.
Tàu hũ đá ở Hưng Thịnh cũng rất ngon, được làm từ nước cốt dừa và đậu hũ. Nếu ai ra quán sớm thì có thể kêu thêm lớp màng béo ngậy để thưởng thức.
Thực ra lớp màng này cũng giống như ở dưới nhưng do ở trên cùng nên hơi khô làm người ăn có cảm giác béo hơn, đậm đà hơn. Tàu hũ đá hương vị khác hoàn toàn tàu hũ nóng, không phải nấu như công thức tàu hũ nóng rồi cho đá vô là xong. Mà tàu hũ nóng mềm hơn, tàu hũ đá thì đậu săn hơn. Khi cho đá vào khuấy lên sẽ thấy lợn cợn của tàu hũ, còn tàu hũ nóng khuấy là nát hoặc tan ra nước hết.
Quán mở cửa từ 14 giờ đến 22 giờ hằng ngày, bất kể nắng hay mưa Vũ Phượng
Chị Dương Thị Mỹ Lệ (27 tuổi, ngụ Tây Ninh) tâm sự: “Đây là quán ruột của tôi và bạn thân ngày còn đi học cấp 3. Nhớ ngày đó một dĩa gỏi chỉ 3.000 đồng, ly tàu hũ 1.000 đồng nữa mà chúng tôi phải nhịn ăn sáng mới có thể ăn được. Vậy mà tuần nào cũng ráng rủ nhau đạp xe đi ăn dù cách nhà gần 10 km. Tới giờ, dù đi làm ở xa nhưng mỗi khi về thăm nhà tôi đều rủ bạn ghé quán để ôn lại kỷ niệm”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh Chi (32 tuổi, làm việc tại TP.HCM) cũng cho biết mỗi lần về quê ở Nha Trang là chị lại rủ chồng, con đến ăn gỏi. Đây là quán ngày trước chị và bạn bè hay tụ tập sau giờ học thêm.
“Đến giờ 15 năm ăn lại, giá cũng lên tầm 14.000 -15.000 đồng/dĩa nhưng tôi vẫn thấy rất rẻ, hương vị vẫn như ngày trước tôi ăn. Có lần vừa sinh xong nhưng vì ghiền quá nên tôi ẵm cả con đến quán ăn, ai cũng nhìn”, chị chia sẻ.
Anh Vũ Sỹ Hưng (quê Đồng Nai) cũng cho biết một lần ra Nha Trang chơi anh được bạn dẫn đến ăn tàu hũ đá và gỏi ở đây. “Ăn một lần là ghiền luôn nên giờ cứ có dịp ra Nha Trang hay Cam Ranh là tôi đều mượn xe máy để chạy đến quán ăn. Như một thói quen là đến Đà Lạt phải uống sữa đậu Tăng Bạt Hổ, còn đến Nha Trang phải ăn gỏi Hàn Thuyên vậy đó. Nhưng nếu cô chủ vui vẻ hơn một xíu thì chắc chắn ai đến quán cũng chấm điểm tuyệt đối”, anh bày tỏ.
Ăn gỏi bò khô thường kèm theo ly tàu hũ đá Vũ Phượng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.