Ăn Tết trong bệnh viện

16/02/2018 18:40 GMT+7

Cùng những bệnh nhân nặng phải điều trị, cấp cứu các y bác sĩ cũng đón Tết trong bệnh viện với những áp lực ngay trong ngày đầu năm.

Giáo sư Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, cho biết trong những ngày cận Tết, bệnh viện đã huy động các lực lượng ứng trực sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Mỗi ngày có hơn 400 y, bác sĩ trực. Bệnh viện cũng sẵn sàng các kíp trực ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ các tuyến dưới.
Thống kê tại bệnh viện này cho thấy, liên tục từ những ngày sát Tết, các ca chấn thương chuyển đến tăng cao. Ngày 28 Tết có 155 ca đến khám, mổ 40 trường hợp. Ngày 29 Tết, số bệnh nhân tăng lên rất nhiều, với 536 trường hợp nhập viện cấp cứu. Toàn bộ máy thở của khu hồi sức tim và phòng khám đã sử dụng hết. Bệnh viện đã chuyển bớt những bệnh nhân không quá nặng đến các bệnh viện khác như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện E để giảm tải.
"Ngoài 7 bàn mổ cấp cứu, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đã tổ chức thêm bàn mổ phiên đáp ứng việc cấp cứu điều trị bệnh nhân. Trong ngày 30 Tết, các kíp trực đã mổ 14 ca, toàn bộ máy thở được huy động để hỗ trợ bệnh nhân nặng. Số các ca cấp cứu dự báo thường có thể tăng trong những ngày tới, khi mọi người đi lại nhiều hơn", giáo sư Bình Giang đánh giá.
Các y bác sĩ Bệnh viện Việt Đức cấp cứu bệnh nhân bị chấn thương trong ngày đầu năm ẢNH: THÙY ANH
Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân nhập viện cũng tăng cao từ 29 - 30 Tết. "Trong đêm giao thừa, các kíp trực cũng không rảnh rang hơn bởi người ốm hay tai biến, đột qụy đâu có chọn giờ. Khó mà tính trước có bao nhiêu ca cấp cứu vì nếu tính trước thì đã không còn là cấp cứu nữa, nhưng thực tế là Tết luôn là thời điểm mà các ca cấp cứu tăng cao hơn hẳn so với trung bình các ngày trong năm”, Giáo sư Đạt Anh, Trưởng khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.
“Cấp cứu luôn là khoa áp lực, đòi hỏi xử trí rất nhanh, “tinh nhuệ”. Ngày Tết, các ca nặng thường dồn về đây nên bệnh nhân đông hơn ngày thường. Có thời điểm, số cấp cứu tại khoa này lên đến 400 ca/ngày”, Phó giáo sư Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.
Những bệnh nhân đặc biệt
Tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, những ngày 30 và mùng 1 Tết vẫn có các bệnh nhân nặng ăn Tết trong bệnh viện. Đó là các trường hợp mắc sởi biến chứng, nhiễm trùng huyết, uốn ván… “Bệnh nhân nặng cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt đều được bác sĩ điều trị và bác sĩ khoa dinh dưỡng của bệnh viện lên chế độ ăn phù hợp, đảm bảo sức khỏe”, bác sĩ Đoàn Thu Trà, Phó trưởng khoa truyền nhiễm, cho hay.
Chăm con gái (24 tuổi) bị nhiễm trùng huyết khi mang thai, hiện đang điều trị tại khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai), mẹ của bệnh nhân cho hay: “Con gái tôi mang thai bị nhiễm trùng huyết phải vào điều trị từ trước Tết. Cháu sinh non tháng, bị bệnh nặng, may mắn các bác sĩ đã cứu được cả hai mẹ con. Ăn Tết trong bệnh viện, con gái tôi luôn được các bác sĩ, điều dưỡng động viên. Các suất ăn ngày Tết được bệnh viện miễn phí. Bác giám đốc bệnh viện còn đến thăm, tặng quà”.
Bác sĩ Thu Trà, Phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nặng ăn Tết trong bệnh viện ẢNH: LIÊN CHÂU
“Bệnh nhân nhập viện rất nặng nhưng hiện đã bình phục. Dù ăn Tết trong bệnh viện nhưng cả bác sĩ và bệnh nhân đều mừng vì đây là ca điều trị rất khó khăn, từng tưởng như không qua khỏi. Khó nhất với sản phụ này là phác đồ điều trị phù hợp để cứu được mẹ mà vẫn duy trì được nguồn sữa mẹ, kháng sinh dùng cho mẹ phải an toàn cho em bé vì sản phụ sinh non khi thai nhi 34 tuần tuổi, em bé cần sữa mẹ để phát triển và chống đỡ bệnh tật tốt hơn”, bác sĩ Thu Trà, Phó trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.
Khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai không nghỉ tết ẢNH: LIÊN CHÂU
Còn tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ, điều dưỡng đi làm không nghỉ Tết vì bệnh nhân chạy thận chu kỳ thì không thể nghỉ lọc máu được. Ngày 30 Tết, cả y bác sĩ và người bệnh đều cố gắng đẩy sớm giờ chạy thận, kết thúc ca lọc máu cuối trong ngày sớm hơn để kịp về đón giao thừa. Ngày mùng 1 Tết, mọi việc lại như bình thường. “Con trai chúng tôi đã 27 năm chạy thận, từ lúc em nó 19 tuổi. Các bác sĩ, điều dưỡng rất chăm lo, yêu thương con tôi. Ngày Tết con tôi còn được nhận quà, được mừng tuổi. Chúng tôi rất cảm ơn các y bác sĩ ở đây”, một người mẹ chăm con trai chạy thận nhân tạo bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.