Xe

Áp lực kẹt xe kinh khủng ở trung tâm Sài Gòn

13/11/2016 09:32 GMT+7

Ùn tắc, kẹt xe vốn đã quá quen thuộc với người dân Sài Gòn, nhưng kẹt dây chuyền, diễn ra cả ngày và liên hoàn trên nhiều tuyến đường trung tâm thì chưa bao giờ nặng nề như tuần qua.

Theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, khoảng một tuần nay, dù không phải giờ cao điểm nhưng đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn từ vòng xoay Dân Chủ đến Nguyễn Thái Học (Q.3, Q.1) luôn trong tình trạng chật kín xe cộ. Ô tô, xe gắn máy chen chúc nhau nhích từng mét.
Đường Nguyễn Đình Chiểu đoạn từ Bà Huyện Thanh Quan đến Cách Mạng Tháng Tám, Q.3 cũng thường xuyên kẹt cứng vào mỗi buổi chiều đến tối, kể cả những ngày cuối tuần. Xe gắn máy tràn lên vỉa hè để tìm lối thoát.
VIDEO: Người đàn ông hơn 10 năm chuyên đi tìm chỗ kẹt xe ở Sài Gòn
Tại các ngã tư dọc theo đường Cách Mạng Tháng Tám, Ban An toàn giao thông TP.HCM và Phòng CSGT đường bộ Công an TP, UBND Q.3 đã phải tăng cường nhiều CSGT, dân phòng làm nhiệm vụ điều tiết giao thông nhưng cũng không giải quyết được kẹt xe.
Cuối tuần, thấp điểm cũng kẹt
Trong khi đó, đường Trần Hưng Đạo, đoạn gần Nguyễn Thái Học (Q.1) bị chiếm dụng hơn 1/2 mặt đường để rào chắn phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Tất cả phương tiện từ hai hướng lưu thông bị dồn ứ do “thắt cổ chai” nên kẹt xe thường xuyên bất kể giờ giấc.
Khu vực vòng xoay Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành và đường Phạm Ngũ Lão đoạn gần công viên 23 Tháng 9 cũng trở nên chật chội, quá tải nghiêm trọng do bị chiếm dụng mặt đường để thi công nhà ga metro. Nhà chức trách đã rào chắn bởi một “lô cốt” thật to.
Không hiểu tại sao mà cuối tuần cũng kẹt xe kinh khủng. Kẹt xe khắp nơi. Từ cơ quan tôi ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 về đến nhà ở Q.Bình Thạnh mà đi mất cả tiếng đồng hồ. Về đến nhà, căng thẳng quá nên chẳng muốn ra ngoài nữa 
Ông Nguyễn Ngọc Thạch
Cách đó không xa, phía công viên 23 Tháng 9 đoạn gần đường Nguyễn Thái Học cũng đang bị rào chắn để thi công công trình thương mại. Đặc biệt, ngay trên đại lộ Lê Lợi, đường Pasteur đoạn trung tâm Q.1, đang bị các rào chắn chiếm dụng mặt đường để phục vụ công trình ngầm metro số 1. Thế là, lần lượt những dòng ô tô, xe gắn máy lưu thông từ các hướng dồn về đây bị tắc nghẽn nặng bất kể giờ giấc.
Chưa kể, từ khi trung tâm thương mại Saigon Centre được cải tạo đi vào hoạt động, tại giao lộ Lê Lợi - Pasteur - Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã thu hút lượng người khổng lồ đến đây, đã khiến giao thông luôn đông đúc, quá tải. Một số điểm giữ ô tô trái phép công khai hoạt động ngay trên mặt đường Lê Lợi dẫn đến ùn tắc, kẹt xe ngày càng nghiêm trọng.
Trên đường Pasteur hướng về giao lộ Lê Thánh Tôn, một lô cốt rộng khoảng 5 m, dài hơn 10 m án ngữ ngay giữa đường, ngăn cách bởi những tấm tôn. Do bị bít gần hết lối đi, hàng loạt phương tiện phải nối đuôi nhích từng chút vô cùng khó khăn. Một số xe gắn máy tràn lên vỉa hè di chuyển lộn xộn, gây nguy hiểm cho nhiều khách du lịch bộ hành.
Tương tự, trên đường Lê Lợi (vòng xoay Quách Thị Trang - Nguyễn Huệ) cũng xuất hiện hai lô cốt diện tích khoảng 15 - 20 m2, kéo dài hướng về giao lộ với đường Pasteur. Phương tiện qua khu vực phải nhích từng chút do mặt đường nhỏ, dù có nhân viên đơn vị thi công đứng điều tiết nhưng ùn ứ vẫn không được cải thiện.
Ảnh chụp đường Võ Văn Tần, Q.3 vào trưa 12.11 Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trưa 12.11, dù là ngày cuối tuần nhưng nhiều tuyến đường như Pasteur, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ (Q.3, Q.10) vẫn kẹt xe kinh khủng. Mặt đường không còn một chỗ trống, người và xe đông đặc. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, làm việc tại Q.3, bức xúc: “Không hiểu tại sao mà cuối tuần cũng kẹt xe kinh khủng. Kẹt xe khắp nơi. Từ cơ quan tôi ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 về đến nhà ở Q.Bình Thạnh mà đi mất cả tiếng đồng hồ. Về đến nhà, căng thẳng quá nên chẳng muốn ra ngoài nữa”.
Trong khi đó, vào thời điểm này đường Lê Lợi do vướng lô cốt nên kẹt xe nghiêm trọng. Nhiều phương tiện khi đến giao lộ Pasteur - Lê Lợi đành quay đầu rồi quẹo phải vào đường Nguyễn Trung Trực. Thế nhưng đường này cũng bị ùn ứ do nhiều ô tô đậu dưới lòng đường và buôn bán lấn chiếm. Nhiều xe quẹo phải đến đường Lý Tự Trọng thì kẹt xe càng kinh khủng hơn do lượng ô tô quá nhiều mà mặt đường lại nhỏ. Chỉ một đoạn đường chưa đến 3 km từ Lý Tự Trọng đến số 9 Mạc Đĩnh Chi, ô tô phải di chuyển hết hơn 30 phút!
Chủ yếu do lượng xe tăng nhanh
Nguyên nhân chính gây nên tình trạng kẹt xe rất nghiêm trọng hiện nay không phải do đào đường mà do lượng phương tiện gia tăng quá cao
Ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho rằng kẹt xe khu trung tâm gia tăng do mặt đường nhiều tuyến đường bị chiếm dụng để thi công các dự án hạ tầng kỹ thuật, nhất là vào dịp cuối năm phải tập trung thi công.
Ban An toàn giao thông TP đã yêu cầu các địa phương tăng cường lực lượng tham gia điều tiết, phân luồng giao thông. Trong đó, các tuyến đường Lê Lợi, Pasteur, Trần Hưng Đạo đang bị rào chắn để thi công dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên khiến kẹt xe thêm trầm trọng.
Ngoài ra, lượng xe gia tăng quá cao, kể cả ô tô và xe gắn máy trong khi diện tích mặt đường không tăng, hạ tầng không đáp ứng kịp là nguyên nhân tất yếu đẩy giao thông TP.HCM rơi vào tình trạng “đông đặc”. Một nguyên nhân khác, theo ông Tường là tình trạng đậu ô tô dưới lòng đường, mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhất là vào dịp cuối năm cũng góp phần đẩy nạn ùn tắc lên đỉnh điểm.
Ông Nguyễn Bật Hận, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết do vào dịp cuối năm nên số lượng điểm rào chắn mặt đường để thi công các công trình đào đường có tăng so với những tháng trước. Đặc biệt, tại khu trung tâm, để phục vụ thi công dự án metro Bến Thành - Suối Tiên nên một số tuyến đường bị rào chắn như Lê Lợi, Tôn Đức Thắng (thi công ga Ba Son)… dẫn đến gây kẹt xe.
“Nhưng nguyên nhân chính gây nên tình trạng kẹt xe rất nghiêm trọng hiện nay không phải do đào đường mà do lượng phương tiện gia tăng quá cao. Việc đào đường hiện hay chủ yếu dùng robot để đào ngầm chứ ít đào hở, như dự án Nâng cấp đô thị”, ông Hận nói.
TS - chuyên gia giao thông Phạm Sanh nói rằng, cần xem lại vấn đề quy hoạch đô thị và tổ chức giao thông. Vấn đề lớn của ngành giao thông TP.HCM là thiếu dự báo. Đơn cử, ra đường hiện nay thấy rất nhiều xe chở hàng loại nhỏ, taxi, xe buýt. “Xe 4 bánh rất nhiều. Kẹt xe bây giờ không phải do xe 2 bánh. Một số loại xe 4 bánh như xe rác, xe chở hàng phải chạy trong một số thời gian nhất định, nhưng vẫn chạy hầu như cả ngày”, ông Sanh nói.
Chuyên gia này cũng kiến nghị UBND TP.HCM cần xem lại vấn đề cấp phép mở các vị trí siêu thị, cao ốc, công trình công cộng… ở khu trung tâm, nếu không gây ra kẹt xe ngày càng nghiêm trọng hơn.
Mỗi ngày có thêm 1.000 xe máy, 200 ô tô đăng ký mới
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, từ đầu năm 2016 đến nay mỗi ngày bình quân TP.HCM có hơn 1.000 xe gắn máy đăng ký mới; ô tô đăng ký mới là 180 xe, thậm chí có ngày tới 250 xe. “Với số lượng đăng ký mới tăng nóng hơn 1.200 xe/ngày, TP.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, đặc biệt là ùn tắc và tai nạn giao thông”, ông Tường lo lắng.
Nhiều người ý thức kém
Nhiều người dân ngụ xung quanh khu vực chợ Bến Thành phản ánh chợ đêm Bến Thành quy định 19 giờ mới được bán, nhưng nhiều hộ mới 18 giờ 15 đã giành nhau đẩy xe ra đường gây kẹt xe, mất trật tự ở đoạn đường Lê Thánh Tôn. Ngoài ra, theo phản ánh của bạn đọc, vòng xoay công trường Mê Linh (Q.1) trước đây chưa bao giờ kẹt xe nay cũng thường xuyên kẹt kể cả giờ thấp điểm.
Đáng lưu ý, khi ùn tắc xảy ra, nhiều người không chấp hành luật Giao thông nên giành nhau chạy, không ai nhường ai, luồn lách lên vỉa hè; ở các giao lộ có đèn tín hiệu dù còn 5 giây mới chuyển sang đèn nhưng hầu như các xe đã vọt lên giành đường... dẫn đến kẹt xe thêm nghiêm trọng.
“Nhiều du khách nước ngoài đến khu trung tâm TP.HCM không khỏi hoảng sợ khi thấy nhiều xe gắn máy tràn lên vỉa hè vốn dành cho người đi bộ”, ông Trần Việt Đức, nhà ở đường Lê Lợi, Q.1, bức xúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.