Với mục tiêu mở rộng thị trường sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, "làn sóng" ô tô Trung Quốc với hàng loạt thương hiệu, mẫu mã ồ ạt trở lại Việt Nam thông qua việc hợp tác với các công ty trong nước.
Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường ô tô Việt Nam chứng kiến màn đổ bộ ồ ạt về cả thương hiệu cũng như mẫu mã ô tô Trung Quốc. Sau một thời gian hợp tác với bên thứ ba để phân phối ô tô mang thương hiệu MG tại Việt Nam, đầu tháng 7.2023, Tập đoàn Ô tô Thượng Hải (SAIC) chính thức tiếp quản việc phân phối các dòng xe MG tại Việt Nam, bằng việc thành lập công ty SAIC Motor Vietnam - công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (Shanghai Automotive Industry Corporation). Không lâu sau đó, liên doanh GM - SAIC - WULING hợp tác với TMT Motor để lắp ráp, phân phối ô tô điện Wuling tại Việt Nam.
Tiếp đến hàng loạt thương hiệu ô tô Trung Quốc như Haval thuộc hãng mẹ Great Wall Motor (GWM), Lynk & Co, GAC hay mới nhất là Tập đoàn Chery với hai thương hiệu con là Omoda và Jaecoo cũng quay trở lại thị trường Việt Nam. Nếu như Lynk & Co hợp tác với Tasco, thì Tập đoàn Chery đã thu hút sự chú ý khi "bắt tay" với Tập đoàn Geleximco của Việt Nam để phân phối các mẫu ô tô mang thương hiệu Omoda và Jaecoo.
Như vậy, có thể nhận thấy trong lần trở lại này, các thương hiệu ô tô Trung Quốc đã có sự thận trọng và đầu tư hơn khi bắt tay hợp tác với các nhà phân phối ô tô trong nước để dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường. Thậm chí, thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Chery và Tập đoàn Geleximco còn tiến đến việc xây dựng nhà máy ô tô ở Thái Bình để lắp ráp các mẫu xe Omoda và Jaecoo.
Sau giai đoạn gia nhập thị trường và giới thiệu sản phẩm, thời gian gần đây Omoda và Jaecoo đang từng bước xây dựng, mở rộng mạng lưới hệ thống đại lý phân phối sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Gần đây nhất, chỉ trong chưa đầy hai tuần, thương hiệu ô tô đến từ Trung Quốc đã khai trương thêm 4 đại lý mới ở Hà Nội, Thanh Hoá và TP.HCM. Trong đó, nhà phân phối Omoda và Jaecoo đầu tiên ở TP.HCM tọa lạc trên đường Phạm Hùng, Bình Chánh vừa đi vào hoạt động từ ngày 20.12.
Điểm đặc biệt trong mỗi khu trưng bày của Omoda và Jaecoo Việt Nam đó là sự kết hợp đồng thời 2 thương hiệu ô tô (Omoda và Jaecoo) với 2 cá tính riêng biệt trong cùng một không gian. Thêm vào đó, từng hạng mục nội thất nhỏ tại khu trưng bày đều được thiết kế riêng để tạo nên trải nghiệm nhất quán cho mỗi thương hiệu.
Tương tự các đại lý Omoda và Jaecoo Việt Nam khác tại Việt Nam, Omoda và Jaecoo Bình Chánh cũng có các khu vực như: khu vực trưng bày các sản phẩm Omoda; khu vực quầy bar thư giãn thưởng thức các món đồ uống; khu vực dịch vụ hậu mãi với hệ thống máy móc hiện đại, từ thiết bị chẩn đoán lỗi đến các máy móc bảo dưỡng và khu vực phòng chờ dịch vụ.
Theo kế hoạch, trong năm 2024 Omoda và Jaecoo sẽ có 20 đại lý chính hãng tại Việt Nam, trong đó 11 đại lý đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Dự kiến trong năm 2025, con số đại lý chính hãng tăng lên 39. Hiện tại, các đại lý Omoda và Jaecoo đã đi vào hoạt động đang phân phối, bàn giao mẫu Omoda C5 đến tay khách hàng đặt mua. Dự kiến trong năm 2025, Omoda và Jaecoo sẽ tung ra thị trường thêm ít nhất 3 mẫu xe mới.
Không chỉ Omoda và Jaecoo, một số hãng xe Trung Quốc khác như GAC Aion, BYD… cũng đang từng bước mở rộng hệ thống đại lý bán hàng, trạm dịch vụ tại Việt Nam để tăng có hội tiếp cận khách hàng. Trong đó, BYD sau hơn ba tháng gia nhập thị trường Việt Nam đã có gần 20 đại lý trên toàn quốc.
Như vậy, có thể thấy các hãng ô tô Trung Quốc đã và đang nỗ lực chạy đua xây dựng hệ thống nhà phân phối trải dài trên khắp cả nước nhằm tiếp cận và mang lại sự thuận tiện cho khách hàng có thể trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ trước và sau bán hàng. Động thái này phần nào cho thấy sự đầu tư của các hãng ô tô Trung Quốc trong việc xây dựng niềm tin với khách hàng, qua đó từng bước gia tăng sự hiện cũng như tính cạnh tranh tại thị trường ô tô Việt Nam.
Bình luận (0)