Bà chủ quán bún ngan tặng gạo, tiền cho người nghèo bị...'vỡ trận'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
08/06/2021 11:56 GMT+7

Sau mấy ngày đăng thông tin về việc sẽ tặng tiền, gạo cho người nghèo do dịch Covid-19 , bà Nguyễn Thị Thành (50 tuổi, chủ quán bún ngan ở Hà Nội) chia sẻ: “Tôi vỡ trận rồi”!.

“Định tặng 50 suất giờ đã lên đến 500 rồi”

Bà Nguyễn Thị Thành (ở P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên, TP.Hà Nội) là nhân vật đã được đề cập trên Báo Thanh Niên trong bài viết Bà chủ quán ngan phát gạo tiền cho người nghèo giữa dịch Covid-19. Đến nay, sau 5 ngày bà Thành đăng thông tin lên Facebook cá nhân về việc sẽ tặng tiền, gạo cho người nghèo, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19, đã có những câu chuyện khó tin.
“Tôi dự định sẽ phát khoảng 50 suất, trị giá 900.000 đồng/suất, cho đến khi đủ thì dừng, nhưng giờ thì không dừng được nữa rồi”, bà Thành chia sẻ.
Ngay sau khi đăng thông tin, việc làm của bà đã làm “nóng” mạng xã hội và được lan truyền rất nhanh, vì thế mỗi ngày bà tiếp hàng trăm cuộc điện thoại của những người cần giúp đỡ.

Người dân xếp hàng để đợi được nhận quà từ bà Thành

Ảnh NVCC

“Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, hoàn cảnh nào cũng đáng thương. Rất nhiều bạn là lái xe công nghệ khắp cả nước, mắc kẹt vì dịch Covid-19. Tôi hỏi thăm hoàn cảnh, thì đều nói rất khó khăn. Có những bạn 2 vợ chồng đều lao động tự do bị mất việc làm, lại nuôi 2 con nhỏ. Cả ngày phải nhịn, chỉ ăn một bữa tối thôi, lại còn thuê nhà trọ, cuộc sống rất vất vả. Có bạn không có tiền nộp tiền điện, nên bị cắt điện trong thời tiết nắng nóng đến 40 độ C...”, bà Thành kể.
Khi tiếp nhận những hoàn cảnh như vậy, dù chỉ qua lời kể, nhưng bà Thành vẫn sẵn sàng giúp đỡ, bởi theo bà, có khó khăn thì họ mới cần đến mình. Các cuộc gọi và đến trực tiếp xin bà hỗ trợ ngày càng nhiều, chỉ ngày đầu tiên đã đủ số lượng bà dự định trao.
“Tôi định sẽ cố thêm 2 - 3 ngày nữa, nhưng vẫn cứ tiếp tục có những hoàn cảnh đáng thương. Có bạn đang chăm người nhà ở bệnh viện, gọi điện nói chị xin tôi 1 bát bún thôi vì hết tiền. Có những bạn thức thâu đêm để chờ điện thoại tôi hết bận thì gọi. Khi gọi đến đã khóc rồi, nói có con đang ốm và là mẹ đơn thân phải nuôi con trong lúc dịch bệnh không kiếm được tiền. Cứ nghe những hoàn cảnh đó tôi lại không dừng được”, bà kể.

Một tài xế xe công nghệ tự lấy gạo được xếp ở cửa nhà bà Thành

Ảnh NVCC

Lúc đầu, bà dự định trao mỗi người 20 kg gạo và 500.000 đồng, nhưng sau phải bớt đi để chia sẻ được nhiều hơn. Mỗi suất chỉ 20 kg, 200.000 đồng, sau đó phải rút xuống còn 10 kg, 100.000 đồng, rồi giờ thì tùy từng hoàn cảnh mà bà cho nhiều hay ít. “Tôi vỡ trận rồi vì dự định chỉ tặng 50 suất, giờ đã lên đến 500 suất”, bà Thành bộc bạch.
Tuy nhiên, bà Thành cho biết bà càng không dừng được vì điều bà bất ngờ là có nhiều người bà không quen biết, đã đến cùng chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. “Có người gửi cho tôi tạ gạo, người gửi cho tôi vài trăm đến vài triệu đồng. Họ hầu hết đều là những người tôi không quen, nhưng cứ tạt qua cửa hàng để gửi, nhờ tôi giúp các hoàn cảnh khó khăn”, bà Thành xúc động nói. Đến nay, sau 5 ngày đăng thông tin, bà đã phát 5 tấn gạo và gần 50 triệu đồng.

"Tôi muốn bạn trẻ vững tin vào cuộc sống"

Kể lại câu chuyện của mình, bà cho biết, ngày 2.6, khi bà được nghe chuyện một anh tài xế xe ôm gieo mình xuống sông tự vẫn vì không kiếm được việc làm trong mùa dịch Covid-19, lòng bà nặng trĩu, nghĩ đến những khó khăn mà bà từng trải qua.
“Tôi muốn các bạn trẻ đừng bi quan mà phải có niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào những điều tốt đẹp. Vì thế, tôi lên mạng xã hội đăng thông tin về việc sẽ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”, bà Thành kể.
Bà cho biết, trước đây, bà cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn đến bế tắc, nhưng đã vượt qua, nên rất thấu hiểu những người có hoàn cảnh như mình.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong gia đình có 8 anh chị em, bố đạp xích lô, mẹ là công nhân vệ sinh môi trường. Thời bé, khi còn học lớp 2 - 3, mỗi ngày, tôi cầm chổi, xẻng cửa hàng lương thực, ở bãi Phúc Tân (Q.Hoàn Kiếm), quét gạo rơi vãi để được 1 nắm gạo, thêm vào bữa cơm hàng ngày.

Bà Thành ở quán bún ngan của mình, nơi bà phát gạo, tiền cho người nghèo

Ảnh Dương Lan

Đến lúc học cấp 2, buổi sáng, tôi dậy từ 5 giờ rửa bát thuê cho cửa hàng xôi đầu phố Ô Quan Chưởng, gần trường học. Cứ bao giờ có trống trường thì chạy vào lớp, thấy các bạn đi qua, ngượng lắm. Công rửa bát thuê như thế chỉ là một bát xôi cuối chõ, rưới với nước thịt…”, bà Thành nhớ lại tuổi thơ gian khó của mình.
15 tuổi, bà đi làm đủ các thứ nghề để kiếm sống như làm gia công cho xưởng bánh kẹọ, làm ủng cao su, làm lốp… “Lúc đó, nhìn thấy các bạn nhà giàu được mặc quần áo đẹp, đi guốc, tôi thèm lắm, nhưng ngày đấy muốn kiếm tiền phải lao động như thế. Lấy chồng rồi, tôi còn bán hàng nước vỉa hè từ 2 giờ chiều đến 2 giờ sáng hôm sau. Dù bụng mang dạ chửa và mùa hè nắng nóng, tôi vẫn ngồi đó bán hàng, đen như một con chấy kềnh”, bà Thành nhớ lại.
Tuy mưu sinh khó khăn nhưng bà Thành quyết không bỏ cuộc. Từ năm 30 tuổi, bà đi chợ bán hoa quả, bán bánh kẹo, rồi mở quán ăn, quán bia hơi và từ đó cuộc sống khấm khá hơn. Giờ đây, bà có 2 quán bún ngan ở Hà Nội và một vài quán bán nước giải khát.
“Nhìn thấy các bạn trẻ chật vật với cuộc sống bây giờ, tôi chỉ sợ các bạn bỏ cuộc, bởi cũng có những lúc khó khăn tôi đã rơi vào bế tắc. Vì thế, tôi mới có chương trình ngày hôm nay”, bà Thành chia sẻ.
Bà Thành cũng cho biết, cuộc sống riêng của mình không được suôn sẻ, khi phải trải qua nhiều sóng gió trong cuộc sống hôn nhân. Bà đang là mẹ đơn thân nuôi 2 con sinh đôi, mới 4 tuổi. Đại dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh của bà cũng gặp không ít khó khăn vì thu nhập giảm tới 70%. Tuy nhiên, bà cho biết vẫn sẵn sàng bỏ tiền đã tích cóp được trong những năm lặn lội mưu sinh để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hơn.
“Trong bối cảnh này, chắc chắn nhiều người bị hưởng kinh tế, dẫn đến tâm lý không vững, nhất là những người buôn thúng, bán bưng. Vì vậy, tôi mong có nhiều nhà hảo tâm, có nhiều chương trình để cứu giúp những người lao động khó khăn, ổn định cuộc sống. Tôi muốn họ phải được giúp đỡ ngay, để tin vào xã hội còn nhiều người tốt, tin vào cuộc sống này”, bà Thành chia sẻ. 

Việc tốt lan tỏa

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, rất nhiều người được bà Thành giúp đỡ đã biết ơn bà Thành và cảm kích trước tấm lòng của bà. Chị Nguyễn Thu Thảo ở Hà Nội đã vô cùng xúc động cho biết, nhờ có khoản tiền bà Thành hỗ trợ mà chị đã có tiền nộp tiền điện. “Nhà em không có tiền nộp bị cắt điện 2 hôm nay rồi. Hôm nay cháu được mát rồi”, chị Thảo chia sẻ.

Đặc biệt, việc làm của bà Thành đã lan tỏa trên cả nước và nhận được nhiều lời khen ngợi, không chỉ của cư dân ở Hà Nội mà còn cả những người ở TP.HCM.

Chia sẻ với Thanh Niên về việc làm của bà Thành, ông Trịnh Hữu Chung (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định -  TP.HCM) nói: “Tôi nghĩ đó là việc làm tốt, đặc biệt trong thời dịch bệnh này. Người có điều kiện nên chia sẻ cho người khác. Ở TP.HCM giờ cũng có nhiều người làm như vậy lắm, rất nhiều người phát cơm từ thiện, nấu cháo cho bệnh nhân nghèo. Ai cũng có lòng trắc ẩn, nhưng đừng nói bằng miệng mà hãy nên hành động cụ thể. Có ít thì góp ít, nhiều thì góp nhiều, không có thì góp bằng công sức. Khi con người hướng thiện thì hành động và suy nghĩ sẽ có tác động tốt đến bản thân mình và những người xung quanh”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.