Ba mẹ từ quê lên thành phố: Sài Gòn đủ đầy cũng không bằng mùi quê

23/08/2020 11:12 GMT+7

Người ta nghĩ người già chỉ cần con cháu bên cạnh là đủ, nhưng sự thật không phải. Người lớn tuổi đã quen sống ở quê với chòm xóm láng giềng. Cuộc sống ngột ngạt ở Sài Gòn như một sự chịu đựng dù vật chất đủ đầy. Từ đó sinh những cảnh "bi hài" khi con cái rước ông bà và ở hẳn nhưng ông bà lại nằng nặc đòi về vì không chịu nổi...

Nỗi niềm người mẹ quê ở Sài Gòn

Bà Nguyễn Thị Mai (75 tuổi, quê ở Nghệ An) có 6 người con gồm 4 gái, 2 trai. Các con đều ăn học thành tài, ở lại Sài Gòn lập nghiệp. Chồng bà đổ bệnh rồi mất. Bà sống một mình nơi quê nhà được vài năm thì các con dứt khoát đón bà vào Sài Gòn để phụng dưỡng.
Bà ở với anh con trai cả. Căn nhà cao, rộng, có người giúp việc. Bà không phải làm bất cứ việc gì, cuối tuần gia đình các con đều ghé thăm. Mấy bà bạn ở quê ai cũng nói bà sướng. Ừ thì sướng thật, tất cả các con đều thành đạt, anh em hòa thuận, con cái hiếu thảo. Vậy mà bà vẫn thấy thiêu thiếu.
Bà thấy nhớ không khí ở quê. Ở đó, chỉ cần ới nhau là bà và bạn đã có thể ngồi với nhau bên bát chè xanh kể chuyện vườn rau ao cá, vui buồn chuyện đứa cháu, đứa con…
Ở Sài Gòn, mấy người con của bà đều đi làm từ sáng đến tối, mấy đứa cháu đi học nội trú trong trường cả ngày. Có con bé giúp việc hiền lành mà hơi kiệm lời, luôn làm việc thật nhanh để đi làm sang nhà khác. Buổi trưa một mình bà ăn cơm, buổi tối ai về trước thì ăn cơm trước, mỗi người trò chuyện với bà dăm ba câu. Ăn xong, mỗi người lại về với không gian của mình.

Người lớn tuổi đã quen cảnh sống ở quê với chòm xóm, vườn cây, không gian thoáng đãng. Cuộc sống ngột ngạt nơi phố thị như một sự chịu đựng cho dù vật chất đủ đầy

ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Bạn của bà là cái ti vi, cứ bật cả ngày cho có tiếng người. Bà còn người bạn nữa là cái điện thoại. Bà cũng hay gọi về quê cà kê nói chuyện với mọi người. Nhưng nói lâu thấy cái tai ù ù, cái điện thoại thì nóng nóng. Mới đây nghe nói có người đang dùng mà điện thoại bị nổ thì bà đâm sợ. Và bà cũng tiếc tiền điện thoại cho con.
Bà Mai gần như ở nhà cả ngày. Ra ngoài thì đường sá quá đông, đi trên lề có khi cũng bị bóp còi, mỗi lần muốn qua đường bà đều phải chờ có người để bà đi cùng. Hôm nào ra đường về bà cũng thấy khô cổ vì khói bụi.
Lúc đó, bà lại nhớ không khí ở quê. Ở đó cây cối tươi xanh, xe cộ thưa thớt. Cách nhà bà không xa là một con sông lớn, gió sông mát mẻ. Con trai nói ở sông ở biển do không khí đối lưu liên tục nên có nhiều gió. Cơ thể được tắm trong gió thì khí huyết lưu thông, quá trình trao đổi chất diễn ra rất tốt. Con trai bà còn nói nhiều nhưng bà không nhớ hết, chỉ thấy con nói đúng, gió mát luôn làm bà thấy khỏe ra.

Tâm sự người già luôn cần những nơi chốn thân quen

MINH HỌA: VĂN NGUYỄN

Căn nhà bà đang ở cũng mát nhưng nhờ máy lạnh. Bà không cần căn nhà quá lớn, quá tiện nghi và sang trọng như vậy, bà cần những thứ giản đơn hơn nhiều. Là bạn, là gió, là sông, là không khí trong xanh mùi quê. Nhưng, bà không dám nói với các con...

Ba mẹ cũng cần có bạn bè

Nam và em trai ở TP.HCM đều đã có gia đình riêng, sau khi ổn định cuộc sống tại thành phố, hai anh em quyết định đón ba mẹ lên để tiện bề chăm sóc và báo hiếu. Thế nhưng, mọi chuyện lại không dễ dàng như hai anh nghĩ. Sau một thời gian ở Sài Gòn, ba mẹ Nam muốn trở về quê.
Gia đình Nam và em trai đi làm từ sáng đến tối, hai ba mẹ ở nhà, quanh quẩn chỉ bà với ông. Ba mẹ Nam muốn đi bộ ra công viên cũng rất xa, hàng xóm xung quanh thì đóng cửa và biệt lập. Ba mẹ Nam làm bạn với chiếc tivi, nếu không thì ra ban công uống trà và kể lại những chuyện ngày xưa. Kể hoài đến cả hai đều thuộc làu làu.  
Sau khi thuyết phục không được, Nam và em trai đành để ba mẹ về lại quê và trong lòng thấy thật khó xử. Mấy lần gọi điện về hỏi thăm thấy ba mẹ vui, khỏe, có hôm mẹ cùng bà bạn đi chợ, có hôm ba cùng ông bạn chơi cờ. Bấy giờ hai anh em mới hiểu ba mẹ cũng như mình, ba mẹ cần có bạn bè. Có những điều mình chỉ nói với bạn bè mà không thể nói với ba mẹ và ba mẹ cũng cần những người bạn để dễ dàng có được sự đồng cảm.
Con cháu mang đến niềm vui sum họp và sâu thẳm là niềm tự hào về sự sản sinh nhưng bạn bè mang đến những hoài niệm và những sẻ chia mà chỉ người cùng tình trạng sinh lý và tâm lý mới hiểu được.
Câu chuyện của nhà anh Nam là một ví dụ và không chỉ là chuyện riêng của nhà anh Nam. Người trẻ đừng nghĩ chỉ cần tạo nên những tiện nghi vật chất tốt nhất cho ba mẹ là đủ, đừng nghĩ chỉ cần con cháu là đủ, ba mẹ cũng cần có bạn bè.
Một kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu truyền thống và Phát triển đã cho thấy nhu cầu giao tiếp xã hội của người lớn tuổi là rất cao. 50,2% người được hỏi đã chọn hàng xóm là đối tượng giao tiếp thường xuyên, đúng như người xưa đã nói “Bán anh em xa mua láng giềng gần”; 48% người thường giao tiếp với bạn bè cùng thế hệ; 28,5 % người thường giao tiếp với họ hàng; 15,3% giao tiếp với bạn bè của con cháu và chỉ có 5,5% người thích trò chuyện với người giúp việc.
Trong các kết quả khảo sát trên, cụ ông tham gia các hoạt động giao tiếp rộng rãi hơn cụ bà (58,1% so với 37,4%).
(theo tác giả Đặng Vũ Cảnh Linh, Người cao tuổi và các mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam, NXB Dân Trí)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.