Xóm trọ nghèo Hà Nội lay lắt trong mùa dịch Covid-19: 'Có miếng ăn là may'

16/08/2020 09:20 GMT+7

Với những người lao động ở xóm ngụ cư giữa lòng Hà Nội , việc mưu sinh vốn khó khăn nay lại càng vất vả trong 'bão' dịch Covid-19 . Mỗi ngày với họ, có tiền để mua thức ăn đã là may mắn.

Xóm trọ của những người lao động thu nhập thấp ở sâu trong ngõ 127 phố Phúc Xá, Q.Ba Đình, Hà Nội. Đây là nơi ở của nhiều người dân ngụ cư với lối vào chật hẹp, ẩm thấp, những căn phòng đủ để một chiếc giường nho nhỏ, vài vật dụng sinh hoạt lặt vặt chỉ rộng từ 5 - 10m2.
11 giờ trưa, chiếc bếp tập thể của những công nhân gánh hàng thuê tại chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) đỏ lửa. Người dân tất bật chuẩn bị bữa trưa sau một đêm làm việc vất vả. Dịch dã khó khăn, thu nhập giảm xuống, do đó bữa trưa của họ cũng chỉ có vài món canh rau rẻ tiền.

Tổng hợp tin Covid-19 ngày 15.8: Tình người ở “điểm nóng” Covid-19

'Thu nhập đói lắm'

Bà Bốn (54 tuổi, quê ở huyện Ân Thi, Hưng Yên) thuê trọ và làm nghề gánh hàng hoa quả thuê được hơn chục năm nay. Hằng ngày, cứ 3 giờ sáng, bà ra chợ gánh hàng để có tiền trang trải cuộc sống và tiết kiệm gửi về quê cho gia đình.
Bà Bốn cho biết, trước kia, mỗi ngày bà kiếm được từ 100. 000 - 200.000 đồng, đủ trả tiền trọ, điện nước và để dành dụm được một ít. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, thu nhập của bà kém đi, không có nhiều việc để làm nhưng vẫn phải chi tiêu duy trì cuộc sống hằng ngày.
“Ngày ngày, tôi phải dậy sớm ra chợ gánh hàng, ai thuê gì làm nấy đến tan chợ thì về. Đợt này, dịch quay trở lại ảnh hưởng nhiều lắm, người ta không bán được hàng nên cũng ít thuê mình, không nhiều người thuê để mà gánh nên thu nhập đói lắm. Tiền công giảm đi nhưng các khoản chi tiêu hằng ngày vẫn phải chi nên không dành dụm được đồng nào”, bà Bốn cho biết.
Căn phòng chật chội của những người lao động nghèo

Căn phòng chật chội của những người lao động nghèo

Theo lời bà Bốn, gánh hàng thuê là công việc tự do nên không có lương hàng tháng, làm được nhiều hưởng nhiều, không ai thuê đồng nghĩa không có thu nhập. Mỗi gánh hàng nặng từ 30 - 40 kg bà được trả công từ 5.000 - 10.000 đồng. Muốn có đủ tiền trang trải, bà phải làm từ sớm, gánh nhiều chuyến mới được nhiều tiền.
Xóm ngụ cư nghèo khó giữa lòng thủ đô

Xóm ngụ cư nghèo khó giữa lòng thủ đô

“Gánh với khiêng hàng người nào “sộp” thì trả 10.000 đồng còn lại 5.000, 7.000 đồng hết. Giờ có tuổi, lại mắc bệnh xương khớp nhưng cũng phải đi, ở nhà là không có tiền tiêu. Dịch dã đói kém cũng muốn tìm việc thêm để làm nhưng không biết buôn bán, không biết tìm ở đâu, thôi cứ chịu đi gánh thuê vậy”, bà Bốn trầm tư.
Chồng bà Bốn ở quê cấy hai sào ruộng chỉ đủ thóc ăn nên bà phải dành dụm gửi về hàng tháng. Năm nay, dịch Covid-19 khiến cuộc sống mưu sinh của bà càng khó.
“Năm nay khó khăn hơn năm ngoái nhiều, chả có việc nhưng cũng phải bám trụ ở đây giờ về quê không ai thuê gì càng khổ nữa. Ở đây ít nhiều còn có đồng ra, đồng vào”, bà Bốn nói.

Bản tin Covid-19 ngày 15.8: "Sẽ không còn những khoảng thời gian yên bình như trước nữa"

“Giờ có tiền ăn hàng ngày là may rồi”

12 giờ trưa, đẩy xe hàng về, chị Nguyễn Thị Nga (44 tuổi, quê ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) vội vã muối cà để làm thức ăn cho những ngày sau. Chị Nga cho hay, món cà dễ mua, rẻ tiền lại ăn được nhiều bữa nên chị thường xuyên làm món này để dành.
Căn phòng trọ chật hẹp chưa đến 10m2 là chỗ che nắng, che mưa của chị Nga. Để thuê được phòng trọ này, chị Nga phải trả 1,1 triệu đồng mỗi tháng chưa kể tiền điện, tiền nước.
Chị Nga làm món cà muối sau buổi bán hàng ăn tạm qua ngày

Chị Nga làm món cà muối sau buổi bán hàng ăn tạm qua ngày

Chị Nga làm mẹ đơn thân, xuống Hà Nội bán hàng rong cũng được hơn một năm nay. Thời khó khăn, ít người ra đường nên gánh hàng của chị ế thường xuyên, bán gì cũng khó từ rau củ đến hoa quả.
“Nếu không có dịch cũng kiếm được hôm 100.000 đồng, nhiều thì được 150.000 đồng. Giờ dịch quay lại đường phố không có người nên khó kiếm ăn lắm. Khéo tháng này không đủ tiền trọ. Cuộc sống vất vả lắm, giàu có chả ai sống cảnh này”, chị Nga buồn bã nói.
Lối vào chật hẹp khu trọ của chị Nga ở

Lối vào chật hẹp ở khu trọ chị Nga thuê

Chị Nga cho biết, ở quê chị còn hai đứa con gửi cho ông bà, mỗi tháng dành dụm tiền để lo cho con học hành. Nếu không có tiền, chị cố vay mượn rồi trả sau vì không gửi về các con không có tiền tiêu. Đứa con đầu của chị năm nay học lớp 8, chị cũng cố cho con lấy được bằng cấp 2 còn học thêm nữa thì hơi khó với chị.
“Dịch không có khách, ăn uống ở thành phố cũng đắt nhưng cũng phải ở đây vì về quê không có việc gì làm. Tôi cũng tìm thêm việc để làm nhưng chả ai thuê mướn gì, chỉ bám vào xe hàng này, ế cũng phải đi bán”, chị Nga cho hay.
Căn phòng ở tạm bợ của chị Nga thuê để có chỗ ăn, chỗ ở

Căn phòng ở tạm bợ của chị Nga thuê để có chỗ ăn, chỗ ở

Bên cạnh phòng trọ chị Nga là chỗ ở của bà Nguyễn Thị Tuyết (69 tuổi, quê ở huyện Kim Động, Hưng Yên). Bà Tuyết cũng làm nghề bán hàng rong, bà sống trong khu trọ này đến nay cũng được gần 30 năm. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, cuộc sống mưu sinh của bà Tuyết càng khó khăn gấp bội.
Hằng ngày, bà Tuyết lấy hoa quả ở chợ Long Biên về bán. Bà mắc bệnh đau lưng không vác được phải thuê người làm. Dù đã có tuổi nhưng bà Tuyết vẫn cố đi làm kiếm tiền nuôi bản thân, không phụ thuộc vào con cái.
Buổi trưa, bà Tuyết tranh thủ về thổi cơm vì không có tiền ăn ngoài

Buổi trưa, bà Tuyết tranh thủ về nấu cơm vì không có tiền ăn ngoài

“Hôm nay mua có hơn chục cân xoài chua, chục cân cam với mấy quả bơ bán cũng chưa được, dịch ít người mua, chán đời lắm. Hàng chưa bán xong, trưa về thổi cơm đã rồi chiều bán tiếp chứ ăn ở ngoài mỗi suất cơm là 20.000 đồng. Dịch bệnh đói kém giờ có đủ tiền ăn hàng ngày là may rồi”, bà Tuyết cho hay.
Bà Tuyết tâm sự, đợt dịch trước Hội Chữ thập đỏ có đến tặng quà nhưng bà về quê nên không được nhận. Dù khó khăn đến mấy nhưng Tết bà vẫn cố về quê vì ở đó có quê hương, tổ tiên, bà không muốn cô đơn một mình mỗi độ xuân về.
Bà Tuyết thổi cơm, xào thêm bó rau cải ăn tạm bữa trưa, lấy sức chiều đi bán tiếp

Bà Tuyết nấu cơm, xào thêm bó rau cải ăn tạm bữa trưa, lấy sức chiều đi bán tiếp

Bà Tuyết ly hôn chồng đã lâu, có ba người con gái, họ đều đã lấy chồng nhưng cuộc sống không khá giả gì nên bà không muốn làm phiền đến con cái.
“Vợ chồng con cũng vất vả, giờ vẫn làm được kiếm được đồng nào hay đồng nấy. Vất vả lắm nhưng biết thế nào được, mong dịch hết đi để bán hàng còn có người mua, tôi còn kiếm được tiền”, bà kể.
Căn phòng chật hẹp của bà Tuyết

Căn phòng chật hẹp mà bà Tuyết thuê

Dịch Covid-19 khiến cuộc sống của nhiều người lao động thêm phần khó khăn. Mong ước hiện tại của họ là dịch mau chóng qua đi để họ tiếp tục đi làm có thêm thu nhập nuôi bản thân và gia đình.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 16.8: Thêm 1 bệnh nhân về từ Guinea Xích đạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.