Dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam đã khiến nhiều ngành kinh tế thiệt hại nặng nề. Tại TP.HCM, không thể không kể những thiệt hại của các cơ sở kinh doanh tại phố đi bộ Bùi Viện (Q.1) khi các hoạt động giải trí tại quán bar, vũ trường phải tạm dừng hoạt động.
Con phố ngắn nuôi sống những cuộc đời dài
Từ những quán bar, vũ trường, tiệm massage, tiệm kinh doanh ăn uống lớn hay kể cả những quán nhỏ dọc đường tại phố đi bộ Bùi Viện đều lắc đầu khi được hỏi về tình hình kinh doanh khi trải qua thời gian dịch bệnh vừa qua.
Chị An Như, quản lý một quán bar tại phố đi bộ Bùi Viện, buồn bã cho biết quán bar chị làm việc từ thời điểm mở cửa đến nay chưa hề trải qua tình trạng khó khăn kéo dài như vậy.
“Tính sơ sơ vào cuối năm 2019, quán bar tôi làm việc có khoảng trên 30 nhân viên đủ các cấp. Dù là một quán bar diện tích nhỏ nằm trên một con phố không quá rộng nhưng đã tạo công ăn việc làm cho biết bao người, từ người trẻ tuổi đến người đã có gia đình”, chị nói.
“Tôi không biết mở đầu thế nào khi có ai hỏi tôi về doanh thu quán bar từ đầu năm tới nay. Đã có thời điểm doanh thu bằng 0, đó là điều hiển nhiên vì doanh thu của chúng tôi phụ thuộc vào khách đến trực tiếp, đa phần trước đó là khách nước ngoài. Thời điểm quán bar được mở lại, doanh thu có tăng lên nhưng tôi nghĩ với sự tăng ấy vẫn chưa đủ để duy trì các khoản chi cho nhân công và mặt bằng. Hiện tại, chúng tôi lại đóng cửa, bài toán về nhân sự vẫn nan giải, nan giải không chỉ ở việc cho họ nghỉ việc lúc này mà còn nan giải hơn khi quan bar hoạt động trở lại, nguồn nhân lực đâu để chúng tôi vận hành lại quán bar như lúc ban đầu. Ngoài doanh thu, nhân sự quả là một bài toán lòng vòng năm 2020 chúng tôi phải đối mặt, tuyển – thải – tuyển”, chị An Như bộc bạch.
|
|
Còn bà Nguyễn Thị Kim Thanh (62 tuổi) là người sống tại đường Bùi Viện từ khi sinh ra đến nay cho biết gia đình bà có 3 thế hệ sống trên mảnh đất này. Do dịch Covid-19, tiệm bánh mì của bà Thanh và chồng cũng như nhiều cơ sở khác, vắng khách và giảm giờ phục vụ.
“Ế lắm, khách Tây không có, khách ta thì cũng chẳng đến phố chơi, giờ Bùi Viện cũng như những con đường khác, xe máy đi ngang qua cả ngày lẫn đêm. Bánh mì thỉnh thoảng bán được một ổ. May rằng tôi lớn tuổi, mục đích chính không phải bán để kiếm thu nhập nên may mắn hơn rất nhiều người ở đây”, bà Thanh tâm sự.
|
|
Bà Thanh cho rằng, bà may mắn hơn thế hệ trước sống tại con đường này là vì đến thế hệ bà, phố đi bộ Bùi Viện mở, người nhiều quốc gia đến đây đồng nghĩa bà được tiếp thu nhiều nét đặc sặc. Nhưng sự tác động của dịch bệnh khiến việc kinh doanh của bà thay đổi từ doanh thu, thời gian mở cửa đến cách phục vụ khách…
“Đêm Bùi Viện như dài hơn…”
Mở cửa hàng nhỏ trên đường Bùi Viện, cũng như bà Thanh, bà Nguyễn Thị Huệ (57 tuổi) sống tại đây từ khi sinh ra, gia đình bà cũng đã có 3 đời đã sống tại khu vực này. Chia sẻ với Thanh Niên, bà Huệ cho biết dù lớn tuổi nhưng bà vẫn rất thích không khí sôi động, ánh sáng lung linh và bà đã quen với thói quen sinh hoạt về đêm từ mấy chục năm nay.
|
|
“Nhiều người cao tuổi không chịu được tiếng nhạc sôi động, cảm thấy ồn ào, nhiều người bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do khó ngủ. Nhưng tôi ngược lại, cũng 57 tuổi rồi nhưng tôi rất thích tiếng nhạc sôi động, nghe nhạc phát ra từ các quán bar tôi lại càng muốn nhún nhảy và có năng lượng để thức đêm làm việc tốt hơn”, bà Huệ kể.
Thời gian sinh hoạt của bà Huệ khác biệt so với những người khác, bà thường thức trắng đêm để buôn bán, sau đó bà đi ngủ lúc 5 – 6 giờ sáng hôm sau, khi tiếng nhạc đã tắt hẳn. Lý do về sự đảo lộn này bà giải thích đơn giản: “Đó là nhờ phố đi bộ Bùi Viện”.
|
|
|
Bà Huệ ngậm ngùi: “Dạo này đường phố tối đen, trời lại hay mưa chiều, khoảng 18 giờ là tối om rồi, hơn nửa đời người tôi sống khu này chưa bao giờ có tình trạng này và kéo dài lâu vậy. Giờ tôi phải đảo ngược lại giấc ngủ rất khó, đêm của tôi giờ như dài hơn rất nhiều khi thiếu âm nhạc. Và với nhiều người, quán bar là nơi phức tạp nhưng với mẹ con tôi đó là nơi nuôi sống chúng tôi, đời mẹ bán hàng kế cạnh quán bar, đời con làm phục vụ, bảo vệ cũng tại quán bar này”.
Bình luận (0)