Khi đọc tin về người phụ nữ bị chồng bạo hành dìm dưới nước, tôi thấy cay cay nơi khóe mắt vì tuổi thơ từng chứng kiến cảnh ba bạo hành mẹ. Nỗi ám ảnh đó khiến tôi chưa dám kết hôn dù tuổi đã qua 30.
Tôi xin phép được giấu tên nhưng vẫn muốn chia sẻ bài viết này đến tất cả phụ nữ, hãy mạnh mẽ và can đảm chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình.
Thực tế, nhiều bà mẹ cứ cam chịu vì sợ con không cha, gia đình chia lìa nhưng hình ảnh bạo hành đó đôi khi lại là một ký ức ám ảnh suốt cả cuộc đời của một đứa trẻ đến nỗi lớn lên sẽ không dám kết hôn giống như tôi.
Sinh ra và lớn lên tại miền Tây sông nước, ba mẹ tôi cũng từng có những năm tháng gian khổ. Ba tôi từng công tác tại viện kiểm soát, có thời gian làm tại Chi cục thuế. Mẹ tôi sinh ra lớn lên làm nông nên lúc nào ba tôi cũng xem thường mẹ thất học. Trong nhà, tiền bạc ông giữ hết và chỉ phát đúng tiền đi chợ, chi tiêu. Ba tôi lại hay ghen tuông.
Năm tôi lên 6 tuổi, ba xin nghỉ làm vì bất mãn công việc, rồi nhiều chuyện không hay khác xảy ra. Từ đó, mọi tội lỗi ba dồn hết xuống mẹ. Mẹ vừa mang bầu em kế tôi vừa bán rau mà phải dậy đi từ 2 giờ sáng. Ban ngày, mẹ đi xin hèm về nuôi heo mà ba ghen tuông, không tiếc lời chửi mắng vợ. Hễ mẹ tôi lên tiếng thì ông gặp gì sẽ cầm phang mẹ cái đó.
Lần đầu tiên, ba phang cây dao bầu xuyên qua cái cửa nhà sau. Dao cấm sâu vào cửa đứt tóc mẹ, chỉ còn chút thôi thì dao cấm ngay giữa trán bà. Hình ảnh mẹ tôi không cảm xúc, không khóc, không la, không phản ứng khiến tôi ám ảnh. Tôi khóc rất to, vừa khóc vừa hoảng sợ còn ba tôi thì bỏ đi chỗ khác. Tôi chạy ôm lấy mẹ và mẹ tôi vẫn đứng yên không một chút động đậy. Điều đó thật sự rất đáng sợ. Nếu như là thời bây giờ có điện thoại chụp ảnh hay quay phim lại thì có lẽ ba tôi đã bị trừng phạt.
Cứ thế, những lần xung đột gia đình, ba tôi thường đánh mẹ, khi thì phang ly thủy tinh khiến mẹ sụp ống quyển chân trái, khi thì bóp cổ mẹ. Bây giờ trên người mẹ vẫn còn dấu vết ngày đó.
Lần cuối cùng ba tôi đánh mẹ là khi tôi 18 tuổi. Hôm đó ba tôi bóp cổ mẹ, tôi chứng kiến, thấy mẹ lịm dần, tôi đã dùng hết sức mạnh đẩy ba tôi văng ra trúng vào cạnh tủ thờ. Không biết do đau hay do đang điên cuồng mà ba tôi bóp cổ tôi. Lúc đó, tôi cảm thấy như mình sắp lìa khỏi thế giới này thì mẹ tôi đã tát ba tôi mấy bạt tai. Đó là sự chịu đựng cuối cùng, mẹ tôi đã vùng lên chống lại ba để cứu tôi.
Sau lần đó mẹ tôi mới chịu ra phường trình báo, hội phụ nữ cùng địa phương cũng mời ba lên làm việc và cũng từ đó ba tôi không dám đánh mẹ nữa, nhưng thật sự cả đời này tôi không thể nào quên được.
Năm nay mẹ tôi đã 65 tuổi nhiều lúc ngồi nhắc lại chuyện xưa, tôi nói sao mẹ sao không ly hôn đi? Mẹ nói sợ tai tiếng phụ nữ không chồng, sợ con gái lớn lên có chồng không đủ cha đủ mẹ.
Chính cái sợ đó mà hình ảnh người cha trong trái tim chị em tôi như một con thú dữ. Mặc dù chúng tôi vẫn lo cho ông đầy đủ theo trách nhiệm của một người con nhưng hình ảnh tốt đẹp về người cha thì chưa bao giờ chị em tôi có được.
Chị em chúng tôi lớn lên được ăn học tất cả là nhờ ông bà ngoại và mấy dì lo lắng. Ba tôi từng nói con gái học làm gì lớn lên cũng làm *** mà thôi.
Tôi mong sự chia sẻ này sẽ giúp các phụ nữ mạnh mẽ chống lại bạo lực gia đình, hãy can đảm đừng vì bất cứ lý do gì mà cam chịu tổn thương. Phụ nữ cần yêu lấy bản thân mà cha mẹ đã ban cho chúng ta, cuộc đời bất hạnh thì không ai giống ai nhưng nếu quá nhu nhược cũng là có lý do để người khác ăn hiếp mãi.
Xã hội cực kỳ lên án hành động vũ phu, bạo lực gia đình. Thế nhưng vẫn còn đó những chuyện đau lòng, cam chịu của người vợ. Để tố cáo và góp phần nói không với bạo lực gia đình, Thanh Niên Online sẽ khởi đăng các câu chuyện: Chồng đánh vợ, phụ nữ Việt hãy lên tiếng!. Bạn đọc có thể chia sẻ câu chuyện của mình qua email: doisong.thanhnien@gmail.com để cùng dẹp bỏ nạn vũ phu.
Bài viết và ý kiến của bạn đọc được đăng tải sẽ nhận nhuận bút của Thanh Niên. Xin trân trọng cảm ơn!
|
Bình luận (0)