Bún Num-bo-chóc 44 năm giữa Sài Gòn: Nhập nguyên liệu từ Campuchia

14/05/2016 10:41 GMT+7

Nếu vô tình lạc vào khu phố trên đường Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM), bạn sẽ ngửi thấy mùi mắm Prohoc (phổ biến với tên gọi mắm bò hóc), đặc sản của người Khmer. Và nếu đã bị nơi đây níu chân mà không thử món bún Num-bo-chóc của quán Tư Xê, chắc chắn sẽ tiếc hùi hụi.

Có nguồn gốc từ Campuchia, Num-bo-chóc là tên gọi của một loại bún cá nổi tiếng của người dân xứ chùa tháp. Dù nằm lọt thỏm trong một con hẻm đông đúc, chật chội, bàn ghế sơ sài, nhưng mỗi sáng khách khứa ra vào quán không ngớt. Có người đến vì lạ, vì tò mò nhưng cũng có người “phải” trở lại vì trót mê Num-bo-chóc.
Anh Ngô Văn Khoa, người Việt gốc Campuchia, hiện là chủ quán bún Tư Xê cho biết, 80% nguyên liệu để nấu bún Num-bo-chóc đều được nhập từ Campuchia, trong đó các thành phần quan trọng nhất để tạo nên hương vị đặc trưng của món bún này là mắm bò hóc, ngải bún (có mùi giống củ riềng) và trái trúc (hình dáng giống trái chanh và rất thơm). Chủ quán cứ cách 3 - 4 ngày lại qua Campuchia mua mắm bò hóc và các nguyên liệu khác.
Tô bún Num-bo-chóc thoạt nhìn trông giản dị nhưng để nấu cho ngon thì rất khó. Anh Khoa, người nối nghiệp bà Tư Xê cho biết để có một tô bún ngon, không bị tanh, cá dùng để nấu bún phải là cá lóc sông chứ không phải cá lóc nuôi. Một điều đặc biệt nữa là đi kèm với món bún này, ngoài rau thơm, rau muống bào, bắp chuối, bông súng và cần tây... một thứ còn phải có nữa là đậu đũa sống. Chỉ cần nhìn thực khách ăn là biết ngay người nào gốc Campuchia, bởi họ thường ăn bún với đậu đũa sống và khen rất hợp, rất ngon.
Tô bún với màu vàng đặc trưng của nghệ, điểm xuyết thêm màu xanh của đậu đũa, màu tím của bông súng, màu trắng của những lát cá lóc và đặc biệt mùi thơm là lạ của nước lèo, bốc lên ngào ngạt.
Có mặt tại ngôi chợ này từ năm 1972, quán bún Num-bo-chóc Tư Xê trong chợ Hồ Thị Kỷ trở nên quen thuộc với một bộ phận người Sài Gòn, đặc biệt là những Việt kiều từng sinh sống ở Campuchia.
Với những người gốc Campuchia, bún Num-bo-chóc không đơn thuần là một món ăn mà còn là liều thuốc tinh thần giúp họ tìm về nguồn cội. Với thực khách người Việt, ngoài việc được thưởng thức món ăn ngon họ còn được biết thêm một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của đất nước chùa tháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.