Ca bệnh 100 về từ Kuala Lumpur: Người Malaysia kể chuyện phong tỏa chống Covid-19

23/03/2020 12:06 GMT+7

“Tất cả trường học đều phải đóng cửa nên trong những ngày này công việc của tôi bị đình trệ", huấn luyện viên Taekwondo ở Malaysia chia sẻ. Malaysia đã trở thành điểm nóng dịch Covid-19 ở Đông Nam Á, đặc biệt tại VN, ca bệnh thứ 100 cũng vừa đi về từ đất nước này.

Theo đó, bệnh nhân thứ 100 (nam, 55 tuổi, địa chỉ ở quận 8, TP. HCM), có tiền sử bệnh đái tháo đường và viêm khớp. Ngày 3.3, bệnh nhân từ Kuala Lumpur - Malaysia về Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không AsiaAir số hiệu AK524. Bệnh nhân được hướng dẫn tự cách ly tại nhà. Tuy nhiên, trong thời gian từ ngày 4.3 đến ngày 17.3, bệnh nhân có đi lễ 5 lần/ngày tại Thánh đường Hồi giáo Jamiul Anwar - số 157B/9 Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Ngày 18.3, mặc dù bệnh nhân chưa có dấu hiệu bệnh, nhưng được Trung tâm Y tế quận 8 lấy mẫu giám sát theo nhóm đối tượng dự lễ hội từ Malaysia. Viện Pasteur TP.HCM kết luận mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 vào ngày 22.3.

Cuộc sống ở con hẻm quận 8 gần nơi bệnh nhân thứ 100 thường đi lễ

Quay trở lại câu chuyện Malaysia, người dân nước này đổ xô đến siêu thị mua hàng dự trữ vì dịch Covid-19. Trường học đóng cửa, toàn bộ địa điểm tôn giáo và các cửa hàng kinh doanh (ngoại trừ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu) ngưng hoạt động vì dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân Malaysia.
Chị Lee Wan Yuen (cư dân tại Kuala Lumpur) chia sẻ: “Tất cả các trường học đều phải đóng cửa nên trong những ngày này công việc của tôi bị đình trệ. Tôi là huấn luyện viên Taekwondo nên không thể nào dạy online từ nhà. Nghỉ việc tức không có thu nhập trong thời gian này. Tôi sợ mình không đủ tiền để mua các nhu yếu phẩm cho gia đình trong khi mọi người đang đổ xô đi tích trữ hàng hóa ngoài siêu thị".

Các kệ hàng thực phẩm được vét sạch ở siêu thị

Ảnh: Lee Wan Yuen

Dù có nhiều lo lắng nhưng chị Lee Wan Yuen vẫn đang cố gắng nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực. Chị nói: “Tình trạng khủng hoảng vì bệnh dịch lúc này chắc chắn sẽ làm cho chúng ta sợ sệt và hoang mang. Lúc này đây, tôi luôn nhắc nhở mình phải giữ vệ sinh thật tốt. Những sự việc gần đây cũng dạy cho tôi hiểu con người mong manh như thế nào trước những tai họa, phần lớn sẽ chỉ biết nghĩ cho mỗi bản thân họ. Tuy nhiên, để đối mặt với cơn khủng hoảng, chúng ta cần phải phối hợp và đoàn kết cộng đồng quốc tế để cùng nhau chiến đấu với đại dịch này".
Trong khi đó, anh Kelvin Thong (một bác sĩ ở Kuala Lumpur) cho biết, trong cao điểm dịch bệnh anh vẫn phải làm việc liên tục.

Trung tâm mua sắm ở Kuala Lumpur vắng bóng người trong đợt dịch vid-19

AFP

Một thánh đường Hồi giáo ở Kuala Lumpur phải đóng cửa để tẩy trùng ngăn COVID-19

Reuters

Anh  chia sẻ: “Với vai trò cố vấn y tế cho chính phủ, tôi vẫn phải đi đến các cuộc họp thường xuyên. Khi không có việc khẩn cấp, tôi vẫn có thể làm việc online hoặc qua điện thoại".
"Thật ra theo ý kiến của tôi, lệnh phong tỏa này không quá đáng sợ và mọi người cần phải nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực. Đây chỉ là biện pháp hạn chế người dân di chuyển để phòng chống lây lan virus. Chứ không phải bạn bị cấm ra khỏi nhà và đi đến những nơi bạn mong muốn. Hàng quán vẫn có thể hoạt động để phục vụ cho nhu cầu ăn uống, nhưng không được nhận khách ngồi ăn, chỉ được cung cấp dịch vụ mua mang đi", anh Kelvin Thong chia sẻ.

Thông tin về bệnh nhân thứ 67 nhiễm Covid-19, là một người ở Ninh Thuận từng đi Malaysia cùng bệnh nhân thứ 61

Tính đến sáng 18.3, Malaysia có 673 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 2 người đã thiệt mạng.
Trước đó, chính phủ nước này đã yêu cầu công dân không di chuyển ra nước ngoài và cấm toàn bộ du khách nhập cảnh. Riêng công dân Malaysia về nước phải được cách ly 14 ngày. Ngoài ra, Malaysia cho đóng cửa toàn bộ trường học, cấm tất cả các hoạt động có tụ tập đông người. Ngoại trừ siêu thị, ngân hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, toàn bộ địa điểm khác đều phải ngưng hoạt động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.