Cha mẹ bạo hành, đánh con có thể bị đi tù hoặc tước quyền nuôi con

12/12/2017 12:11 GMT+7

Vụ việc cha ruột cùng với mẹ kế bạo hành con trai 10 tuổi trong thời gian dài khiến cháu bị rạn xương sườn, người đầy sẹo; cha ruột vì cãi nhau với vợ cũ mà lôi con 5 tuổi ra đường đâm chết... Nhiều vụ việc đau lòng cứ liên tiếp xảy ra khiến ai cũng oặn thắt tâm can.

Còn bao nhiêu đứa trẻ tội nghiệp đang phải chịu nỗi đau thể xác do chính cha mẹ của mình gây ra...?
Tối 11.12, sau khi cãi nhau với vợ cũ, Võ Kim Minh (39 tuổi, ngụ Gia Lai) ôm theo con trai là cháu V.K.P (5 tuổi) ra lề đường rồi dùng dao đâm một nhát vào người cháu P. khiến cháu P. tử vong tại chỗ. Ngay sau đó, Minh bị người dân bắt giữ rồi giao cho công an.
Video: Sức khỏe em bé bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành đã ổn định
Trong ngày 11.12, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đã bắt tạm giam 2 tháng đối với Trần Hoài Nam và tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thị Tú Trinh (34 tuổi, vợ thứ hai của bị can Nam) vì hành vi bạo hành cháu T.G.K (10 tuổi, con của Nam và người vợ đầu) trong thời gian dài khiến cháu K. bị rạn 6 chiếc xương sườn, trên người có nhiều sẹo.
Trước đó, trong bản tường trình, Trinh cho rằng do K. nghịch ngợm, phá phách nên đã cầm đũa đánh vào tay cháu K. Lần khác K. nghịch, Trinh dùng muỗng canh bằng inox vụt vào bả vai cháu.
Chưa biết cháu K. có phải do nghịch ngợm, phá phách hay không nhưng hành vi của Trinh và Nam đã bị xã hội lên án gay gắt. Và các chuyên gia pháp lý cho rằng, đây cũng không phải là trường hợp hiếm trong xã hội, bởi nhiều người có suy nghĩ “con tôi tôi dạy” hay “dạy con theo cách nào là việc của tôi” nên đã sử dụng bạo lực đối với trẻ.
Có thể bị tước quyền nuôi con
Luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ trẻ em TP.HCM cho biết Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ 1.6.2016 đã nghiêm cấm hành vi sử dụng bạo lực đối với trẻ em.
Cháu K. may mắn bỏ trốn được về nhà ông bà nội sau khi bị cha ruột và mẹ kế bạo hành trong thời gian dài Ảnh: Hà An
LS Nữ phân tích: “Ngày trước Luật Trẻ em 2016 chưa có hiệu lực thì người giám hộ trẻ chỉ có cha, mẹ còn giờ quyền giám hộ ngoài cha, mẹ ruột còn có ông, bà, cô, dì, chú, bác ruột,… Trường hợp cha mẹ bạo hành trẻ khiến trẻ tổn thương về tinh thần và thể xác và tất cả những người trong mối quan hệ kể trên cũng không đủ khả năng chăm sóc trẻ thì cơ quan chức năng cũng tước quyền nuôi con của cha mẹ, trẻ khi đó sẽ được giao cho các cơ sở chăm sóc thay thế”.

Dạy trẻ bằng đòn roi sẽ khiến trẻ lo lắng, sợ hãi, không hiểu tại sao cha mẹ lại đánh mắng mình, trẻ sẽ tìm cách đối phó, trơ lỳ, không biết sợ, thậm chí dùng đòn roi sẽ có thể làm trẻ hình thành nhân cách không ổn định sau này

Chuyên gia tâm lý

LS Nữ cũng cho hay, vụ việc ở Hà Nội vừa qua không phải là trường hợp đầu tiên cha mẹ bị khởi tố vì đánh con. Thực tế, ở TP.HCM cũng có những trường hợp cha mẹ bị khởi tố vì đánh con. Ví dụ như trường hợp mẹ để cho cha dượng đánh bé gãy tay xảy ra ở quận Tân Phú. Sau khi vụ việc được phát hiện, cơ quan điều tra đã khởi tố người cha dượng, còn mẹ ruột thì Hội Bảo vệ trẻ em đã đề nghị xử phạt hành chính.
LS Huỳnh Công Thư (Đoàn LS tỉnh Long An) cũng cho rằng hiện nhiều phụ huynh khi thấy con trẻ hư thường dùng đòn roi để “dạy” cho trẻ sợ và nghĩ rằng trẻ sợ thì sẽ không dám tái phạm nữa. Tuy nhiên, dùng đòn roi lại ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của trẻ sau này và cha mẹ cũng vi phạm pháp luật.
“Cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về quyền trẻ em, đưa nội dung luật trẻ em vào trường học để trẻ hiểu được mình có quyền được pháp luật bảo vệ như thế nào. Cũng có thể mở thêm các lớp học tiền hôn nhân về quyền của con cái trong gia đình trước khi nam nữ bước vào cuộc sống vợ chồng”, LS Thư đề xuất.
Mềm mỏng mới là biện pháp lâu dài!
Một chuyên gia tâm lý, Khoa Tâm lý học, trường Đại học Sư phạm TP.HCM đưa ra lời khuyên rằng khi trẻ mắc phải sai lầm, phụ huynh nên phản đối nhẹ nhàng bằng cách nói cho trẻ hiểu, nêu hình thức phạt nếu không thực hiện. Còn hành vi của trẻ ở mức độ nhẹ không gây hậu quả nghiêm trọng thì cha mẹ nên lờ đi.
“Dạy trẻ bằng đòn roi sẽ khiến trẻ lo lắng, sợ hãi, không hiểu tại sao cha mẹ lại đánh mắng mình, trẻ sẽ tìm cách đối phó, trơ lỳ, không biết sợ, thậm chí dùng đòn roi sẽ có thể làm trẻ hình thành nhân cách không ổn định sau này”, vị chuyên gia tâm lý phân tích.
Ngày 6.12, Ủy ban Quốc gia về trẻ em chính thức ra mắt Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 để tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Đây được xem là một kênh quan trọng để bảo vệ trẻ em trước bạo hành, xâm hại.
Gọi vào tổng đài này, PV Thanh Niên được một nhân viên trực cho biết tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân đều có thể gọi đến Tổng đài 111 để cung cấp thông tin, thông báo, tố cáo mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Tổng đài sẽ thực hiện các việc tư vấn kiến thức về trẻ em với tinh thần ưu tiên bảo vệ trẻ em. Tổng đài 111 hoạt động 24/24 tất cả các ngày và không thu phí với người gọi đến. Tổng đài có nhiệm vụ liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền để kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.