Chị Lững mồ côi, người chở che những mảnh đời bất hạnh

17/06/2020 13:06 GMT+7

Không giàu có, dư dả nhưng vợ chồng chị Y Lững vẫn cố gắng làm lụng, chăm sóc và nuôi nấng hàng chục đứa trẻ bất hạnh .

Chị Lững mồ côi

Tiếng là ở phố, nhưng nhà chị Lững (37 tuổi) lại nằm trong một con ngõ sâu hun hút của thôn Kon Tu Kơ Pơng (xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Trong cái nắng ban trưa, lũ trẻ con tha thẩn chơi đùa trước vuông sân bê tông nhỏ hẹp.
Chị Lững vắt vội mớ quần áo cho đàn con lên dây phơi rồi bước ra chào. Chị có dáng người mảnh khảnh, đôi mắt hiền hòa và nụ cười trìu mến. Năm lên 2, cô bé Lững mồ côi mẹ. Khi Lững lên 7 tuổi, cha cũng bỏ Lững mà về bên kia thế giới. Không có khả năng nuôi cháu, người cô bế Lững đến cô nhi viện.
Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp 3, vì không có điều kiện thi đại học, Lững rời cô nhi viện ra ngoài lập nghiệp. Năm 19 tuổi, chị lập gia đình. Hai bàn tay trắng, vợ chồng chị dựng tạm căn chòi ở góc vườn do bố mẹ để lại. Chị bắt đầu nhận nuôi, chăm sóc những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh. “Mình là đứa trẻ mồ côi. Vào cô nhi viện từ năm 7 tuổi. Mình hiểu những đắng cay của phận đời bất hạnh. Mình quyết định nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, để trả ơn trời”, chị Lững tâm sự.

Cứu sống con “ma rừng”

Ban đầu, những đứa trẻ mồ côi trong làng được chị Lững nhận nuôi. Dần dà, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình ở các địa phương khác có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khổ cũng đem con đến gửi. Khi nào nhà hết khó thì họ đến xin con về. Cũng có những bà mẹ trẻ bị chồng bạo hành tìm đến mái ấm của vợ chồng chị mà nương náu. Bất kể là ai, ở đâu, chị đều dang rộng vòng tay chào đón. Thật may mắn, chồng chị Lững cũng hết lòng cùng vợ xây dựng mái ấm chăm sóc những mảnh đời bất hạnh.
“Về ở đây, các cháu được học từ cấp 1 đến cấp 3. Trong 52 cháu nhỏ được nuôi dưỡng, có một số đã trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng và một số có việc làm ổn định”, chị Lững kể.
Để duy trì mái ấm, vợ chồng chị làm đủ thứ nghề. Anh Lương Văn Thin (chồng chị Lững) xin theo các công trình làm công nhân. Cha mẹ để lại cho 2 ha rẫy, chị Lững trồng đủ các loại cây hoa màu. Để phát triển kinh tế, vợ chồng chị dành dụm tiền mở rộng thêm diện tích đất canh tác lên 4 ha.
Năm 2008, trong một lần đi thăm rẫy, qua một ngôi nhà đang tổ chức đám tang, theo tập tục của người Bana, chị Lững ghé vào thắp nén nhang cho người đã khuất thì nghe tiếng con trẻ khóc ngằn ngặt. Chị hỏi thăm mới vỡ lẽ, người nằm trong quan tài là một sản phụ, ra đi sau khi vượt cạn. Từ xa xưa, người Bana quan niệm người mẹ nào qua đời khi vừa sinh con là điều xui xẻo. Đứa trẻ sinh ra nếu còn sống thì hồn ma của người mẹ sẽ không siêu thoát. Những đứa trẻ ấy sẽ là con ma rừng mang vận xui đến cho cả làng, thần linh sẽ phạt tội. Vì vậy, “con ma rừng” sẽ phải chết theo mẹ.
Khi chị đến, đứa trẻ đã bị bỏ đói 3 ngày 3 đêm. Bản năng sinh tồn thôi thúc đứa bé khóc ngằn ngặt đòi bú. Thế nhưng họ hàng của bé cũng chỉ biết quay đi gạt nước mắt chứ không dám chống lại luật tục của cha ông. Thương đứa trẻ, chị Lững ngỏ ý với gia đình xin mang đứa bé về. Cả làng phản đối vì họ không muốn gặp tai vạ.
“Đứa trẻ ngày một yếu, tiếng khóc mỗi lúc một nhỏ dần. Nghĩ nếu không đưa cháu về sẽ không kịp cứu, mình liền quỳ xuống xin lũ làng cho đưa đứa bé về. Nếu nó chết là do số phận của nó. Còn nếu nó sống, mình xin chịu tất cả tai họa thay cho cả làng”, chị Lững nhớ lại. Cuối cùng, cha của đứa bé bế con lên trao vào tay người đàn bà xa lạ. Đứa bé lớn lên nhờ mật ong, nước cơm và tình yêu thương của chị. Đến nay, “con ma rừng” ngày nào đã lớn, đã biết phụ cha mẹ nuôi việc nhà và chăm sóc các em.

Trái ngọt đầu cành

Mái ấm của gia đình chị Lững ngày càng có thêm thành viên, kéo theo đó là chi phí ăn uống, sinh hoạt cũng tăng lên. Chị bảo để duy trì cuộc sống của đại gia đình, mỗi ngày phải tiêu tốn hết hơn 500.000 đồng. Đó là chưa kể tiền ăn sáng, tiền xăng xe đưa đón các cháu đi học. Hai vợ chồng chị cố gắng làm lụng cũng chỉ đủ ăn nếu không muốn nói là túng thiếu.
Niềm vui lớn nhất đối với vợ chồng chị Lững là sự trưởng thành của các con. Từ mái ấm của chị, có 3 đứa trẻ bất hạnh đã bước chân vào cổng trường đại học, hàng chục người con khác đã lập gia đình và không quên hỗ trợ mẹ nuôi kinh phí chăm sóc các em. Sau hơn 15 năm làm việc thiện, đến nay mái ấm của vợ chồng chị Lững đã che chở cho hơn 50 cuộc đời giông bão, bất hạnh.
Chị Lững nói: “Mặc dù vất vả, khó khăn nhưng khi thấy các con trưởng thành, ăn học đàng hoàng, những cái khổ lại tan biến hết. Mình chỉ mong sau này các con tự tin trong cuộc sống, biết giúp đỡ, chở che cho những mảnh đời bất hạnh khác”.
Ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, cho biết hiện xã đang hướng dẫn chị Lững hoàn thành các thủ tục pháp lý để được cơ quan chức năng hỗ trợ, bớt đi phần nào vất vả khi hằng ngày lo cho hàng chục trẻ em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.