‘Chiến sĩ vô danh’ trong ca mổ tách cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi

26/07/2020 09:42 GMT+7

‘Chiến sĩ vô danh’ - tên người trong nghề dành để gọi ê kíp BS gây mê. Họ đến sớm nhất, về muộn nhất, thầm lặng làm công việc của mình để BS chuyên khoa thực hiện ca đại phẫu cho cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi.

Không phải tự nhiên mà những người trong ngành y gọi bác sĩ (BS) gây mê là “chiến sĩ vô danh”. Tên gọi này như một cách bày tỏ sự cảm kích với công việc của họ, mọi thứ họ đặt ra phải chính xác đến từng tiểu tiết với nhiều phương án dự trù. Trong ca mổ tách dính cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi, ê kíp gây mê gồm 6 BS, 4 kỹ thuật viên có tên và rất nhiều người “không có tên” tham gia.

Bài toán cân não

Tôi gặp BS CKII Tạ Thị Thúy Hằng (Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố– trưởng ê kíp gây mê ca đại phẫu) vài ngày sau ca phẫu thuật của cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi. Chị vẫn ở bệnh viện, không về nhà và thường xuyên ra vào xem tiến triển của hai bé.
BS Hằng là người đầu tiên, cũng là người cuối cùng bước ra khỏi phòng mổ. Với chị, hai bé tách rời thành hai cá thể riêng biệt, ca mổ thành công là điều hạnh phúc khó diễn đạt thành lời. Đặc biệt hơn nữa, đây là ca phẫu thuật tách dính đầu tiên mà chị tham gia với vai trò là trưởng ê kíp gây mê.

BS Hằng có kinh nghiệm 14 năm làm gây mê hồi sức nhi

Ảnh: BV Nhi đồng Thành phố

BS Hằng kể, ban đầu, dự định phẫu thuật cặp song sinh sau tết, nhưng vì nhiều lý do mà tới 15.7 vừa qua mới có thể thực hiện được. Đó cũng là quãng thời gian dài ê kíp của chị cùng nhiều ê kíp phẫu thuật chuyên khoa liên tục phải hội chẩn.
Theo đó, ê kíp gây mê phải đảm bảo ổn định hô hấp, tuần hoàn; đồng thời đảm bảo độ mê, giảm đau đáp ứng theo đúng nhu cầu của từng ê kíp phẫu thuật chuyên khoa. Với ca phẫu thuật này, cả ê kíp của BS Hằng phải căng não tính toán vì gặp nhiều khó khăn.

Cả đêm trước khi thực hiện ca phẫu thuật cho cặp song sinh, BS Hằng hồi hộp đến không thể ngủ được

Ảnh: Ngọc Dương

Đầu tiên là chuyện hai bé dính nhau nên không thể xác định được cân nặng thực tế của từng bé. Giữa hai bé còn có sự thông nối hệ tĩnh mạch vùng bụng chậu nên cả ê kíp phải rất thận trọng trong việc theo dõi độ mê cũng như điều chỉnh liều lượng thuốc thích hợp nhằm đảm bảo an toàn nhất cho hai bé trong suốt cuộc phẫu thuật kéo dài.
Thách thức thứ hai cho BS gây mê là trong ca mổ, hai bé phải thay đổi tư thế nhiều lần, vì vậy việc quản lý đường thở, đường truyền phải được tiên đoán trước, đảm bảo thực hiện an toàn trong việc xoay trở bệnh nhân, tránh nguy hiểm cho hai bé.

Giáo sư Trần Đông A nói gì về ca phẫu thuật tách cặp song sinh dính nhau?

Chưa hết, cuộc đại phẫu được dự kiến kéo dài 12 giờ nên nguy cơ mất máu với lượng cao. Điều này đòi hỏi ê kíp gây mê phải theo dõi chặt chẽ và kiểm soát các chỉ số sinh hiệu, phát hiện kịp thời những thay đổi để truyền máu và các chế phẩm của máu nhằm giữ vững hoạt động tuần hoàn và các vấn đề đông cầm máu cho hai bệnh nhi.
Một điều khó khăn nữa đặt ra ngay từ đầu là cả ê kíp gây mê – phẫu thuật phải phối hợp đồng đều, nhịp nhàng trong suốt quá trình phẫu thuật tách rời hai bé, vận chuyển bé Trúc Nhi sang phòng mổ khác, phẫu thuật tạo hình cho cả hai bé và cuối cùng là chuyển hai bé đến khoa Hồi sức an toàn.
“Sự phối hợp này đòi hỏi sự nỗ lực tập trung của cả tập thể, những người có tên trong ê kíp phẫu thuật - gây mê - hồi sức, cũng như rất nhiều người chưa có tên trong ê kíp nhưng đóng góp thầm lặng để chuẩn bị đầy đủ thuốc, y dụng cụ, máy móc kịp thời cho ca đại phẫu này. Việc chuyển bệnh từ phòng này sang phòng khác chúng tôi cũng phải tập dợt nhiều lần vì lúc đó vết mổ các bé vẫn còn hở, phải chuyển thế nào để đảm bảo bé vẫn an toàn đường mổ, đường truyền vô trùng, đòi hỏi sự phối hợp nhanh nhẹn, đồng bộ thì mới an toàn”, BS Hằng xúc động chia sẻ.

Không thể chợp mắt vì hồi hộp

Ngày còn công tác ở BV Nhi đồng 2, BS Hằng từng tham gia một số ca phẫu thuật tách dính cùng trưởng khoa của mình là ThS.BS Phan Thị Minh Tâm (Nguyên trưởng khoa Gây mê hồi sức, BV Nhi đồng 2).
“14 năm theo gây mê hồi sức, đây là ca tách dính song sinh thứ ba mà tôi tham gia. Những ca trước, tôi là một thành viên trong ê kíp, được trưởng khoa sắp xếp mọi thứ. Tôi chỉ được chuẩn bị một công đoạn nhỏ nào đó thôi. Những cảm xúc và nỗi lo khi ấy rất khác với hiện tại. Ca này lại phức tạp hơn và khó khăn hơn so với những ca trước tôi đã làm, với rất nhiều chẩn đoán, những chuyện có thể xảy ra trong quá trình mổ”, BS Hằng tâm sự.

BS Hằng thường đặt mình vào vị trí người nhà của bệnh nhi để chia sẻ với gia đình và gây mê với phương châm: "Gây mê êm dịu, trị liệu an toàn"

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Sau nhiều lần họp hành, hội chẩn, đặt giải pháp cho các tình huống có thể xảy ra, đêm cuối trước khi bắt đầu ca phẫu thuật, BS Hằng vẫn cảm thấy hồi hộp, lo lắng đến mất ngủ.
Trước lúc ca phẫu thuật bắt đầu, BS Hằng gặp ba mẹ của Trúc Nhi – Diệu Nhi để giải thích các nguy cơ gây mê, BS kiểm soát được bao nhiêu %, bao nhiêu % là sự cố không kiểm soát được cùng với đó là lợi ích mà gây mê hồi sức đem lại cho cuộc mổ này.
BS Hằng thuật lại, ba mẹ của hai bé là những người trẻ, rất hiểu biết và nắm được nguy cơ nên ba mẹ đều hiểu và chấp nhận. “Trong một ca mổ viêm ruột thừa thôi người ta đã rất lo lắng rồi, huống gì đây là cuộc phẫu thuật đối mặt với nhiều nguy cơ, bao gồm cả khả năng thất bại nên ba mẹ bé còn lo hơn gấp bội. Ba mẹ bé nhắn nhủ với tôi rằng mong hai bé được tách ra một cách lành lặn nhất để để có thể trở về cuộc sống bình thường, hai bé có thể trở thành hai cá thể riêng biệt”, BS Hằng bộc bạch.

BS Tâm là người chị đi trước trong nghề, người sếp cũ của BS Hằng. Sự hỗ trợ của BS Tâm khiến BS Hằng vững tâm hơn trong ca phẫu thuật

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Trong ca mổ kéo dài 12 tiếng, ngoài sự chuẩn bị kỹ càng, một trong những điều khiến BS Hằng thêm vững tâm đó là sự tham gia của BS Tâm với vai trò tham vấn gây mê – một người chị trong nghề, một người sếp cũ và cũng là một người đã tham gia nhiều ca mổ tách dính trước đó.
BS Tâm cũng là người xem tất cả những loại thuốc men, dụng cụ, máy móc mà BS Hằng chuẩn bị, nếu thấy thiếu hoặc cần bổ sung gì, BS Tâm là người liên hệ với các BV có làm bệnh nhi để nhờ hỗ trợ.
Giống như đồng nghiệp cũ của mình, BS Tâm cũng cho biết, cả đêm trước khi vào ca phẫu thuật cũng không thể nào chợp mắt được. Dù có 35 năm kinh nghiệm làm gây mê hồi sức và tham gia 5 ca mổ tách dính song sinh trước đó nhưng các nỗi lo, giả thiết cứ vậy xuất hiện trong đầu BS Tâm.
Nghĩ rồi, BS Tâm lại động viên chính mình phải ráng chợp mắt để sáng sớm có sức tham gia ca phẫu thuật dài. Suy nghĩ qua lại, đúng 4 giờ sáng, báo thức kêu, BS Tâm bắt đầu chạy xe từ trung tâm ra BV Nhi đồng Thành phố. Tới nơi là hơn 5 giờ sáng.
BS Tâm chia sẻ, so với các ca tách dính song sinh trước đó, ca của Trúc Nhi – Diệu Nhi diễn ra ở một BV mới với toàn y BS có chuyên môn giỏi cùng kỹ thuật tiến bộ của ngành y trong chẩn đoán hình ảnh nên cả ê kíp đều an tâm vào phòng mổ.
Khi ca mổ thành công, BS Tâm thở phào rồi trở về lại với công việc của mình ở BV Mắt TP.HCM. Đều đặn mỗi ngày, BS Tâm gọi đồng nghiệp để cập nhật tình hình sức khỏe của cặp song sinh.
BS Tâm trải lòng: “Mỗi ca tách dính song sinh đều có những cảm xúc, kỷ niệm khác nhau. Với Trúc Nhi – Diệu Nhi, xong ca mổ tôi rất mừng, cám ơn bề trên cho cuộc phẫu thuật suôn sẻ dù trong mổ nhiều trường hợp gay cấn xảy ra, nhưng ê kíp mổ đều hoàn thành, suy nghĩ của tôi là cực khổ bao nhiêu vất vả bao nhiêu lo lắng, mà giờ em bé được như vậy, tôi rất là vui lòng. Vui hơn nữa khi thấy đồng nghiệp của tôi làm tốt, trình độ được nâng lên, khâu chuẩn bị cũng được mọi người quan tâm. Đó là điều hạnh phúc với những người làm nghề như tôi”.

Một trong hai bé song sinh được cai máy thở sau 1 tuần mổ tách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.