Ba ngày không “mở hàng”
Theo ghi nhận của PV, hàng loạt gian hàng ở chợ đêm Phú Quốc đã đóng cửa. Từ cổng chợ (đầu đường Lý Tự Trọng), con đường mà cách đây chừng 1 tháng còn náo nhiệt đông đúc, người đi bộ phải chen chân dạo chợ vậy mà giờ đây thông thoáng đến bất ngờ.
Một vài gian hàng vẫn cố gắng mở cửa nhưng đứng xung quanh chỉ có chủ và nhân viên. Du khách vẫn có nhưng chỉ vài người lác đác đi dạo, thi thoảng ghé vào xem một chút rồi lại đi chỗ khác, chẳng mua sắm gì hoặc nếu có thì chỉ là uống ly nước mía hoặc ly nước thốt nốt rồi lướt đi.
Vào sâu trong tuyến đường Bạch Đằng, chỉ vài quán hải sản còn sáng đèn, nhưng nhìn vào chỉ có chủ và nhân viên ngồi bấm điện thoại.
Rẽ qua đường Bạch Đằng chừng 100m, đoạn qua quán cà phê Đắng, là một “màu đen” ảm đạm, hàng loạt nhà hàng đã đóng cửa, bàn ghế vật dụng được xếp gọn vào bên trong.
Đến khu chợ giai đoạn 2 (khu trung tâm thương mại cũ) thì nhiều gian hàng được đóng cửa kín mít, thi thoảng chỉ có một vài người dân địa phương đi bộ thể dục buổi tối.
|
|
Bà Trần Thị Thu (52 tuổi, chủ một gian hàng quà lưu niệm) cho biết cách đây ít ngày, có 3 ngày liên tục bà bày gian hàng ra bán, từ 16 giờ đến khi dọn hàng vào là hơn 22 giờ mà không bán được bất kỳ món hàng nào.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Mai (50 tuổi, chủ một cửa hàng nước giải khát) cũng cho biết có những ngày bà không bán được món gì, dù là một chai nước suối. Gần đó, cửa hàng quần áo may sẵn của bà Trần Thị Bích Nga cũng lâm vào cảnh tương tự, mở cửa buôn bán nhưng vợ chồng bà Nga chỉ ngồi xem tin tức trên điện thoại chứ không có khách.
“Tình hình này xảy ra kể từ đầu tháng 8 đến nay, nhiều tiểu thương như chúng tôi đã đóng cửa, tôi cũng vậy, nay mở cửa ra chỉ để quét bụi bặm và cho thông thoáng cửa hàng thôi chứ có bán buôn được gì đâu”, bà Nga nói.
Khả quan hơn chút là trường hợp của bà Hà My, chủ một gian hàng bán hải sản khô. Ngày 23.8, bà mở cửa từ 16 giờ đến 20 giờ 30 và cho hay bán được khoảng 200.000 đồng.
|
|
|
Thông tin với PV Thanh Niên, ông Phan Trung Danh, Trưởng ban quản lý chợ đêm Phú Quốc, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên du khách đến Phú Quốc giảm nhiều, vì thế khoảng 80% số gian hàng đã đóng cửa ngưng kinh doanh.
“Những tiểu thương này tự ý ngưng kinh doanh chứ không phải là chủ trương của Ban quản lý chợ đêm”, ông Danh nói.
“Gồng mình” vì muốn giữ nhân viên
Dù biết sẽ lỗ nặng nhưng một số ít gian hàng vẫn “gồng mình” mở cửa. Đơn cử như anh Nguyễn Văn Hoạt, chủ 2 shop quần áo ở khu chợ. Anh Hoạt cho biết, anh có hai cửa hàng quần áo và tiền mặt bằng đã lên đến 95 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền thuê nhân viên thì mỗi đêm anh lỗ trắng không dưới 3 triệu đồng.
“Vẫn biết rằng mở cửa là lỗ nhưng do tiền mặt bằng chúng tôi đã đóng từ trước nên có mở cửa hay không thì vẫn tốn tiền mặt bằng. Thôi thì ráng mở cửa, bán được đồng nào hay đồng nấy, lấp vào khoản lỗ và cũng phần nào giúp nhân viên trụ cùng chúng tôi qua khó khăn này”, anh Hoạt nói.
Còn ông Võ Minh Đông (chủ một nhà hàng hải sản) thì cho biết trong suốt nhiều năm qua, các nhân viên đã gắn bó với nhà hàng, đã giúp nhà hàng phát triển, giờ thấy khó khăn mà cho họ nghỉ thì thật không hay.
Tương tự là trường hợp của ông Trần Tấn Phước (52 tuổi, chủ quán ăn Huy Bảo). Quán ăn của ông Phước gồm 4 lô ở chợ đêm ghép lại với tiền mặt bằng hàng tháng lên đến hơn 200 triệu đồng, cộng thêm lực lượng nhân viên (từ phục vụ đến đầu bếp) cũng hơn 20 người, lương dao động 5 - 15 triệu/người thì chi phí hàng tháng của quán ông không hề nhỏ. Thế nhưng do tiền mặt bằng đã trả cộng với việc hải sản tươi sống đang có sẵn ở quán nên không thể đóng cửa. Ông chỉ mong bán được đồng nào thì đỡ lỗ đồng nấy.
“Ghẹ xanh chúng tôi có sẵn trong bồn chỉ chừng sau 2 ngày là thịt không còn chắc nữa, như thế ghẹ sẽ không ngon nên không thể bán cho thực khách, lượng hao hụt này có khi lên đến hơn 20% nên ngoài tiền mặt bằng, nhân viên, chúng tôi còn lỗ thêm phần hải sản bị hao hụt”, ông Phước chia sẻ.
|
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Ngôi Sao Biển (đơn vị chủ quản chợ đêm Phú Quốc) cho biết việc tiểu thương gặp khó khăn trong giai đoạn này đã kéo theo khó khăn cho công ty.
“Hiện tại có tiểu thương nợ tiền mặt bằng gần 1 tỉ đồng chưa trả, trong khi người ta không buôn bán được thì không thể đóng tiền đúng hẹn, mình đành chịu”, ông Sơn nói và cho biết thêm công ty đang tạm dừng thu tiền thuê mặt bằng và đã làm văn bản gửi UBND huyện Phú Quốc xin miễn tiền mặt bằng làm “cơ sở” miễn giảm cho tiểu thương.
|
|
Bình luận (0)