Cụ ông Vũ Chấn, 93 tuổi, hiện đang trú ở ngõ 6, phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai, Hà Nội bồi hồi lật mở album gia đình, bàn tay run run dừng lại trước tấm ảnh đen trắng ghi dòng chữ “Những ngày ở Hà Giang 1954”. Trong ảnh, có một cô gái nhắm mắt, bên cạnh mọi người đang cười rất tươi.
tin liên quan
Ông bà cụ 4000 lần cãi vã kỷ niệm 75 năm sống bên nhauMột cặp đôi ở Anh vừa kỷ niệm 75 năm ngày cưới. Họ đã có 78 năm bên nhau dù cho khoảng 4000 cuộc cãi vã đã xảy ra, chủ yếu về cách chi tiêu tiền bạc.
|
Yêu từ cái nhìn đầu tiên
Cụ Vũ Chấn bồi hồi nhớ lại: “Năm 1954, tôi là bộ đội công tác tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, một người anh họ của tôi đang công tác ở Hà Giang có ý mai mối tôi với cô bé tên Nguyễn Phương Lan, vợ tôi bây giờ. Những gì tôi biết chỉ là Lan quê ở Hà Nam, kém tôi 8 tuổi, đang làm công tác dân tộc ở UBND tỉnh Hà Giang”.
“Anh cho tôi xem bức ảnh cô ấy chụp cùng mọi người, dù bị nhắm mắt, nhưng tôi vẫn thấy cô ấy rất xinh, tôi thích ngay từ giây phút ấy. Tôi viết thư qua thư lại cho Lan, cô ấy còn tặng tôi một tấm ảnh hồi đi cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên, tôi càng mong chờ ngày được gặp cô ấy hơn”.
|
Cụ ông kể tiếp: “Năm 1956, nhân dịp nghỉ lễ 2.9 tôi mượn của chị tôi chiếc xe đạp Peugeot rồi đạp xe từ Hà Nội lên Hà Giang, quãng đường 315 km. Đường xấu lắm, nhưng đúng là sức mạnh tình yêu, tôi đạp xe không biết mệt. Tôi nghỉ một đêm ở Tuyên Quang, hết hai ngày thì đến UBND tỉnh Hà Giang. Đến nơi, Lan đi họp, tôi ở nhờ nhà một người quen, chờ hôm sau mới gặp được Lan.
Sau khi được Chủ tịch tỉnh đồng ý, chánh văn phòng ủy ban sắp xếp cho chúng tôi nói chuyện trong một căn phòng nhỏ. Chúng tôi ngượng nghịu lắm, nhưng ngay lần gặp mặt đầu tiên ấy, lời khó nói nhất cũng được nói ra. Tôi cầu hôn Lan, cô ấy mỉm cười thay cho lời đồng ý”.
|
Cụ Chấn cười móm mém khi những ký ức xưa cũ ùa về. Bên cạnh cụ ông, cụ bà Nguyễn Phương Lan cũng cười xòa, giấu ngượng ngùng trong đôi tay đang đan len.
Sau buổi gặp gỡ định mệnh năm 1956, cụ Chấn, cụ Lan thường xuyên viết thư cho nhau. Ông văn thư quen mặt cô gái nhận thư tên Lan đến mức trêu: “Ủy ban tỉnh Hà Giang công văn lắm mà thư cũng nhiều”.
Cụ Lan chẳng thể nào quên những lá thư viết trên giấy poluya năm nào: “Chữ ông nhà tôi dễ đọc, thư nào cũng 3, 4 mặt giấy. Đại khái ông ấy hỏi thăm, kể công việc và nói rất nhớ tôi”.
|
Ngày 10.3.1957, lễ cưới của cụ Chấn và Lan được diễn ra ở sảnh Trường trung học Albert Sarraut (bây giờ là Văn phòng T.Ư Đảng, Hà Nội). Đám cưới giản đơn với thuốc lá cuộn, bánh kẹo, nước trà, quà cưới là chậu rửa mặt, thơ chúc mừng, gương soi, sổ tay…
Có một kỷ niệm đến giờ hai cụ chẳng thể nào quên, đó là đám cưới bắt đầu từ 7 giờ sáng nhưng mọi người chờ mãi không thấy cô dâu đâu nên tá hỏa đi tìm. Hóa ra, cô dâu phải làm lại tóc cho đúng quy định (vì làm việc trong cơ quan nhà nước), đến hơn 8 giờ mới xuất hiện.
Sau này, chuyện tình yêu với người bạn đời của mình được cụ Vũ Chấn viết lại trong cuốn hồi ký của đời mình với tên Tự truyện. Cụ Chấn chia sẻ: “Năm 80 tuổi, tôi ghi lại những câu chuyện quan trọng của đời mình, để sau này cháu con có thể hiểu hơn về ông bà chúng. Phần tôi gặp vợ tôi như thế nào bây giờ vẫn khiến tôi bồi hồi xúc động”.
“Tôi cũng thích bài hát Ông bà anh”
Cưới xong, cụ Lan vẫn phải về Hà Giang tiếp tục làm việc thêm hai năm nữa, hai vợ chồng đành ở hai đầu nỗi nhớ. Đến năm 1959, cụ Lan về Hà Nội, công tác tại Nhà khách T.Ư, lúc này cụ Chấn đã về làm giảng viên tại Trường chính trị trung - cao cấp quân đội (đóng ở Hà Đông, Hà Nội).
Cuối năm 1959, họ sinh con gái đầu lòng, đặt lên là Vũ Thị Việt Hà, ý nghĩa là bông sen thơm của Hà Nội. Liên tiếp, các năm 1961, 1963, hai em bé tiếp sau chào đời. Năm 1970, họ chào đón con gái út.
|
Dù chồng ở Hà Nội, nhưng phải ở đơn vị đến cuối tuần mới được về nhà, một mình cụ Lan vừa đi làm, vừa nuôi 4 con nhỏ. Những năm tháng chiến tranh miền Bắc rồi bao cấp khó khăn, nhưng tình yêu thương, sự cảm thông, san sẻ đã giúp hai vợ chồng cụ Chấn, Lan luôn bền vững tình yêu, hạnh phúc đến ngày hôm nay, khi cả 4 người con đều thành đạt, có công danh sự nghiệp.
tin liên quan
Bộ ảnh cưới khiến cư dân mạng 'phát sốt” của hai cụ gần 80 tuổiÔng 77 tuổi, bà 72 tuổi, cả hai ông bà đều hạnh phúc trong bộ ảnh cưới lãng mạn bên hàng trà chanh, quán cà phê, công viên của Hà Nội.
Ở tuổi 93, cụ Chấn không còn khỏe sau nhiều lần bị tai biến; trong khi đó, cụ Lan, 85 tuổi, chỉ có thể ngồi một chỗ vì tai nạn xe máy cách đây 19 năm, tuy nhiên, cả hai vợ chồng vẫn tình cảm như ngày nào.
Trong căn nhà nhỏ ở phố Kim Đồng, mỗi ngày, cụ Chấn đều ngồi bên vợ thủ thỉ chuyện trò, họ cùng nhau đan áo gửi tặng trẻ em nghèo. Trong khi cụ bà đan len, cụ ông gỡ sợi, thi thoảng mang tới cho bà ly nước, quả cam. Cụ Lan mỉm cười: “Chúng tôi nghĩ hạnh phúc đều do mình tự tạo ra. Khi tôi nóng giận thì ông nhà tôi đều im lặng. Ông ấy giận thì tôi không nói, thế rồi cả hai tự làm hòa nhau”.
Chúng tôi trêu cụ Lan, chuyện tình của hai cụ như nội dung bài hát Ông bà anh trên tivi, cụ Lan cười, bảo chồng: “Ông ơi, bài hát đó hay nhỉ ông nhỉ”.
|
“Tôi cũng thích bài Ông bà anh. Nhưng mà ngày xưa cho đến cả bây giờ, ông nhà tôi không tặng hoa cho tôi. Chúng tôi chỉ có chở nhau đi trên chiếc xe đạp cũ, tôi nhớ có lần, cái xe đang đi thì bị gẫy khung, vợ chồng lại cuốc bộ, thời ấy sao mà khó khăn thế. Đúng như lời bài hát đấy chị ạ, chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau suốt đời. Tôi cũng không nhớ lần đầu ông ấy cầm tay tôi là khi nào, nhưng mà yêu thương nhau đến tận bây giờ”, cụ Lan nhìn ra ngoài khung cửa.
Ngày 10.3.2017 này, vợ chồng cụ Lan, Chấn kỷ niệm 60 năm ngày cưới, 60 năm đi bên nhau, vượt qua muôn vàn đắng cay, gian khó…
Bình luận (0)