Cô gái Việt chạy liên tục 24 tiếng: 'Thấy bạn bè mới biết mình... sống rồi!'

20/10/2019 14:07 GMT+7

Xuất phát lúc 22 giờ hôm trước, chị Tú chạy bộ suốt 24 tiếng xuyên màn đêm. Gặp nhiều sự cố nhưng người phụ nữ có nước da bánh mật chưa bao giờ bỏ cuộc. Chị nhớ nhất khoảnh khắc biết mình còn... sống khi về tới đích.

Lần đầu gặp Tú, từ chị toát lên sự nhiệt tình, cởi mở và quan tâm. Mặc dù bận rộn khi một mình ôm đồm nhiều việc cho một sự kiện thể thao quy mô lớn, chị vẫn lo lắng cho nhóm tình nguyện viên chúng tôi từ miếng ăn đến giấc ngủ. Với dáng người cao gầy và nước da bánh mật, tôi cũng đoán rằng chị có chơi thể thao. Nhưng khi biết danh sách giải chạy chị tham gia, tôi ngỡ ngàng.

Mình còn... sống!

Ngày còn nhỏ, chị Nguyễn Xuân Cẩm Tú (36 tuổi) tham gia thi đấu môn bơi lội trong hội thi Hội khỏe Phù Đổng. Thói quen tập luyện đều đặn đã hình thành trong chị từ sớm vì bản tính năng động không thích ngồi lì một chỗ. Sau thời gian du học bên Mỹ, chị quyết định về Hà Nội làm việc cho một tổ chức phi chính phủ. Mối duyên giữa chị và Hội những người chạy bộ đường dài (Long Distance Runners) bắt đầu.

Trong số những giải chạy marathon trong và ngoài nước, chị ấn tượng nhất với Vietnam Mountain Marathon (VMM). Là giải chạy marathon khắc nghiệt nhất Việt Nam, VMM luôn là mục tiêu của những người đam mê môn chạy bộ địa hình. Được tổ chức từ năm 2013 với nhiều cự ly, VMM thách thức người chạy trên cung đường dốc núi cao chót vót và gió sương lạnh buốt của Sa Pa (Lào Cai).  

“Đối với VMM thì Tú có rất nhiều kỷ niệm do đã tham gia 3 năm, từ 42km lên 70km và cuối cùng là 100km. Một năm Tú là tình nguyện viên, hỗ trợ bạn bè và chạy fun run (chạy bộ - PV) 15km. Chưa năm nào Tú về đích ở Topas Ecolodge mà trời còn sáng”, chị cho biết.

VMM 2017 là giải đấu chị Tú khó lòng quên được không chỉ bởi sự khắc nghiệt trên đường đua, cảm xúc vỡ òa khi cán đích mà còn là sự đồng hành hỗ trợ của người thân và bạn bè

Ảnh: NVCC

42km là cự ly chạy bộ địa hình (trail) đầu tiên chị tham gia. Vì là lần đầu, sự chuẩn bị của chị chưa được kỹ lưỡng, chặng đầu đường đua chị đi bộ khá nhiều. Đến khi về tới đỉnh Silver Stone, trời đã sập tối. Đèn pin đội đầu là vật dụng thiết yếu đối với chạy bộ địa hình, nhất là những cự ly dài.
“Tú chuẩn bị cái đèn soi ếch khá mờ nên lủi thủi một mình trong bóng đêm. Lần đó, Tú bất chợt thấy một người bận áo trắng đứng bên góc đường, đoán là người ở trên núi. Nghĩ vậy, Tú chỉ chiếu đèn vào người ấy để dòm một cái rồi lại bước tiếp. Đi được một đoạn lại thấy người ấy song hành cùng mình, nghĩ bụng thôi cũng an tâm, mình không lầm lũi gần 1km xuống con dốc sỏi đá. Lúc sau, Tú đang vung vẩy tay khi bước đi thì lại chạm trúng người đó đang đi song song và tự nhiên cảm thấy lạnh cả xướng sống! Tú sợ quá hét lên, người đó bật một phát cách Tú cả 3m. Tú lại hét lên thì người đó thoắt cái xa dần và không còn thấy đâu nữa. Tú không biết có phải gặp ma không nữa, sợ quá co chân chạy về đích, may mà chỉ còn tầm 5km”, chị hồi hộp thuật lại.

Chị giản dị và chân thành với mọi người

Ảnh: NVCC

Năm 2017, chị tham gia VMM với cự ly 100km. Xuất phát lúc 22 giờ hôm trước, chị Tú đã chạy suốt 24 tiếng, xuyên màn đêm để cán đích vào 22 giờ hôm sau. Lần đó, đèn của chị hết pin và chị bị tuột chân xuống một cái hố. Chân đơ và tê liệt không nhấc nổi mà tay chị không đủ lực để kéo lên. May mắn, chị được một người bạn ngoại quốc giúp đỡ. Chị thay pin đèn và tiếp tục cuộc đua.

“Không ngủ trong 24 tiếng thì buồn ngủ là nỗi sợ lớn nhất của Tú. Có những lúc đi bộ, Tú có cảm giác mình ngủ gục. Tú sợ nằm xuống nghỉ là sẽ không đứng lên được, nên mỗi lần gặp được bạn chạy cùng là mừng lắm, cùng kéo nhau đi”, chị tâm sự.

Trải qua cuộc đua khắc nghiệt, chị Tú nhận thấy chạy bộ địa hình không chỉ là cuộc chơi về sức mạnh thể chất mà cả tinh thần. “Thời điểm đó, Tú chạy bằng niềm tin và vạch đích như cánh tay kéo mình lại với thực tế. Khi thấy bạn bè, khi đó cảm xúc vỡ òa như kiểu, mình... sống rồi!”, chị vui vẻ chia sẻ.

Chị Tú tham gia DLUT 2018 với cự ly 70km. Cuộc đua bắt đầu từ 3 giờ sáng, ly mì nóng hổi là “cứu cánh” cho người chạy trong cái lạnh tê của Đà Lạt

Ảnh: NVCC

Tại sao phải cực vậy?

Ngoài chạy bộ địa hình, chị Tú còn tham gia chơi 3 môn phối hợp (bơi - đạp - chạy). Trong chuỗi cuộc thi Ironman, chị đã hoàn thành nội dung chặng đua với cự ly các môn bơi 1.9km, chạy 21km và đạp xe 90km. Ironman là một cuộc thi 3 môn phối hợp nổi tiếng trên thế giới với gần 200 cuộc thi diễn ra. Năm 2015, cuộc thi lần đầu được tổ chức ở Việt Nam theo khuôn khổ Ironman 70.3 với tổng quãng đường bằng một nửa so với phiên bản gốc. Chị Tú tham gia 3 cuộc thi Ironman, được tổ chức lần lượt ở Việt Nam, Đài Loan và Philippines.

Ngoài tham gia các giải chạy với tư cách là runner, chị còn tham gia với vai trò ban tổ chức. Với tư cách runner, chị mạnh mẽ, kiên cường. Còn với tư cách ban tổ chức chị tận tâm, hết mình để đem lại một giải đấu ấn tượng

Ảnh: NVCC

Trước mỗi giải đấu, chị Tú đều phải lập kế hoạch luyện tập nghiêm ngặt và khắt khe với chính mình. Chị thường dùng những bài training plan (kế hoạch hướng dẫn) phù hợp với từng cự ly và bộ môn thi đấu. Chị cho biết: “Training plan thường sẽ là 16 tuần cho đến 20 tuần, tầm từ 4-5 tháng trước giải chạy. Mình phải luôn cố gắng bám sát theo những bài tập đã được lên trong lịch trình theo yêu cầu. Thường những bài tập dài có thể lên đến 5 - 7 tiếng nên có thể mất cả buổi sáng, có khi cả ngày".

Tổng thời gian mỗi tuần mà chị phải bỏ ra cho tập luyện là khoảng từ 7-10 tiếng. “Nhiều khi cũng nghĩ sao mình phải cực vậy, nhưng nó trở thành thói quen. Tú không đi chơi quá khuya, hay quá nhậu nhẹt khi nghĩ đến sáng sớm hôm sau phải dậy chạy hay đạp hay bơi, Nhưng thiệt tình, Tú không cảm thấy mình bị bỏ lỡ gì nhiều. Sắp tới Tú cũng có vài cuộc thi đã đăng ký, Oceanman ở Krabi 11.2019, Dalat Ultra Trail 3.2020, và Challenge Taiwan 4.2020. Tú đăng ký một phần là do bạn bè rủ rê, lại là một ngày hội ngộ vui chơi”, chị chia sẻ.

Riêng về bản thân, chị cảm thấy may mắn vì ba mẹ là người cởi mở. Những giải đấu do chị tổ chức hay tham gia thi, ba mẹ đều chủ động đi theo vì muốn hiểu hơn về đam mê của con gái.
Hiện tại, chị Tú đang độc thân và cảm thấy đây chưa phải thời điểm thích hợp để kết hôn. Chị chia sẻ: “Khi quyết định kết hôn, mình phải trả lời được câu hỏi tại sao lại kết hôn và kết hôn để làm gì. Gia đình và người thân bây giờ đã hối thức Tú dữ lắm rồi. Nhưng nếu Tú kết hôn chỉ vì người người kết hôn, nhà nhà có đám cưới hay vì mình đã tới tuổi lập gia đình không là ế thì Tú không làm như vậy".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.