Cô giáo về hưu ngã bệnh nặng, nhóm cô giáo không quen bất ngờ cùng đến chăm sóc

Hoàng Phương
Hoàng Phương
16/10/2019 09:18 GMT+7

Một cô giáo về hưu hơn 20 năm qua, sống một mình trong căn phòng thuê. Nghe tin cô bệnh, một nhóm cô giáo không cùng thế hệ, thậm chí không quen biết, thay nhau chăm sóc với một lý do đơn giản: họ từng dạy chung trường!

“Thật quá bất ngờ. Hồi đó giờ tôi đâu có nghĩ ra, sao có những người không quen mà giúp đỡ mình tận tình đến như vậy?”, cô Bùi Kim Vân (77 tuổi, cựu giáo viên Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) xúc động nói về những cô giáo đã chăm sóc mình.
Cô Vân kể, cô từng học ở Trường nữ trung học Gia Long, Trung cấp Bách khoa rồi Cao đẳng sư phạm. Năm 1965, cô ra trường và đi dạy ở Rạch Giá, Hà Tiên. Năm 1969, cô chuyển về Mỹ Tho. Đầu tiên cô dạy ở Trường trung học Kỹ thuật công nghiệp rồi chuyển sang Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, đến năm 1998 thì nghỉ hưu.
Người đầu tiên đứng ra lo cho cô Vân là cô Bùi Mộng Mỹ Uyên, giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu và là học trò cũ của cô. Khi hay tin cô Vân nhập viện, cô Uyên liên hệ một số giáo viên đã nghỉ hưu để bàn bạc và thay phiên tới trực ở bệnh viện. Nhóm có khoảng 10 người, lúc đầu ai rảnh giờ nào thì tự sắp xếp thời gian. Sau đó các cô thuê người trực tiếp chăm sóc cô Vân, mỗi ngày 400.000 đồng, chi phí do nhóm tự quyên góp.
Sau khi cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Tiền Giang rồi chuyển sang khu điều trị chất lượng cao vì bị viêm phổi, suy tim, cô Vân được chuyển tới Phòng khám đa khoa Dân Quý (TP.Mỹ Tho) tiếp tục an dưỡng đến nay đã gần 6 tháng, tổng cộng chi phí đã lên tới hàng chục triệu đồng.
Giải thích vì sao cô Vân nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn được các cô tận tình chăm sóc, cô Nguyễn Thu Hồng, cũng là cựu giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu, cho biết vì hoàn cảnh cô Vân hết sức đặc biệt: “Cô Vân sống một mình và không có người thân. Năm 1982, khi tôi về trường thì đã gặp cô Vân với mẹ cô ở trong khu tập thể rồi. Khi mẹ cô mất, khu tập thể bị giải tỏa, cô dọn ra ngoài thuê nhà ở rất nhiều nơi và dạy thêm Anh văn cho học trò tiểu học. Gần đây do sức khỏe yếu nên không dạy nữa”.
Dù bận bịu công việc ở trường nhưng cô Uyên vẫn sắp xếp để cách một ngày vào thăm cô Vân một lần. Hôm nào thấy cô Vân ăn ít thì về nhà nấu cháo gà, cháo vịt hoặc nấu súp đem vô và tự tay đút cô Vân ăn. Mọi chi phí lâu nay do cô Uyên quán xuyến hết. Hoặc như trường hợp cô Oanh, nhà ở xa, nhưng sáng thì lo cho cha mẹ già, chiều nào cũng chạy vào thăm cô Vân.
Thời gian qua, ngoài số tiền quyên góp của các thầy cô còn có sự tham gia của một nhóm học trò trước đây từng học hoặc biết hoàn cảnh của cô Vân. Nhưng gần đây, vì cô Vân nằm viện thời gian dài nên các cô quyết định hằng tháng sau khi sử dụng hết tiền lương hưu của cô Vân hơn 4 triệu đồng, còn lại các thành viên mới đóng góp. Cô Uyên cũng là người rất lo xa: “Tiền quyên góp được chẳng những phải chi tiết kiệm mà còn dự phòng khi cô “trăm tuổi già”. Vì tụi tôi nghĩ cô không có nhà, không người thân, rồi khi đó sẽ tổ chức ở đâu…”.
Khi đang trò chuyện thì có người điều dưỡng trẻ tên Nhân gọi cô Uyên vào văn phòng trao đổi. Lát sau cô Uyên trở ra vui mừng thông báo cho cả nhóm biết người điều dưỡng hứa sẽ tài trợ mọi chi phí khi cô Vân “trăm tuổi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.