Làm nhiệm vụ
Mùa dịch Covid-19, khi đến cơ quan nhìn bảng ghi kế hoạch lịch phân công bay ngày càng giảm dần, thậm chí “trắng xóa” không còn chuyến bay nào khi đại dịch Covid 19 bùng phát trên khắp thế giới, phi công Nam Liên thấy lòng buồn trĩu nặng và nhớ bầu trời da diết! Nhớ về chuyến bay ngày hôm ấy, khi anh nhận cú điện thoại từ Phòng Điều hành bay của Vietnam Airlines gọi đến: “Tối nay anh có thể bay sang Tokyo - Nhật Bản đón đồng bào mình về được không?”
Nam Liên đáp ngay không cần suy nghĩ: “OK. Tôi bay được…”.
Sau quyết định chóng vánh ấy, Nam Liên tranh thủ chạy về nhà báo tin cho gia đình biết là anh phải bay gấp đến vùng có dịch để chở người Việt về nước. Khi thành phố lên đèn cũng là lúc anh lặng lẽ xách vali ra sân bay. Với anh, đây chuyến bay đầy ý nghĩa đối với cuộc đời người phi công của mình.
|
Trong cuộc đời làm phi công hơn 40 năm qua với hơn 20.000 giờ bay, Phi công Nam Liên đã từng “ bay” gần vòng quanh trái đất và đã từng lái nhiều chuyến bay chuyên cơ đặc biệt, những nhân vật quan trọng… nhưng với anh đây chính là “chuyến bay đặc biệt” nhất đời mình.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay được khử trùng kỹ, mọi biện pháp phòng dịch chuẩn bị chu đáo, toàn bộ phi hành đoàn gồm 18 người được trang bị quần áo bảo hộ, khẩu trang, bao tay, các đồ dùng, dụng cụ phòng dịch đầy đủ…
Chuyến bay còn được tăng cường thêm phi công và tiếp viên nhiều hơn so với các chuyến bay khác. Đúng giờ máy bay cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất bay sang sân bay Narita (Nhật Bản) chở theo hơn 380 hành khách các nước và hạ cánh an toàn.
Bay vào vùng dịch bệnh..
Sau 5 tiếng đồng hồ bay đến Nhật, những tưởng không có gì trở ngại thì đến sân bay Narita của Nhật gặp phải trục trặc do máy bay quá lớn nên phải hạ cánh nơi không có đường dẫn cho người đi bộ, nhưng cuối cùng thì mọi việc cũng ổn, toàn bộ hành khách rời khỏi máy bay và không quên nói lời cảm ơn phi hành đoàn.
Khi tới sân bay Narita, toàn bộ phi công và đội ngũ tiếp viên cũng phải đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, khai báo y tế như những hành khách khác. Sau đó chỉ có 1 giờ tạm nghỉ sẽ quay về nước ngay.
Sau khi nhân viên dọn dẹp vệ sinh và khử trùng máy bay xong, tiếp viên bắt đầu đón khách lên máy bay và ổn định chỗ ngồi.
Cơ trưởng Nam Liên thay mặt phi hành đoàn trao đổi với hành khách: “Chuyến bay của chúng ta sẽ hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh thay vì sân bay Tân Sơn Nhất, mong bà con hết sức thông cảm và hãy chia sẻ khó khăn với đất nước khi đang phải gồng mình chống dịch…”.
Sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), toàn bộ hành khách được đưa đi cách ly ngày còn Cơ trưởng Nam Liên cùng phi hành đoàn tiếp tục bay về sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Sau hơn 21 tiếng làm việc không ngừng nghỉ, cơ trưởng Nam Liên cùng phi hành đoàn VNA đã hoàn thành nhiệm vụ, ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
Chuyến bay này đã để lại ấn tượng mới tốt đẹp trong lòng mọi người về đội ngũ phi công và tiếp viên hàng không Việt Nam. Đã có những tiếp viên hàng không, phi công của VNA bị nhiễm Covid-19 nhưng không ai chùn bước, thậm chí, có những tiếp viên hàng không đã tình nguyện dành phần lương của mình để đóng góp kinh phí cho cuộc chiến chống dịch. Thời gian qua, VNA đã thực hiện nhiều chuyến bay khi đưa nhiều người về nước.
Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, quê quán Nghệ An, sinh năm 1961 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức.
Không chỉ là phi công lái máy bay giỏi với hơn 20.000 giờ bay trong 40 năm qua, anh còn có kiến thức rộng, thông thạo nhiều ngoại ngữ và không nề hà bất cứ việc gì.
Ngoài giờ bay, anh còn huấn luyện phi công Bay Việt, hàng năm đào tạo ra nhiều phi công trẻ thế hệ mới, trong đó có con trai anh là phi công trẻ Nguyễn Nam Lộc cũng đã nối nghiệp cha! Trong đợt dịch này, “phi công cha” vừa bay từ vùng dịch về thì “phi công con” lại bay đi vào vùng dịch khác để đưa người Việt về nước.
Bình luận (0)